Đa số mọi người đều cho rằng đi ngủ với mái tóc ướt có thể khiến bạn bị ốm hoặc tăng khả năng bị cảm lạnh. Tuy nhiên, không có bất kỳ bằng chứng khoa học nào cho thấy để tóc ướt đi ngủ có thể trực tiếp gây ra các bệnh về đường hô hấp. Thế nhưng, vẫn có những rủi ro liên quan đến việc đi ngủ với mái tóc ướt, bao gồm khiến tóc và da đầu hư tổn.
Nhà tạo mẫu tóc, Dusty Schlabach cho biết, khi bạn thức dậy vào buổi sáng hôm sau, sau khi ngủ với mái tóc ướt, bạn có thể thấy tóc của mình có mùi ẩm mốc khó chịu.
Schlabach nói: “Đem mái tóc ướt đi ngủ tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho nấm và vi khuẩn phát triển. Điều này xảy ra thường xuyên có thể khiến da đầu ngứa ngáy, khó chịu, tạo ra gàu và nấm da đầu”.
Nấm phát triển mạnh trong môi trường tối, ẩm ướt và có thể sống trên mô chết của tóc. Chúng cũng có thể bám vào gối và sinh sản, phát triển trên gối. Một nghiên cứu của Bệnh viện Wythenshawe và Đại học Manchester, Anh chỉ ra rằng có tới 16 loại nấm được tìm thấy trên gối.
Ngoài việc khiến tóc xơ rối, dễ gãy rụng, các bác sĩ da liễu còn cảnh báo rằng việc để tóc ướt đi ngủ có thể làm tăng nguy cơ nhiễm nấm trên tóc và da đầu.
Thói quen để đầu ướt đi ngủ có thể khiến tóc hư tổn.
Các loại nấm thường gặp trên da đầu
1. Malassezia gây viêm da đầu
Các loài Malassezia cư trú trên da của 90% người trưởng thành. Các loại nấm này thường phát triển trong môi trường nhiều độ ẩm, mồ hôi và da nhờn, hoặc cũng có thể là kết quả của việc đi ngủ với mái tóc ướt.
Malassezia được tìm thấy trong các nang lông, loại nấm này có thể gây viêm da. GS. TS Peter Lio, giáo sư lâm sàng về da liễu và nhi khoa tại Trường Y khoa Feinberg thuộc Đại học Northwestern, Mỹ giải thích: “Thông thường, các biểu hiện của viêm da thường là mẩn đỏ, sưng, da đóng vảy, khô, ngứa, xuất hiện vết thương hở và rỉ dịch. Trên da đầu, các dạng viêm da phổ biến nhất là viêm da tiết bã nhờn và bệnh vảy nến, những trường hợp còn lại thường có biểu hiện bong tróc, vảy gàu, khô và ngứa”.
2. Nấm da đầu
Nấm da đầu là tình trạng nhiễm trùng nấm dermatophyte ở da đầu và tóc. Các loại nấm có thể xâm nhập vào tóc, gây ảnh hưởng đến các chất sừng và mô, khiến tóc trở nên giòn và xơ gãy. Những loại nấm này và bào tử của chúng có thể tồn tại trên lược, khăn chưa giặt, đồ nội thất và ga trải giường trong thời gian dài.
Hầu hết các trường hợp mắc bệnh nấm da đầu đều do lây nhiễm từ người khác, nhưng một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm là do da đầu tiếp xúc với môi trường ấm và ẩm ướt.
Tiến sĩ Margarita Lolis, bác sĩ da liễu tại New Jersey, Mỹ giải thích: “Nấm da đầu có thể tạo ra các mảng vết thương hình tròn và đỏ trên da trông giống như gàu, gây ngứa, hình thành vảy và rụng tóc. Nấm da đầu nếu không được điều trị có thể dẫn đến rụng tóc từng mảng.
Chuyên gia Lolis cho biết, mặc dù nấm da đầu không phải là một tình trạng nguy hiểm nhưng lại rất dễ lây lan. Nếu không được điều trị, nó có thể dẫn đến tình trạng viêm nhiễm nghiêm trọng, khiến da đầu chảy mủ và tạo ra lớp vảy dày trên da đầu.
Nấm da đầu có thể khiến tóc rụng từng mảng.
3. Black Piedra gây bệnh trứng tóc
Loại nấm hiếm gặp hơn, có thể bám vào tóc và tạo thành các nốt màu đen, gây gãy tóc và nếu không điều trị, loại nấm có thể gây rụng tóc.
Bệnh trứng tóc thường gặp ở những người có mái tóc dài với lượng dầu nhiều trên tóc kết hợp với môi trường nóng ẩm. Bệnh trứng tóc có thể trở thành bệnh mạn tính kéo dài nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm.
Các loại nấm có thể sinh sản và phát triển trong môi trường ẩm ướt do đó, để phòng ngừa nguy cơ gãy rụng tóc, mắc các bệnh lý liên quan đến nấm, gây khó chịu, mọi người nên sấy khô tóc trước khi đi ngủ để giúp ngăn ngừa gãy rụng và giảm nguy cơ nhiễm nấm.
Ngoài ra, mọi người cũng có thể sử dụng các sản phẩm dầu gội, dầu xả chuyên dụng có tác dụng chống nấm nếu cần thiết.
Nguồn: Huffpost