Thỏa thuận về xuất khẩu vũ khí - Biểu tượng của sự hợp tác Pháp - Đức

BÌNH NGUYÊN |

Trong cuộc họp mới đây tại thành phố Toulouse của Pháp, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhất trí về một thỏa thuận xuất khẩu vũ khí, tạo cơ sở thành công cho các dự án phát triển vũ khí và trang bị quốc phòng chung giữa hai nước, trong đó có việc chế tạo các xe tăng cũng như các dòng máy bay chiến đấu thế hệ mới.

Ưu tiên phòng thủ

Hiệp ước Debre-Schmidt 1972 quy định, Pháp và Đức cần tham vấn với nhau về các vấn đề liên quan tới xuất khẩu vũ khí, nhằm ngăn chặn một bên đơn phương cấm hoạt động xuất khẩu vũ khí của bên còn lại.

Tuy nhiên, điều khoản này đã được loại bỏ trong thỏa thuận vừa ký ngày 16-10 vừa qua. Phát biểu trong cuộc họp báo chung ở thành phố Toulouse với Thủ tướng Angela Merkel, Tổng thống Emmanuel Macron xác nhận:

"Chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận lớn, ràng buộc về mặt pháp lý đối với việc xuất khẩu vũ khí để có thể hoàn thành đầy đủ các chương trình phát triển chung".

Chương trình phát triển vũ khí chung, theo Tổng thống Emmanuel Macron, đó là các dự án hợp tác chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ mới và xe tăng chiến đấu trong tương lai.

Hiện nay, Pháp và Đức đang cùng tham gia chương trình phát triển Hệ thống không chiến tương lai (FCAS), vốn được thiết kế để kết nối các máy bay chiến đấu với các thiết bị bay không người lái, vệ tinh cũng như các máy bay khác, nhằm giúp châu Âu giảm bớt sự phụ thuộc vào máy bay cũng như trang thiết bị quân sự của Mỹ.

Theo Le Figaro, chương trình phát triển FCAS chính thức ra đời hồi tháng 4-2018 nhằm thay thế cho các loại máy bay Rafale của Pháp và Eurofighter của Đức.

Đây được xem là bước ngoặt cho quốc phòng châu Âu bởi chưa bao giờ quân đội Pháp và Đức thỏa thuận với nhau về một chương trình chung với tầm cỡ như thế. "Một quyết định trước hết mang tính chính trị", Le Figaro nhấn mạnh.

Thỏa thuận về xuất khẩu vũ khí - Biểu tượng của sự hợp tác Pháp - Đức - Ảnh 2.

Thủ tướng Angela Merkel và Tổng thống Emmanuel Macron (đứng thứ hai và thứ ba, từ phải sang) thăm dây chuyền lắp ráp máy bay A350 của Tập đoàn Airbus ở Toulouse. Ảnh: REUTERS.

Một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy việc hoàn thiện các chương trình phát triển vũ khí chung giữa Pháp và Đức chính là xuất khẩu vũ khí. Mặc dù có những chương trình phát triển chung đầy tham vọng như vậy, nhưng Berlin và Paris có quan điểm khác nhau về việc xuất khẩu vũ khí ra bên ngoài châu Âu.

Một ví dụ tiêu biểu là trong khi Pháp muốn bán các vũ khí và trang bị quân sự cho Saudia Arabia thì ngược lại, Đức đang tạm dừng các chương trình xuất khẩu vũ khí sang nước này sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Bên cạnh đó, Đức cũng dẫn đầu một dự án chung với Pháp về phát triển mẫu xe tăng chiến đấu mới. Giai đoạn đầu của dự án được khởi động từ giữa năm 2019 và dự kiến mẫu xe tăng này có thể hoạt động vào năm 2035.

Ngoài ra, hai nước cũng ký thỏa thuận xây dựng một hệ thống trọng pháo chung trong tương lai và có kế hoạch phóng vệ tinh quân sự Pháp-Đức.

Tuy nhiên, hai nước cũng có chung quan điểm khi mới đây ngừng thực hiện mọi hợp đồng quân sự nhưng không áp lệnh cấm vận nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ để phản đối chiến dịch quân sự nhằm vào người Kurd ở miền Bắc Syria.

Sẵn sàng tương hỗ

Trong bối cảnh nước Anh sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 31-10 tới, căng thẳng thương mại giữa EU và Mỹ tiếp tục gia tăng nên đây là giai đoạn đầy biến động ở châu Âu, tác động không nhỏ đến mối quan hệ Pháp-Đức.

Kể từ khi Tổng thống Pháp Charles de Gaulle và Thủ tướng Đức Konrad Adenauer ký Hiệp ước hợp tác Pháp-Đức (Hiệp ước Elysee) năm 1963, hợp tác giữa hai nước đã trở thành một trong những trụ cột chính trong chính sách đối ngoại của hai nước, trở thành động lực cho sự hợp nhất châu Âu.

Ngày 21-1, tại thành phố Aachen (Tây Đức), Thủ tướng Angela Merkel và Tổng thống Emmanuel Macron đã ký Hiệp ước Aachen "làm mới" quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Đặc biệt, hiệp định mới có một điều khoản về phòng thủ tương hỗ, theo đó, Pháp và Đức sẵn sàng trợ giúp nhau trong trường hợp một trong hai nước bị tấn công. Hai nước sẽ hợp tác với nhau nhiều hơn để phát triển vũ khí khí tài và tiến hành các chiến dịch chung.

Chính vì vậy, việc hai nhà lãnh đạo Angela Merkel và Emmanuel Macron cùng đến thăm dây chuyền lắp ráp máy bay A350 của Tập đoàn Airbus ở Toulouse ngày 16-10 được xem là động thái biểu tượng của "sự xuất sắc của châu Âu" và là mũi nhọn của sự hợp tác Pháp-Đức trong hơn nửa thế kỷ qua.

Bởi lẽ, Toulouse nơi đặt trụ sở của Airbus, cũng là nơi có một nhà máy lớn thuộc tập đoàn hàng không Dassault Aviation. Cả hai tập đoàn này đều tham gia vào chương trình phát triển Hệ thống FCAS.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại