Một số tác hại nghiêm trọng khi thường xuyên thức khuya
Gây đau đầu và suy giảm trí nhớ
Theo thống kê, tỷ lệ người có thói quen thức khuya bị suy giảm trí nhớ cao gấp 5 lần so với người bình thường không có thói quen thức khuya. Bởi vì thời gian buổi tối là lúc để bộ não nghỉ ngơi và ghi nhớ lại những hoạt động đã diễn ra trong ngày. Nhưng khi chúng ta thức khuya, đã làm tăng lượng thông tin cần ghi nhớ trong khi giảm thời gian nghỉ ngơi của bộ não.
Mặt khác, khi thức khuya hoặc ngủ quá ít thì dễ bị đau đầu vào ngày hôm sau, ngoài ra nếu thường xuyên thức khuya sẽ gây ra những dấu hiệu về rối loạn tâm thần như mất ngủ, người hay quên, lo âu, dễ cáu gắt, căng thẳng, đau đầu... Nên ngủ đủ 8 giờ mỗi ngày để giảm nguy cơ đau đầu, mệt mỏi và nhất là các biểu hiện của suy giảm trí nhớ.
Ảnh hưởng tới hệ miễn dịch
Khi thức khuya cơ thể dễ bị thiếu năng lượng, cơ thể mệt mỏi và làm cho sức đề kháng của cơ thể giảm sút. Vì vậy những người thức khuya thường xuyên sẽ dễ bị mắc các bệnh do vi sinh vật gây nên như cúm, viêm nhiễm đường hô hấp... hơn so với người ngủ đủ giấc.
Rối loạn nội tiết
Trong thời gian ngủ, cơ thể bài tiết ra hormone cân bằng giúp cơ thể tránh rơi vào trạng thái rối loạn nội tiết. Ở những người thường xuyên thức khuya hay ngủ không đủ giấc làm cho hormone bị thiếu hụt hay mất cân bằng. Ở phụ nữ những người thường xuyên thức khuya gây rối loạn kinh nguyệt, tăng nguy cơ u xơ tử cung...
Gây ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa
Các tế bào niêm mạc dạ dày có thể tự tái tạo và hồi phục vào ban đêm trong khi ngủ. Việc thức khuya khiến cho các tế bào này không được nghỉ ngơi dẫn đến suy yếu. Hơn thế nữa, thức khuya khiến cho dịch dạ dày tiết ra nhiều dẫn đến viêm loét dạ dày nếu tình trạng này kéo dài, hoặc làm nặng hơn tình trạng bệnh nếu đã mắc bệnh trước đó rồi. Ngoài ra nếu thức để làm việc căng thẳng hay xem chương trình có tính chất kích thích, hồi hộp cũng làm cho tình trạng bệnh lý dạ dày tá tràng nặng hơn.
Làm giảm thị lực
Vào ban đêm là lúc mắt cần được nghỉ ngơi sau cả ngày làm việc, khi chúng ta thức đêm có nghĩa là mắt phải tiếp tục làm việc cộng với điều kiện không đủ ánh sáng lâu dần thị lực sẽ giảm đi đáng kể. Nếu thức khuya mà làm việc cùng các thiết bị điện tử như màn hình máy tính, điện thoại đòi hỏi mắt phải điều tiết và tiết ra các chất lỏng bôi trơn. Càng nhìn trong thời gian dài cộng thêm điều kiện ánh sáng không đáp ứng đủ, mắt càng phải tiết nhiều chất lỏng bôi trơn hơn, và đó cũng là nguyên nhân khiến mắt bị khô, mỏi.
Ngoài ra, ánh sáng màn hình máy tính hay điện thoại được gọi là ánh sáng xanh. Khi chúng ta làm việc vào ban đêm mức độ tập trung càng cao thì mắt bạn sẽ tập trung vào lượng ánh sáng này nhiều hơn. Bản chất ánh sáng xanh là ánh sáng có năng lượng lớn nhất trong các loại ánh sáng nhìn thấy được, chúng có thể đâm xuyên qua các lớp lọc ánh sáng tự nhiên của nhãn cầu đến đáy mắt và gây tổn thương võng mạc.
