Ảnh minh họa.
Bệnh nhân là một chiến sĩ (22 tuổi) thường xuyên bị đau nhức khớp gối, cơn đau nhiều hơn khi chơi thể thao, anh đến bệnh viện thăm khám.
Kết quả chụp X-quang chân ghi nhận nam bệnh nhân có một khối u xương lồi cầu ngoài xương đùi phải. Sau đó, anh được chuyển về Bệnh viện Quân y 175 điều trị. Kết quả chụp CT scanner khớp gối phải phát hiện tổn thương hủy xương lồi cầu ngoài. Kết quả sinh thiết xác định anh bị ung thư xương ác tính (sarcoma).
Bác sĩ Phạm Xuân Tuấn, Khoa phẫu thuật chi dưới (B1.B), Bệnh viện Quân y 175 cho biết, nếu bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn, khối u lớn, phát triển không kiểm soát, không đáp ứng hóa trị, phương pháp chủ yếu là phẫu thuật đoạn chi. Trước một chàng trai tuổi còn quá trẻ, các bác sĩ đặt mục tiêu không chỉ cứu sống mà phải giúp anh thoát cảnh tật nguyền.
Sau 3 đợt hóa trị, bệnh nhân được phẫu thuật cắt bỏ khối u xương ác tính, nạo bỏ toàn bộ khối u. Phần xương vừa cắt ra được ngâm trong dung dịch Nitrogen bảo quản lạnh 20 phút, rã đông trong nhiệt độ phòng 15 phút, rã đông trong nước cất 10 phút.
Êkip tiếp tục tái tạo lại lồi cầu ngoài bằng xương mào chậu kết hợp với xi măng. Xương sau khi tái chế được cấy ghép lại vào chân người bệnh. Các bác sĩ đã kết hợp xương bằng 2 nẹp vít, tái tạo lại dây chằng bằng chỉ siêu bền. Sau phẫu thuật, bệnh nhân tiếp tục phải hóa trị bổ trợ thêm 5 đợt. Đến nay, không ghi nhận biến chứng.
"Sau 3 tháng phẫu thuật, người bệnh đã tự đi lại mà không cần dụng cụ hỗ trợ, khớp gối vận động gấp được 90 độ. Quan sát trên phim XQuang thấy đang liền xương và không ghi nhận di căn", bác sĩ Phạm Xuân Tuấn cho hay.
Để bảo tồn chân cho bệnh nhân ung thư xương, ê-kip đã sử dụng kỹ thuật đơn giản đông cứng khối u xương bằng Nitrogen. Kỹ thuật này đã mang lại kết quả bước đầu khả quan, liền vết mổ kì đầu, không có tái phát tại chỗ sau mổ, không có di căn xa.
Có nhiều dấu hiệu nhận biết mắc ung thư xương. Ảnh minh họa.
Dấu hiệu nhận biết ung thư xương
Theo TS.BS Vũ Hữu Khiêm, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, ung thư xương (u xương ác tính) có tần suất phát hiện cao ở trẻ em và trẻ vị thành niên từ 9-19 tuổi. Không chỉ đe dọa tính mạng, bệnh còn gây tàn phế, mất chức năng chi thể, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Nguyên nhân của ung thư trong xương chưa được xác định chính xác, nhưng có một số yếu tố nhất định có thể góp phần gây ra hoặc làm tăng khả năng hình thành các khối u phát triển bất thường trong xương của một người. Các yếu tố nguy cơ có thể xảy ra:
- Yếu tố di truyền: có tiền sử gia đình bị ung thư, đặc biệt là ung thư liên quan đến xương hoặc sụn;
- Đã từng được điều trị hoặc xạ trị trong quá khứ;
- Bệnh Paget: là một tình trạng khiến xương bị gãy và sau đó phát triển trở lại bất thường;
- Hiện tại hoặc trước đây có nhiều khối u trong sụn, là mô liên kết trong xương.
Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng không biểu hiện rõ rệt, người bệnh thường không chú ý và dễ bỏ qua. Các triệu chứng là đau mỏi chân tay, xương có cảm giác đau và vận động yếu hơn. Khi khối u tiến triển lớn dần lên, các triệu chứng cũng thay đổi theo tốc độ phát triển của khối u. Người bệnh có thể gặp một số triệu chứng như cảm giác đau xương tăng dần, đau liên tục, đau lan sang cả các vùng lân cận; vị trí đau xương có dấu hiệu sưng tấy; luôn cảm thấy mệt mỏi, có thể kèm theo sốt nhẹ; giảm cân không rõ nguyên nhân; xương dễ gãy; sờ thấy khối hạch cứng, rắn chắc trong xương dài của các chi.
Khi khối u ung thư phát triển, người bệnh có thể gặp phải nhiều triệu chứng, nhưng đau là phổ biến nhất. Nếu gặp một hoặc nhiều triệu chứng nêu trên, người bệnh cần đi khám để thực hiện các phương pháp chẩn đoán chính xác, kịp thời phát hiện khối u và nhận được sự tư vấn từ bác sĩ chuyên môn.
"Bất kỳ những dấu hiệu đau mỏi, sưng tấy xương khớp nào cũng cần được theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa để phòng ngừa nguy cơ mắc ung thư", BS Khiêm cho hay.