Theo các nghiên cứu khoa học trên thế giới con người thường có thói quen chạm tay vào mặt trung bình từ 9 đến 23 lần/giờ. Ví dụ như: dụi mắt, lau mắt, gãi, cậy mụn, cắn móng tay, vê râu…
Khi công việc căng thẳng, lo lắng hay bối rối con người cũng sẽ có thói quen chạm tay vào mặt theo thói quen. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đưa tay lên mặt trở thành một thói quen "bất trị" và rất nguy hiểm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Ths.BS Nguyễn Quang Minh, Phó trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho hay, theo khuyến cáo của Bộ Y tế về vấn đề lây lan dịch bệnh hiện nay, thì việc tiếp xúc gần giữa người mang virus và người lành là con đường chính.
Môi trường trong bán kính 2m mang nhiều nguy cơ tiềm ẩn, việc chúng ta không giữ vệ sinh bàn tay sau khi chúng ta giao tiếp hay sờ, tiếp xúc với các vật xung quanh, sau đó đưa lên mắt mũi miệng vùng mặt sẽ gây tăng nguy cơ lây nhiễm virus lên cao.
Ths.BS Nguyễn Quang Minh, Phó trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương.
Theo bác sĩ Quang Minh rất nhiều người có thói quen hay sờ tay lên vùng mặt, dùng tay dụi mắt, vô tình đưa virus đến gần hơn các cơ quan hô hấp là mô đích của virus… từ đó dễ nhiễm bệnh.
Mặc dù thói quen này đôi khi chúng ta làm vô thức và nghĩ rằng không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Do đó, bên cạnh việc rửa tay thường xuyên, việc tránh đưa tay lên xoa mắt mũi miệng cũng là biện pháp giúp chúng ta hạn chế nguy cơ nhiễm virus Covid-19.
Bác sĩ Quang Minh cho hay: "Thói quen sờ tay lên mặt không chỉ tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm mà nó còn gây tác hại xấu tới da.
Việc đưa tay lên mặt, khi chúng ta không đảm bảo vấn đề vô trùng (bàn tay vốn là cơ quan rất dễ nhiễm bẩn) có thể làm cho chúng ta gây nên sự nhiễm trùng (vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu; virus như Covid-19, Herpes, u mềm lây, hạt cơm…; nấm, kí sinh trùng…) từ môi trường bên ngoài cơ thể hay bộ phận khác cơ thể (cào gãi da vùng khác) lên da mặt của mình".
Ngoài ra, có những trường hợp ngoài đưa tay lên mặt còn dùng móng tay cạy gảy, bóp nặn da mặt…từ đó gây nên hiện tượng viêm da, nhiễm khuẩn da như mụn trứng cá…
Bộ Y tế khuyến cáo không nên đưa tay lên mặt thì việc mát xa mặt có nên làm không? - (PV), bác sĩ Quang Minh chia sẻ quan điểm, mát xa mặt được xem là 1 bước thường xuyên của việc chăm sóc da. Việc mát xa mặt được thực hiện tại các cơ sở chăm sóc da và tự thực hiện tại nhà.
Hiện nay trong bối cảnh thực hiện phòng dịch Covid-19 và cách ly xã hội, thì việc mát xa mặt chỉ được khuyến cáo khi thực sự cần thiết và cần đảm bảo người kĩ thuật viên và người được mát xa đều thực sự khỏe mạnh, không nhiễm bệnh. Tuy nhiên thực sự cân nhắc.
"Nếu thực hiện tự mát xa tại nhà, chúng ta có thể thực hiện khi chúng ta đảm bảo tốt việc sát khuẩn tay thường xuyên cũng như sát khuẩn tay trước khi thực hiện. Hoặc chúng ta sử dụng thêm các máy mát xa hỗ trợ cầm tay (các sản phẩm home care..) để hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp tay lên da mặt", bác sĩ Quang Minh cho hay.
Đọc các bài viết tác giả Ngọc Minh để nắm bắt thông tin y tế, sức khỏe mới nhất.