Suy kiệt chức năng gan
Thời điểm 23 - 1 giờ sáng là lúc gan đảm nhận chức năng thải độc để loại bỏ các chất thừa ra khỏi cơ thể đồng thời sử dụng triệt để chất dinh dưỡng từ thực phẩm được nạp trong ngày để cải thiện trao đổi chất. Chỉ khi có giấc ngủ say thì nhiệm vụ của gan mới phát huy tối đa công dụng. Thức khuya sẽ khiến cho gan không có cơ hội đào thải độc tố nên chất độc sẽ lưu lại trong máu, dần dần làm tổn thương gan và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về gan.
Da lão hóa và hư tổn
Ban đêm không chỉ là thời điểm cơ thể được nghỉ ngơi mà còn là lúc da được tái tạo nên thức khuya sẽ khiến cho điều này không diễn ra. Kết quả là da trở nên khô ráp vì độ ẩm mất cân bằng. Theo thời gian, da bị lão hóa và hư tổn. Thức khuya còn dễ làm rối loạn nội tiết tố trong cơ thể, cortisol tiết ra nhiều hơn, da dễ bị nhờn bí, lỗ chân lông bị tắc nên dễ mọc mụn.
Dạ dày và hệ tiêu hóa bị tổn thương
Căng thẳng đầu óc do thức khuya là một trong những nguyên nhân gây đau dạ dày. Thêm vào đó, khi ngủ là lúc tế bào niêm mạc dạ dày được phục hồi, tự tái tạo, nên thức khuya khiến cho các tế bào này không được nghỉ ngơi nên suy yếu dần. Thức khuya còn làm tiết nhiều dịch dạ dày hơn nên càng dễ bị viêm loét dạ dày. Đối với những người đã mắc bệnh dạ dày từ trước thì tình trạng bệnh sẽ càng thêm trầm trọng.
Nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Nghiên cứu về giấc ngủ được thực hiện tại Bệnh viện Brigham & Women (Boston) đã chỉ ra, người thường xuyên thức khuya tăng nguy cơ mắc bệnh tim gấp 39% so với người ngủ đủ giấc. Mặt khác, mỗi lần thay đổi thói quen ngủ thì tỉ lệ mắc bệnh tim lại tăng lên 11%.
Rối loạn tâm thần
Những người ngủ muộn dễ bị căng thẳng hơn rất nhiều so với người ngủ sớm và ngủ đủ giấc. Nếu tình trạng mất ngủ, ngủ không đủ giấc vẫn tiếp diễn có thể gây ra rối loạn tâm thần như trầm cảm. Hơn thế nữa, nhiều người thức khuya vì khó đi vào giấc ngủ có xu hướng tìm đến các loại thuốc an thần, thuốc ngủ. Điều này không giải quyết được gốc rễ vấn đề mà còn làm tăng mức độ căng thẳng khiến chứng rối loạn tâm thần ngày một trầm trọng hơn.
Thời gian ngủ tốt nhất
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, vào buổi tối từ 21 giờ, cơ thể con người bắt đầu cần được thư giãn để đi vào giấc ngủ say sau 1 – 2 tiếng đồng hồ. Giờ ngủ khoa học có tác dụng giúp hệ miễn dịch và nội tạng của cơ thể hoạt động hiệu quả.
Để có thể ngủ ngon hơn bạn có thể đọc một quyển sách trước khi đi ngủ, tránh xem các thiết bị điện tử trước khi lên giường 1-2 giờ và cũng không nên nằm trên giường lướt điện thoại.
Mọi người cần tránh ăn nhiều ngay trước khi đi ngủ, nếu cảm thấy đói thì có thể ăn nhẹ. Hạn chế uống nhiều nước gần giờ lên giường để không bị thức giấc giữa đêm để đi vệ sinh. Vào buổi chiều nên hạn chế uống các thức uống, thực phẩm có chứa caffeine như cà phê, nước ngọt, nước tăng lực và sôcôla.
Tránh sử dụng nicotine hoặc uống rượu trong vòng 4-6 giờ trước khi đi ngủ vì có thể dẫn đến khó ngủ hoặc thường xuyên thức giấc trong đêm. Bạn không nên ngủ muộn vào buổi chiều; có thể tập gym, thể dục nhẹ nhàng; phòng ngủ tối, mát mẻ sẽ giúp dễ chợp mắt hơn.
Trường hợp bạn thức dậy nhưng vẫn cảm thấy mệt mỏi hoặc không sảng khoái sau một đêm ngon giấc và điều này lặp lại nhiều lần thì cũng nên nhờ bác sĩ tham vấn.