Trầm trọng bệnh khi dùng thuốc 7 màu không đúng
Chị N.T.H. (54 tuổi) bị nám da và nghe xui mua kem trộn về thoa, da sẽ đẹp. Sau khi thoa kem trộn được vài ngày, chị H. thấy hơi ngứa, trên da nổi hạt đỏ nhỏ. Qua tiệm thuốc gần nhà, chị H. kể dùng mỹ phẩm bị ngứa nên được nhân viên bán thuốc đưa cho tuýp kem 7 màu về thoa trị dị ứng. Sau lần thoa kem 7 màu đầu tiên, da chị H. sưng thấy, rồi bắt đầu nứt nẻ, chảy dịch...
Chị H. hoảng sợ mang theo thuốc đi khám bệnh. Tại đây, chị được thầy thuốc tư vấn ngừng ngay tất cả các loại thuốc mà chị đang thoa và không được sử dụng bất kỳ một loại thuốc nào lên da nữa và điều trị theo phác đồ của bác sĩ.
Dùng kem trộn và thuốc 7 màu khiến làn da sưng đỏ nứt nẻ.
DS.Bùi Ngọc Lan Hương - thành viên Nhóm bác sĩ Giúp nhau mùa dịch cho hay: Kem bôi ngoài da 7 màu là tên do người dân gọi cho một loại thuốc mà bao bì có 7 màu sắc khác nhau.
Thành phần của thuốc 7 màu bao gồm:
- Betamethasone : Là một trong những corticoid tổng hợp có tác dụng ức chế miễn dịch, kháng viêm và điều trị dị ứng.
- Clotrimazole: Là thuốc kháng nấm, ngăn ngừa sự phát triển của nấm và vi khuẩn trên da.
- Gentamicin: Là một loại kháng sinh thuộc nhóm aminoglycosid có tác dụng hạn chế sự phát triển của vi khuẩn, chỉ định dùng trong các trường hợp viêm nhiễm do vi khuẩn.
Thuốc có tác dụng điều trị một số bệnh ngoài da : Nhiễm trùng da do vi khuẩn, viêm nang lông , viêm quanh móng, viêm da đáp ứng với corticoid, chàm, viêm da cơ địa…
DS.Bùi Ngọc Lan Hương nhấn mạnh: Thuốc 7 màu tuy được chứng minh có công dụng trong điều trị nhiều bệnh lý ngoài da, nhưng không được sử dụng trên diện tích rộng bề mặt của da, nhất là da vùng mặt và tình trạng viêm da do dị ứng với corticoid có trong kem trộn. Khi dùng 2 loại kem này, các thành phần thuốc trong 2 loại kem tương tác với nhau, cùng chứa corticoid dẫn đến quá liều, sẽ khiến tình trạng da trở nên tồi tệ hơn.
Người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ của thuốc như: Kích ứng da, khô da, rậm lông, mụn trứng cá, teo da , mỏng da… Nếu sử dụng lâu dài không được kiểm soát, thuốc có thể gây ra tác dụng toàn thân, dù hiếm gặp như: Giảm sắc hồng cầu, nổi mề đay ban đỏ, dị ứng toàn thân, rỉ dịch, suy tuyến thượng thận… và rất nhiều các tác dụng khác có thể xảy ra.
Dùng mỹ phẩm hoặc kem thoa ngoài da cũng cần kiểm tra tình trạng dị ứng trước khi sử dụng.
Giải pháp sử dụng thuốc an toàn
Để an toàn khi dùng mỹ phẩm, DS.Lan Hương khuyên:
Với các loại kem bôi mỹ phẩm nói chung, trước khi sử dụng cần thử một lượng nhỏ vào sau vành tai hoặc mặt trong của cánh tay, nếu có biểu hiện dị ứng thì ngừng ngay không được thoa tiếp. Cách tốt nhất là nên lựa chọn các sản phẩm uy tín và nói KHÔNG với các loại kem trộn, kem không rõ nguồn gốc.
Riêng với thuốc 7 màu, trước khi dùng cần phải có ý kiến của bác sĩ da liễu hoặc dược sĩ có kinh nghiệm tư vấn. Sử dụng thuốc 7 màu cần đúng bệnh, đúng liều lượng mới đạt hiệu quả điều trị tối ưu và hạn chế các tác dụng phụ không mong muốn.
- Trước khi bác sĩ kê đơn thuốc, bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ biết về tiền sử dị ứng thuốc (bất kỳ thuốc nào); các thuốc hiện đang dùng… để tránh tương tác thuốc bất lợi.
- Khi đã được chỉ định thuốc, không nên lạm dụng mà cần dùng đúng, đủ; không thoa thuốc lâu hơn so với khuyến cáo của bác sĩ, kể cả khi bệnh chưa khỏi thì cần đi tái khám để được hướng dẫn các bước tiếp theo.
Khi dùng thuốc cần:
- Vệ sinh sạch và lau khô vùng da cần bôi thuốc.
- Rửa tay trước và sau khi thoa thuốc.
- Lấy một lượng vừa đủ, thoa một lượng mỏng lên vùng da cần điều trị, không thoa rộng ra ngoài phần da lành.
- Không thoa thuốc lên da vùng có tổn thương trầy xước, loét, vết thương hở.
- Không để thuốc dây lên mắt, mũi, miệng.
- Không bịt kín vùng da đang thoa thuốc.
- Bảo quản thuốc ở nơi khô thoáng, tránh ánh nắng mặt trời.