Syria-Thổ Nhĩ Kỳ sắp có "đại chiến"?
Một cuộc đụng độ trực tiếp giữa binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng quân đội Syria đã diễn ra trong tuần này.
Theo một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, bảy binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ và một thường dân đã thiệt mạng hôm 3/2 sau khi bị pháo kích từ lực lượng Syria. Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đã tiến hành đáp trả, tuyên bố đã khiến 76 binh sĩ Syria thiệt mạng. Phía chính quyền Tổng thống Assad đã phủ nhận mọi thương vong.
Đây là lần đầu tiên một cuộc đối đầu trực tiếp giữa lực lượng của Syria và Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra kể từ khi cuộc chiến bắt đầu từ năm 2011.
Chính vì điều này, giới quan sát lo ngại đây có thể là điểm khởi đầu cho một cuộc đối đầu ở quy mô lớn hơn giữa hai tổng thống Assad và Erdogan. Một khi viễn cảnh như vậy xảy ra, quan hệ hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sẽ chịu những tác động nghiêm trọng, tờ Jerusalem Post nhận định.
Thứ nhất, chắc chắn cuộc pháo kích nhằm vào binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ của quân đội Syria là một đòn giáng mạnh vào các nỗ lực ngoại giao của Nga.
Kể từ khi trở thành thế lực trung gian ngoại giao quan trọng ở Syria sau khi bước vào cuộc xung đột hồi năm 2015, Nga đã tìm cách duy trì quan hệ thân thiết với nhiều phe trong cuộc chiến, bao gồm các cặp đối thủ như Israel và Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd, Thổ Nhĩ Kỳ và Chính phủ Syria. Đây là lần đầu tiên một cặp đối thủ có xung đột với nhau.
Tuy nhiên, nó chưa hẳn đã khiến cho mọi nỗ lực hòa giải và ngoại giao Nga sụp đổ. Israel đã khiến nhiều người Iran thiệt mạng trong các cuộc không kích suốt ba năm qua. Trong khi Nga đã không cung cấp bất kỳ sự hỗ trợ nào cho đồng minh Tehran của mình ở Syria.
Tương tự như vậy, người Kurd ở Syria cũng nhiều lần bị Nga bỏ rơi. Hơn tất cả, Moscow muốn ưu ái Thổ Nhĩ Kỳ để nước này rời khỏi liên minh với Mỹ.
Nhưng cần phải lưu ý rằng, điều đó không đồng nghĩa với việc Moscow quay lưng với người Iran hoặc người Kurd ở Syria. Trên thực tế, cả hai lực lượng này phụ thuộc vào Nga nhiều hơn để đạt được mục tiêu của mình. Điều khiến họ buộc phải chấp nhận một số động thái không có lợi từ Nga mà không thể rời bỏ Nga.
Nếu không có sự hiện diện của Nga, hành động của Israel đối với Iran ở Syria có thể sẽ dữ dội hơn nhiều. Trong khi đó, Nga đã ngăn chặn chiến dịch tấn công người Kurd của Thổ Nhĩ Kỳ bằng một lệnh ngừng bắn.
Nga đã dần thay thế Mỹ như một lực lượng ngoại giao và quân sự quyết định trong khu vực. Vì không có lựa chọn bảo trợ nào khác ở Syria, Moscow vẫn là đối tác không thể thiếu cho tất cả các bên.
Động lực này có khả năng cũng được áp dụng trong trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền Syria và vấn đề Idlib.
Ảnh hưởng Nga còn quá lớn
Sức mạnh của Nga còn quá lớn để có thể thất bại ở Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn tức giận về những hành động quân sự gia tăng của quân đội Syria ở Idlib. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hôm 5/2 đã cảnh báo chính quyền Assad rút lực lượng của mình khỏi các trạm quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tháng 2 hoặc đối mặt với hậu quả.
Ở những nơi khác, Tổng thống Erdogan tuyên bố tiến trình ngoại giao Astana do Nga bảo trợ đang "hấp hối", đồng thời chỉ trích Nga vi phạm các cam kết theo thỏa thuận ngừng bắn Sochi tháng 9/2018.
Một câu hỏi rất lớn là liệu Tổng thống Assad có chú ý đến cảnh báo này hay không. Lực lượng Chính phủ hiện chỉ cách thành phố Idlib 8 km và không có vẻ gì cho thấy họ sẽ rút quân khi đã tiến sâu đến như vậy. Tổng thống Assad quyết tâm sẽ giành lại ảnh hưởng trên toàn lãnh thổ Syria. Và Nga – cường quốc mạnh nhất tại đây đang ủng hộ mục tiêu này.
Nhưng ngay cả khi một cuộc giao chiến quân sự hạn chế diễn ra giữa các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, nó sẽ cần phải kết thúc bằng ngoại giao. Và đối với ngoại giao ở Syria, Nga vẫn là nơi duy nhất có thể tìm đến.
Hơn nữa, Ankara cần Moscow để ngăn chặn dòng người tị nạn mới ở tây bắc Syria. Mối quan hệ với Nga cũng rất quan trọng trong việc thúc đẩy lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại người Kurd ở phía đông Euphrates.
Và ngay cả khi Thổ Nhĩ Kỳ muốn phô diễn sức mạnh quân sự ở Idlib, Tổng thống Erdogan cũng không xác định được lợi ích gì từ việc kéo quân đội Syria vào cuộc chiến.
Nhìn rộng hơn, Thổ Nhĩ Kỳ đang trong quá trình mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, đang hợp tác với Nga trong dự án đường ống Turkstream và cần Nga ngăn chặn cuộc tấn công của tướng Khalifa Haftar ở Libya.
Cuối cùng, Thổ Nhĩ Kỳ không còn nơi nào để rẽ ngang. Mỹ - đồng minh của Ankara - cho thấy nước này không hứng thú gì vào việc sắp xếp bàn cờ ở Idlib.
Có thể Tổng thống Nga Vladimir Putin không hoàn toàn kiểm soát được các đối tác của mình. Nhưng kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy các cường quốc khu vực và những thế lực nhỏ hơn luôn có được một phần lợi ích họ muốn đến từ sự tung hứng ngoại giao khéo léo của Nga ở Syria.
Ở Syria, sức mạnh của Nga vẫn còn quá lớn để có nguy cơ rơi vào thất bại.