95% ca ghép tạng ở Việt Nam từ người cho sống

D.Thu |

30 năm qua, kể từ ca ghép tạng đầu tiên vào năm 1992, đến nay các cơ sở y tế ở Việt Nam đã thực hiện được 6.500 ca ghép tạng trên toàn quốc.

Chiều 8-8, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã công bố quyết định bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đối với PGS-TS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức.

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Trung tâm tiếp tục quan tâm xây dựng đội ngũ y, bác sĩ giỏi, đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại và trở thành ngân hàng phong phú về mô, tạng.

Nhấn mạnh nhiệm vụ điều phối ghép bộ phận cơ thể người rất nhạy cảm, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng lưu ý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bên cạnh việc ưu tiên đảm bảo sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân, Trung tâm phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về hiến, ghép mô, tạng, bộ phận cơ thể người.

95% ca ghép tạng ở Việt Nam từ người cho sống - Ảnh 1.

Một ca ghép tạng tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội)

Theo PGS-TS Đồng Văn Hệ, tân Giám đốc Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, 30 năm qua, kể từ ca ghép tạng đầu tiên vào năm 1992, đến nay các cơ sở y tế ở Việt Nam đã thực hiện được trên 6.500 ca ghép tạng trên toàn quốc. Trong đó, số người được ghép thận là hơn 6.100 ca; số người được ghép gan là 384 ca; số người được ghép tim là 59 ca; số người được ghép phổi là 9 ca; số người được ghép tụy, thận là 1 ca; số người được ghép tim, phổi là 1 ca; số người được ghép ruột là 2 ca.

Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người là đơn vị đầu tiên trên toàn quốc xây dựng được danh sách các trường hợp chờ ghép tạng quốc gia với gần 50.000 người đăng ký hiến tạng sau khi chết/chết não.

Hiện trên cả nước có 23 bệnh viện được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật lấy, ghép 1 trong 6 bộ phận cơ thể người gồm: kỹ thuật lấy, ghép thận từ người hiến sống và từ người hiến chết não; kỹ thuật lấy, ghép gan từ người hiến sống và từ người hiến chết não; kỹ thuật lấy, ghép phổi từ người hiến sống và từ người hiến chết não;

Theo PGS Hệ, cả nước có 1.500 bệnh viện, với khoảng 300 bệnh viện đồng thời là nơi điều trị bệnh nhân chấn thương sọ não. Như vậy, mỗi bệnh viện chỉ cần chẩn đoán, tư vấn cho 1 bệnh nhân chết não hiến tặng mô bộ phận cơ thể người thì trong một năm sẽ có khoảng 300 người hiến tạng.

Tuy nhiên, số ca được ghép từ người hiến chết não quá khiêm tốn so với nhu cầu của người bệnh suy tạng cần được ghép. Ước tính, tại Việt Nam trong một ngày có khoảng 10 người chết trong khi chờ ghép tạng.

"Hiện nay 95% ca ghép tạng ở Việt Nam được tiến hành từ người cho sống, chỉ có 5% ca ghép từ người cho chết não, điều này đi ngược với xu hướng chung của toàn thế giới khi nhiều nước đa phần ca ghép tạng là từ người cho chết não. Đây là một khó khăn, thách thức cần truyền thông, vận động nhằm tăng cường nguồn tạng hiến để cứu sống người bệnh"- PGS Hệ nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại