PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học, Đại học Bách khoa, khẳng định thông tin trên là hoàn toàn sai sự thật.
Theo PGS Thịnh, nếu ăn một gói mì mà mất hơn 30 ngày để thải độc thì cơ thể đã suy kiệt hoặc có thể tử vong từ ngày thứ 4 vì chướng bụng.
"Lâu nay, nhiều thông tin đánh giá không tốt về mì ăn liền như 'ăn mì nhiều sẽ gây ung thư, mì không tốt vì chiên đi chiên lại hay có chất bảo quản'. Tất cả đều sai sự thật. Chúng ta cần có cái nhìn công tâm về thực phẩm này hơn", PGS Thịnh cho hay.
Theo PGS Thịnh, thành phần chủ yếu của mì ăn liền là bột kê và bột mì, trong đó có cả tinh bột tiêu hóa nhanh và tinh bột tiêu hóa chậm. Loại thứ nhất có thể được tiêu hóa trong cơ thể con người chỉ trong 20 phút và loại thứ hai có thể được tiêu hóa trong hai giờ. "Thời gian để tiêu hóa nhiều nhất cho một gói mì chỉ khoảng 2 giờ", PGS Thịnh nói.
PGS lưu ý mặc dù mì ăn liền không có hại như lời đồn nhưng mọi người không nên ăn quá nhiều. "Mì ăn liền là thực phẩm chiên rán, hầu hết các đồ chiên rán đều gây ra tình trạng khó tiêu khi ăn nhiều. Chính vì thế, các bậc phụ huynh cũng nên hạn chế cho con trẻ ăn nhiều loại thực phẩm này", ông Thịnh nói.
Ngoài ra, trong thành phần của mì ăn liền có chứa khá nhiều carbohydrate, tuy nhiên, các chất dinh dưỡng như protein, mỡ, vitamin... lại rất ít. Vì vậy nếu ăn quá nhiều mì ăn liền, cơ thể sẽ dễ bị thiếu hụt dưỡng chất, nếu kéo dài còn có thể gây nên trọng bệnh cho cơ thể, theo vị chuyên gia.
"Ăn quá nhiều mì ăn liền có thể sẽ bị suy dinh dưỡng bởi mì chỉ cung cấp tinh bột trong khẩu phần ăn, không phải thức ăn tổng hợp. Nếu ăn mì ăn liền, nên ăn với rau, thịt sẽ đảm bảo dinh dưỡng hơn", PGS Thịnh cho hay.