Thực hư chuyện chết đi sống lại

Anh Thư |

Việc một cụ bà ở Quảng Nam bất ngờ sống lại trong lúc người nhà lo hậu sự đặt ra vấn đề: Lúc nào thì nên buông tay, chấp nhận một người đã chết?

Một cụ bà 90 tuổi bỗng dưng "chết đi sống lại" ở Quảng Nam vừa qua khiến cư dân mạng bàn tán xung quanh hiện tượng kỳ lạ mà dân gian hay gọi là "hồi dương".

Thực hư chuyện chết đi sống lại - Ảnh 1.

Cụ Nguyễn Thị Mận

Cụ bà nói trên là bà Nguyễn Thị Mận (90 tuổi), đã yếu dần sau một tai nạn. Đêm đó, người nhà phát hiện bà trong tình trạng huyết áp giảm sâu, mạch chậm dần, mặt nhợt nhạt, mắt chỉ còn tròng trắng và ngừng thở. Thế nhưng, vài phút sau cụ bắt đầu thở lại và sáng hôm sau thì tỉnh táo, khỏe mạnh hẳn.

Mọi người bảo bà "chết đi sống lại".

Theo ThS-BS Võ Quang Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM, trung tâm ông nhiều lần nhận cuộc gọi nhờ xe cấp cứu chở người bệnh nặng xin về để chờ chết quay trở lại bệnh viện. Bởi lẽ, có khi trên đường về, có khi về nhà một lúc, họ bất ngờ tỉnh táo hẳn lại.

Cũng có những trường hợp nhân viên cấp cứu đến hiện trường, người nhà thông báo là muộn rồi nhưng thực ra mới chết lâm sàng, hồi sức tim phổi một lúc thì bệnh nhân "hồi" lại.

Thực hư chuyện chết đi sống lại - Ảnh 2.

Theo bác sĩ Huy, điều quan trọng trong việc có "hồi" lại được không là bệnh nhân đã ở giai đoạn nào. Trong y khoa, có những bệnh nhân mới chết lâm sàng: hôn mê, tim ngừng đập, không bắt được mạch cảnh, mạch bẹn… nhưng thực ra chưa chết hẳn, nếu được cấp cứu thì tim, phổi bắt đầu hoạt động lại.

Cũng có những trường hợp hiếm hoi bệnh nhân tự động hồi phục lại, trẻ hay già đều có thể gặp.

Câu chuyện này cũng đem đến cho chúng ta một điều khác cần lưu ý: lúc nào nên thực sự buông tay?

Trong bệnh viện, để xác định một người tử vong, bác sĩ cần tiến hành rất nhiều biện pháp, kiểm tra mọi tín hiệu dù nhỏ nhất nơi tim, não, mạch máu.... Thậm chí khi tim ngừng đập không thể cứu vãn, họ cũng để thêm một thời gian để thực sự chắc chắn, rồi mới chuyển đến nhà xác.

Ngoài bệnh viện, khi những người kiểm tra bệnh nhân tử vong hay chưa không phải là bác sĩ, bao giờ cũng phải thật cẩn trọng. Một người bình thường đang hoảng hốt, không có kinh nghiệm bắt mạch có thể sẽ khó nhận ra những tín hiệu rất yếu của mạch còn sót lại và tưởng nạn nhân đã chết.

Nhiều trường hợp người đã ngưng tim, ngưng thở vài phút do tai nạn, ví dụ như đuối nước, hay do bệnh lý, đã hồi sinh sau khi được ép tim, thổi ngạt. Vì vậy, hãy bình tĩnh để có được quyết định sáng suốt nhất.

ThS-BS Võ Quang Huy khuyến cáo: nếu bạn đối diện với một người bất ngờ "hồi dương", hãy nhanh chóng đưa người đó trở lại bệnh viện. Đừng chủ quan khi họ khỏe, vì có khi có những vấn đề còn tồn tại, cần có sự can thiệp y tế thì họ mới có thể an toàn quay trở lại cuộc sống.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại