Thuốc quảng cáo, bán trôi nổi trên mạng: Hiểm họa khôn lường

Vân Sơn |

Tự ý mua thuốc trôi nổi trên mạng điều trị bệnh, nhẹ thì mất tiền nhưng không mang lại kết quả, nặng thì biến chứng nguy hại đến sức khỏe và tính mạng. Bác sĩ cảnh báo người dân không nên tin vào quảng cáo bán thuốc trên mạng xã hội, khi có bệnh phải đi khám, điều trị theo chỉ định.

Suýt mất mạng vì thuốc trên mạng

Ngày 25/11, Bệnh viện Da liễu TPHCM cho biết, đơn vị này đang điều trị cho hai trường hợp bị biến chứng nghiêm trọng sau khi uống thuốc điều trị bệnh vảy nến mua trên mạng.

Thuốc quảng cáo, bán trôi nổi trên mạng: Hiểm họa khôn lường - Ảnh 1.

Tất cả các loại thuốc cần phải được bác sĩ kê toa, chỉ định điều trị.

Trường hợp thứ nhất là nam thanh niên L.H.N. (18 tuổi, ngụ tại huyện Bình Chánh, TPHCM nhập viện trong tình trạng da đỏ và tróc vảy toàn thân). BS Nguyễn Vũ Hoàng, Trưởng khoa Lâm sàng 2, Bệnh viện Da liễu cho biết, khoảng một năm trước bệnh nhân được chẩn đoán bị bệnh vảy nến với nhiều vị trí bị sang thương trên da gây ngứa, khó chịu. Gần hai tháng trước khi nhập viện, bệnh nhân lên mạng tìm hiểu thông tin và cách điều trị bệnh vảy nến thì được người bán tự nhận là thầy thuốc giới thiệu thuốc trị vảy nến (không rõ thương hiệu) và khẳng định điều trị khỏi hoàn toàn. Tin lời quảng cáo, bệnh nhân đã đặt mua 3 hộp với giá 2 triệu đồng về uống. Nam bệnh nhân cho biết: “Em uống hết 3 hộp thuốc thì tình trạng sang thương trên da do vảy nến giảm khoảng 60%. Em chưa kịp vui mừng thì 5 ngày sau khi hết thuốc vảy nến bùng phát dữ dội khiến lớp da toàn thân bị bong tróc từng mảng, ngứa ngáy, đau rát khiến em gần như suy sụp phải vào bệnh viện điều trị”.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân P.N.T. (64 tuổi, ngụ tại tỉnh Phú Yên) nhập viện trong tình trạng da toàn thân bong tróc, rỉ dịch ở 2 chân đi kèm với các khớp ngón tay, ngón chân, mắt cá, khớp gối… sưng to, đau nhức. Bệnh nhân cho biết, trước đó mua thuốc điều trị vảy nến trên mạng xã hội qua một người tự xưng là thầy thuốc. Sau gần hai tháng “trong uống, ngoài bôi” bệnh không thuyên giảm mà ngày càng nặng thêm, bệnh nhân phải nhập viện điều trị vì các ngón tay bị biến dạng, nhiều vùng da viêm nhiễm nghiêm trọng.

Theo BS Nguyễn Vũ Hoàng, cả hai bệnh nhân đều tự ý mua và sử dụng các loại thuốc “trị dứt điểm” vảy nến trên mạng. Bệnh vảy nến vẫn chưa có thuốc đặc trị mà chỉ có các loại thuốc uống, thuốc thoa ngoài da giúp cải thiện tình trạng. Lợi dụng sự thiếu kiểm chứng trên mạng xã hội, nhiều tổ chức, cá nhân quảng cáo rầm rộ về những loại thuốc điều trị hết bệnh vảy nến. Đây đều là những quảng cáo sai sự thật. “Đa phần các loại thuốc uống, thuốc thoa chứa thành phần kháng viêm như corticosteroid. Khi mới sử dụng da sẽ láng mịn khiến bệnh nhân tin tưởng, tuy nhiên khi ngưng thuốc thì bệnh sẽ diễn tiến nặng gây đỏ da, toàn thân tróc vảy có thể đi kèm mụn mủ, sưng đau các khớp tay chân gây biến dạng, không hồi phục được. Nguy hiểm hơn, tình trạng tổn thương da có thể dẫn tới nhiễm trùng huyết, khiến bệnh nhân tử vong nếu không được điều trị kịp thời”, BS Hoàng cảnh báo.

