Thực hư bí kíp "ngàn ly không say" ngày Tết

Nguyễn Thạnh |

Cánh mày râu thường truyền miệng bí quyết "ngàn ly không say" như uống dầu ăn, aspirin, paracetamol trước khi uống rượu.

Sau một năm làm việc vất vả, ai cũng háo hức mong những ngày Tết để được đoàn viên cùng gia đình, đi du lịch vui chơi hay gặp gỡ bạn bè sau cả năm dài.

Tuy nhiên, những chuyến thăm hỏi, gặp gỡ, tiệc tùng liên miên khiến nhiều người bị đảo lộn chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, tập luyện lành mạnh hằng ngày. Thêm vào đó, ăn uống không theo giờ giấc, ăn những thực phẩm chứa nhiều chất béo, nhiều đường, ít xơ, uống rượu bia làm gan quá tải.

Theo ThS-BS Võ Ngọc Quốc Minh - Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, gan phải làm việc nhiều hơn so với bình thường, trong đó rượu bia là yếu tố nguy hiểm nhất dễ gây ra tổn thương gan và thường dẫn đến viêm gan.

Đặc biệt, đối với những người bệnh đã mắc xơ gan, viêm gan thì rượu bia chẳng khác nào "sát thủ" làm bệnh nặng thêm.

Thực hư bí kíp ngàn ly không say ngày Tết - Ảnh 1.

Một ca ghép gan tại bệnh viện ở TP HCM

Để đối phó với những buổi tiệc tùng liên tục trong những ngày Tết, cánh mày râu thường truyền miệng nhau một số "bí quyết" để uống nhiều mà không say như uống dầu ăn, uống aspirin hoặc paracetamol trước khi uống rượu.

ThS-BS Võ Ngọc Quốc Minh khẳng định đây hoàn toàn là những quan niệm sai lầm, chẳng những làm hại sức khỏe mà còn không có tác dụng chống say rượu bia.

Paracetamol là một loại thuốc có độc tính trên gan. Do đó, nếu trước khi uống rượu bia mà uống thêm paracetamol thì sẽ làm cho gan dễ tổn thương và ngộ độc hơn.

Aspirin dù không gây tổn thương trực tiếp đến gan nhưng có thể làm trầm trọng hơn tình trạng loét dạ dày tá tràng, thậm chí gây ra xuất huyết dạ dày tá tràng.

Uống dầu ăn cũng không có tác dụng làm tăng tửu lượng, ngược lại còn gây ra tình trạng khó tiêu và rối loạn tiêu hóa.

Dầu ăn làm thức ăn di chuyển xuống ruột chậm lại và nằm ở dạ dày, dẫn đến ngộ nhận rằng người uống không say. Tuy nhiên, khi tất cả lượng thức ăn này đi xuống ruột thì một lượng lớn rượu bia sẽ được hấp thu dẫn đến say rượu ngay, thậm chí có thể gây ra ngộ độc rượu.

Thực hư bí kíp ngàn ly không say ngày Tết - Ảnh 2.

Một ca ghép gan tại Bệnh viện Chợ Rẫy

ThS BS Võ Ngọc Quốc Minh cũng cho biết tửu lượng của từng người cao thấp khác nhau tùy theo cơ địa.

Để bảo đảm sức khỏe, mỗi người nên theo dõi và ước lượng lượng cồn uống vào trong ngày. Một đơn vị cồn được tính tương đương với một chai bia, một ly rượu vang hoặc một ly rượu mạnh nhỏ.

Nam giới chỉ nên uống dưới hai đơn vị, tương đương với hai chai bia hoặc hai ly rượu vang mỗi ngày. Đối với nữ giới chỉ nên uống một đơn vị mỗi ngày. Nếu một người uống trên 14 đơn vị cồn trong một tuần thì được xem là uống nhiều.

"Để có một dịp Tết vui vầy và khỏe mạnh, khi uống rượu bia không nên uống lúc bụng đói. Các quý ông nên uống nhiều nước vì rượu bia sẽ làm mất nước. Quan trọng nhất là phải uống rượu bia chừng mực, phù hợp với tửu lượng từng người.

Đây là những giải pháp giúp các quý ông tránh bị say trong các cuộc vui mà vẫn bảo đảm an toàn cho sức khỏe" - BS Minh khuyên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại