Theo chuyên gia dinh dưỡng Lưu Bình Bình chia sẻ trên Báo Trung y dược Trung Quốc, thời gian ăn trái cây lúc nào có lợi nhất luôn là một câu hỏi được nhiều người quan tâm và luôn có những ý kiến trái chiều, thậm chí phát sinh những cuộc tranh cãi trên mạng xã hội.
Người thì cho rằng không nên ăn hoa quả khi đói. Ý kiến khác lại nói, không nên ăn hoa quả sau bữa cơm. Nếu ăn sau bữa ăn không chỉ không hấp thụ được dinh dưỡng mà còn làm tăng gánh nặng cho dạ dày, người đang có bệnh, ăn sai thì chẳng khác nào "đổ thêm dầu vào lửa" khiến cho bệnh nặng thêm. Ý kiến nào là đúng? Hãy nghe chuyên gia Bình phân tích.
Nên ăn trái cây trước hay sau bữa ăn có lợi hơn?
Nếu ăn trái cây trước bữa cơm, có lợi cho việc giảm lượng thức ăn sẽ ăn trong bữa chính, có cơ hội bổ sung thêm chất xơ, kali, vitamin, nước và các chất dinh dưỡng tốt từ hoa quả. Điều này có thể giúp giảm béo, không chế mỡ máu, điều chỉnh huyết áp.
Nếu ăn quá nhiều hoa quả trước bữa ăn, sẽ làm giảm khẩu vị khi ăn bữa chính, không tốt cho người có thể trạng yếu, nhóm người cần ăn uống tốt vào các bữa chính để bổ sung dinh dưỡng, tăng cân, hồi phục sức khỏe.
Nếu ăn hoa quả sau bữa ăn, có thể giúp người gầy yếu bổ sung thêm dinh dưỡng, nhưng lại có hại cho người cần giảm cân, làm tăng lượng calo và đường vào cơ thể, không có lợi cho việc khống chế trọng lượng mong muốn. Một số người có bệnh, thì phải chọn thời điểm ăn phù hợp.
Có nên ăn trái cây khi đói?
Đối với người khỏe mạnh, không có loại quả nào là không thể ăn khi đói bụng. Lấy một ví dụ cụ thể là nhiều người cho rằng quả hồng chứa một lượng lớn axit tannic, nếu ăn khi đói bụng, chất tannin và axit sẽ gây ra phản ứng hóa học, tạo thành một "trái hồng đá trong dạ dày", gây tắc nghẽn đường tiêu hóa, dẫn đến đau bụng và khó chịu. Câu trả lời là không hẳn đúng như vậy.
Quả hồng khi chưa đủ độ chín có chứa lượng axit tannic rất cao, nhưng loại hồng mà chúng ta mua về ăn thường đã chín hoặc đã trải qua xử lý rồi nên lượng axit tannic còn lại rất thấp. Vì vậy, chỉ cần chúng ta chọn loại hồng đã chín để ăn thì không ảnh hưởng gì đến thời gian ăn trước hay sau bữa cơm.
Ăn trái cây sau bữa ăn làm tăng gánh nặng cho dạ dày?
Trong thực tế, không có loại hoa quả nào sẽ trở thành gánh nặng cho dạ dày sau khi chúng ta ăn vào. Bởi vì thành phần chính của trái cây là nước và đường, so với các loại thực phẩm chứa chất đạm, chất béo mà chúng ta ăn hàng ngày, thì hoa quả là thứ dễ dàng được tiêu hóa và hấp thụ hơn.
Thời điểm ăn hoa quả hoàn toàn phụ thuộc vào tình hình thực tế của mỗi cá nhân, dựa trên nhu cầu của riêng họ. Ví dụ bệnh nhân có bệnh dạ dày hay tiểu đường thì nên ăn ra sao, đều do mỗi cá nhân lựa chọn.
Nên ăn trái cây thế nào mới đúng?
1. Đối với người bình thường khỏe mạnh
Bạn có thể ăn trái cây bất kỳ thời gian nào trong ngày mà không cần chú ý đến thời gian. Có thể ăn trước bữa ăn, trong bữa ăn hoặc sau bữa ăn. Ví dụ, nếu bạn ăn sáng chưa tốt, bạn có thể ăn thêm sau đó các món hoa quả đơn giản cà chua, kiwi, cam… để bổ sung thêm năng lượng.
Vào buổi chiều, bạn có thể ăn thêm các món ăn nhẹ vào khoảng 4 giờ. Ăn lúc này không chỉ có tác dụng làm tăng thêm độ ẩm, bù nước, mà còn có lợi trong việc bổ sung các vitamin, chất xơ, khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác. Các chất dinh dưỡng trong trái cây gồm flavonoid và các chất chống oxy hoá khác đều mang lại các lợi ích sức khoẻ tuyệt vời.
2. Đối với những người đặc biệt
- Bệnh nhân tiểu đường
Với những người bị bệnh tiểu đường, để có thể kiểm soát tốt hơn lượng đường trong máu, nên ăn trái cây vào giữa các bữa ăn, chẳng hạn như 10h hoặc 15h. Tránh ăn trái cây ngay sau bữa ăn, để tránh biến động lớn chỉ số lượng đường trong máu.
- Những người cần phải giảm cân, kiểm soát cholesterol, huyết áp
Nhóm người này nên ăn trái cây trước bữa ăn, bởi vì nó có thể giúp giảm tiêu thụ các loại thực phẩm khác. Tăng cường tiêu thụ các món ăn chứa chất xơ, kali và các chất dinh dưỡng từ rau quả sẽ rất có lợi cho mục tiêu điều trị bệnh.
- Nhóm người gầy yếu cần tăng cân
Nên ăn hoa quả sau bữa ăn, có thể giúp bổ sung thêm năng lượng và các chất dinh dưỡng, đồng thời không làm ảnh hưởng tới chất lượng và số lượng bữa ăn chính. Đảm bảo duy trì được mục tiêu tăng cân, bồi bổ sức khỏe.
Xem thêm:
*Theo Health/People