Thuốc quảng cáo, bán trôi nổi trên mạng: Hiểm họa khôn lường - Ảnh 2.

Bệnh nhân bị lột da toàn thân sau khi sử dụng thuốc trôi nổi trị vảy nến

Một trường hợp khác cũng là nạn nhân của thuốc trôi nổi trên mạng xã hội được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Khoảng hai năm trước, chị N.T.H. (27 tuổi, Đắk Lắk) được bác sĩ chẩn đoán bị viêm cột sống dính khớp. Tuy nhiên, chị không tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Gần đây, chị nghe theo lời khuyên của hàng xóm mua thuốc Nam trên mạng xã hội về uống. Sau bốn tháng dùng thuốc Nam, bệnh không thuyên giảm mà còn bị tiêu chảy kéo dài, cơ thể phù nề, suy kiệt.

BS Doãn Uyên Vy, phòng khám Chống độc, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Qua kiểm tra hình ảnh cho thấy bệnh nhân bị loét đường ruột rất nặng. Kết quả xét nghiệm, chị H. bị nhiễm độc kim loại nặng từ thuốc Nam. Chúng tôi đã yêu cầu bệnh nhân ngưng uống thuốc Nam để cắt đứt nguồn độc. Tuy nhiên, tình trạng nhiễm độc kim loại nặng đã để lại di chứng khá nặng, bệnh nhân bị mất protein qua đường ruột. Sau khi sử dụng thuốc giải độc kim loại nặng, kết hợp điều trị nội khoa, đến nay sức khỏe bệnh nhân đã bình phục”.

Mạo danh bác sĩ quảng cáo thuốc sai sự thật

Hiện nay, lợi dụng sự lỏng lẻo trong công tác kiểm tra, xử lý của cơ quan quản lý nhà nước, nhiều tổ chức cá nhân đã sử dụng mạng xã hội thành nơi quảng cáo, bán thuốc điều trị bệnh. Ngoài hình thức tự quảng cáo, thuê người nổi tiếng quảng cáo nhiều trang mạng còn mạo danh bác sĩ để bán thuốc. Một trong những nạn nhân của việc bị mạo danh là BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm TPHCM.

BS Hữu Khanh cho biết: “Thi thoảng lại thấy họ đưa hình tôi lên mạng xã hội để đăng thông tin bán thuốc gia truyền, thuốc bổ, thuốc điều trị bách bệnh. Tôi khẳng định mình không quảng cáo bán thuốc cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào. Người dân cần đặc biệt cảnh giác với các thông tin bán thuốc, thực phẩm chức năng trên mạng xã hội, không nên tin vào quảng cáo để tránh tiền mất tật mang. Khi có bệnh hãy đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị”.

Đề cập đến những nguy hiểm của thuốc trôi nổi trên mạng xã hội, BS Hữu Khanh nói: “Nếu là thuốc Nam, thuốc Bắc thì có nguy cơ bị trộn tân dược, hoặc các chất cấm sử dụng, thuốc tây thì nguy cơ chứa corticoid, kháng sinh. Khi uống vào người bệnh có thể bị quá liều gây ngộ độc cấp tính nhưng nguy hiểm hơn là tình trạng ngộ độc mạn tính hoặc những biến chứng suy gan, suy thận, kháng kháng sinh”.

Theo thống kê, mỗi năm Bệnh viện Da liễu TPHCM khám và điều trị cho hơn 52.000 lượt bệnh nhân vảy nến, trong đó có rất nhiều trường hợp phải nhập viện điều trị do sử dụng các loại thuốc uống, thuốc thoa, thuốc tiêm không rõ nguồn gốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại