Thứ "đặc sản" ai cũng mê trong ngày Tết đang phá hỏng lá gan, quả thận của nhiều người

Ngọc Minh |

Văn hoá uống rượu bia trong những ngày Tết của người Việt là một thứ "đặc sản" cực kỳ tai hại cho sức khoẻ của con người.

Rượu bia tàn phá tất cả các cơ quan

Trong một báo cáo năm 2018, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mức tiêu thụ rượu bia của người Việt ở bậc cao so với các quốc gia khác trong khu vực. Ước tính, trung bình mỗi người Việt trên 15 tuổi tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất trong một năm, nhiều hơn người Trung Quốc và gấp 4 lần người Singapore.

Rượu bia tại Việt Nam được ví như là một "đặc sản" luôn có mặt trong các dịp lễ Tết, gặp mặt, đoàn tụ…

Theo BS Lê Thị Thư, Chuyên khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Medlatec rượu bia là thứ đồ uống có ảnh hưởng tới tất cả các bộ phận trong cơ thể. Người sau khi uống rượu, bia thường có cảm giác: đau nhức đầu, nôn, mệt mỏi…

Tác hại lâu dài của lạm dụng rượu bia có thể ảnh hưởng đến não và các cơ quan nội tạng như: gan, thận, thần kinh và nhiều vấn đề khác.

Thứ đặc sản ai cũng mê trong ngày Tết đang phá hỏng lá gan, quả thận của nhiều người - Ảnh 1.

Rượu bia lượng nhỏ cũng ảnh hưởng tới sức khoẻ.

Cơ quan chịu hậu quả nặng nề nhất của việc lạm dụng rượu bia chính là lá gan. Khi rượu vào cơ thể được chuyển hóa chủ yếu vào tại gan (90%). Gan chỉ có thể oxy hóa khoảng 2 đơn vị rượu mỗi ngày.

"Chính vì lý do này mà khi uống nhiều rượu, chức năng ngăn các chất độc khác nhau do máu mang từ ruột hoặc ở ngoài đến gan bị suy giảm. Người uống rượu có thể phải đối mặt với các nguy cơ viêm gan do rượu, gan bị nhiễm mỡ, xơ gan và nghiêm trọng hơn nữa là ung thư gan", bác sĩ Thư nói.

Người uống rượu thường có cảm giác đau đầu là do bị ảnh hưởng tới não bộ và thần kinh. Khi một lượng cồn lớn vào trong cơ thể, chúng gây rối loạn bộ não của cơ thể khiến bộ não không kiểm soát được các hoạt động của các trung tâm dưới vỏ.

Người uống rượu thường xuyên có liên quan với trầm cảm, lo âu và nhiều vấn đề tinh thần khác.

Bác sĩ Thư khuyến cáo: "Bia, rượu đưa vào cơ thể quá nhiều sẽ gây ra bệnh viêm loét dạ dày, loét dạ dày và tá tràng. Thận lọc và thải chất độc ra khỏi dòng máu, rượu làm suy giảm khả năng thực hiện chức năng này của thận.

Ngoài ra, rượu bia làm gia tăng axit uric - nguyên nhân của bệnh gout. Khi uống rượu bia, cồn làm rối loạn quá trình hoạt hóa enzyme gây viêm tụy".

"Hồi sức" cho lá gan khi uống rượu bia nhiều

Theo bác sĩ Thư để những cuộc vui không ảnh hưởng đến sức khỏe, điều đầu tiên là không nên uống quá nhiều rượu bia. Một đơn vị rượu là 10g cồn tương đương ¾ lon bia 330 ml; 135 ml rượu vang; 30 ml rượu whisky (1 chén rượu). Nếu uống cần hạn chế: đối với nam: ≤ 02 đơn vị cồn/ngày; nữ: ≤ 01 đơn vị cồn/ngày.

Thứ đặc sản ai cũng mê trong ngày Tết đang phá hỏng lá gan, quả thận của nhiều người - Ảnh 2.

Tuy nhiên, ngày Tết chúng ta thường uống nhiều hơn lượng rượu bia theo khuyến cáo một chút thì có thể sử dụng các loại thức ăn, đồ uống hợp lý để hỗ trợ chức năng, bảo vệ lá gan:

- Chọn các loại rau quả tươi nhiều màu sắc đậm như cà chua, đu đủ, dâu tây, cam giúp tăng cường các chất bảo vệ gan.

- Không uống rượu bia khi đói để làm chậm sự hấp thu của cồn vào máu.

- Sử dụng các thảo dược hỗ trợ chức năng gan: cây chó đẻ phơi khô sao vàng, cây nhân trần phơi khô, cây astiso uống hãm trà.

- Trước khi uống rượu nên uống nước lọc, nước quả hoặc nước súp/súp hoặc nước canh và đồ ăn đặc biệt là rau xanh để pha loãng nồng độ cồn của rượu, giảm kích ứng dạ dày.

- Nên ăn đồ ăn có nhiều protein khi uống rượu để làm chậm quá trình hấp thu rượu vào máu.

- Không nên uống rượu với đồ uống có ga (nước giải khát có ga, bia): lượng ga tăng khả năng hấp thu rượu vào trong máu.

"Uống rượu bia vào ngày tết là điều khó tránh, nhưng chúng ta có thể chọn cách uống rượu bia đúng cách, lành mạnh và văn minh", bác sĩ Thư lưu ý.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại