Thở khò khè, ho cảnh giác với ung thư khí quản

BS Nguyễn Thị Bích |

Ung thư khí quản là bệnh hiếm gặp, chiếm ít hơn 1% trong tất cả các khối u ác tính, thường xếp chung với ung thư phế quản - phổi. Khối u khí quản có thể gây tắc nghẽn đường thở dẫn đến suy hô hấp nghiêm trọng đe dọa tính mạng nếu không xử trí kịp thời.

1. Tổng quan về ung thư khí quản

Các tế bào ung thư phát triển và hình thành khối u ở khí quản. Sau đó lan rộng sang vòm miệng, cổ họng và đường hô hấp. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, tế bào ung thư có thể di căn sang các cơ quan khác nhau như cổ, đầu…

Theo thống kê, tỉ lệ mới mắc của ung thư khí quản là 1/1.000.000 người/năm, chiếm 0,2% tất cả các khối u của đường hô hấp và 0,02 - 0,04% tất cả những khối u ác tính của cơ thể.

Trong tất cả các khối u nguyên phát của khí quản 80% là ác tính, trong đó, ung thư biểu mô tế bào vảy là loại mô bệnh học hay gặp chiếm khoảng 50%, tiếp theo là ung thư biểu mô tuyến nang chiếm khoảng 20%.

Một trong những lý do khiến việc phẫu thuật khối u khí quản rất khó khăn vì khí quản là đường dẫn khí duy nhất từ bên ngoài vào 2 phổi. Xung quanh khí quản có rất nhiều cấu trúc sống còn của cơ thể như động mạch chủ, động mạch dưới đòn, động mạch cảnh, động mạch cánh tay đầu, tĩnh mạch chủ trên, thực quản

Thở khò khè, ho cảnh giác với ung thư khí quản - Ảnh 1.

Khối u nguyên phát của khí quản 80% là ác tính.

2. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ ung thư khí quản

Hiện các nhà nghiên cứu chưa thống nhất được nguyên nhân chính xác gây bệnh ung thư khí quản. Tuy nhiên, nhiều quan điểm cho rằng các yếu tố dẫn đến bệnh ung thư khí quản hay gặp nhất là người hút thuốc lá, thuốc lào. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật (CDC), có đến 90% bệnh nhân ung thư khí quản là do thói quen hút thuốc lá. Ngoài ra, ung thư khí quản cũng có tính chất gia đình, tuổi tác, tiền sử bệnh đường hô hấp…cũng là những yếu tố nguy cơ.

Các nghiên cứu đã ghi nhận nếu trong gia đình có người bị ung thư khí quản, nguy cơ mắc bệnh của các thành viên khác sẽ cao hơn. Tỷ lệ người mắc ung thư khí quản thường ở độ tuổi trên 65 nhiều hơn ở lứa tuổi khác. Người mắc các bệnh lý hô hấp và các bệnh lý liên quan đến ung thư phải trị xạ vùng ngực, đầu cổ… cũng có nguy cơ bị ung thư khí quản...

3. Nhận biết ung thư khí quản

Triệu chứng của ung thư khí quản âm thầm, bệnh nhân chỉ đến khám khi có tình trạng khó thở. Ở các giai đoạn khác nhau thì có các biểu hiện khác nhau.

3.1. Giai đoạn sớm

Biểu hiện khó thở nhẹ, khò khè, ho khạc dây máu dễ nhầm lẫn với các bệnh lý của thanh quản và phổi.

3.2. Giai đoạn muộn

Khó thở tăng dần, có thể gây suy hô hấp cấp tính tiến triển dữ dội nếu khối u kèm theo viêm, hoặc kèm theo sặc đờm. Người bệnh thở khò khè, cò cử tăng dần và có thể ho khạc ra máu tươi. Khối u có thể chèn ép thực quản gây khó nuốt; chèn ép xâm lấn các dây thần kinh và mạch máu vùng cổ.

Thở khò khè, ho cảnh giác với ung thư khí quản - Ảnh 2.

Hình ảnh minh hoạ ung thư khí quản

4. Các giai đoạn ung thư khí quản

Không có phân loại chuẩn cho khối u khí quản nguyên phát được chấp nhận rộng ‎rãi. Thông thường hệ thống phân loại u khí quản như sau:

- Giai đoạn T1: Khối u nguyên phát giới hạn khí quản kích thước <2cm

- Giai đoạn T2: Khối u nguyên phát giới hạn khí quản kích thước >2cm

- Giai đoạn T3: Các khối u lan ra ngoài khí quản nhưng không đến các cơ quan hoặc cấu trúc lân cận.

- Giai đoạn T4: Các khối u lan tràn đến các cơ quan hoặc cấu trúc lân cận

5. Chẩn đoán ung thư khí quản

Sau khi khám sàng lọc nghi ngờ các bác sĩ chỉ định các phương pháp chẩn đoán hình ảnh để xác định trong đó có chụp Xquang lồng ngực có thể thấy hình ảnh cây khí quản bị chèn ép, phổi giảm thông khí.

-Chụp cắt lớp vi tính cho phép đánh giá vị trí, kích thước, mức xâm lấn của khối u, tình trạng hạch di căn và đánh giá tổn thương di căn phổi nếu có.

-Nội soi khí quản giúp quan sát trực tiếp tổn thương, xác định vị trí, hình thái tổn thương. thường gặp thể sùi và chít hẹp khí quản. Qua nội soi tiến hành sinh thiết trực tiếp tổn thương để chẩn đoán mô bệnh học.

Ngoài ra siêu âm ổ bụng phát hiện các tổn thương di căn. Xạ hình xương để đánh giá tổn thương di căn xương, chẩn đoán giai đoạn bệnh trước điều trị, theo dõi đáp ứng điều trị, đánh giá tái phát và di căn. Tổn thương thường ở xương cột sống, xương chậu, xương sườn...

‎-Chụp cắt lớp vi tính sọ não để phát hiện di căn não.

-Chụp cộng hưởng từ sọ não. Tuy nhiên nhìn chung, ung thư khí quản ít di căn não hơn ung thư phổi. Cộng hưởng từ giúp phát hiện chính xác số lượng, kích thước tổn thương di căn não. Chụp cộng hưởng từ mô phỏng cho phép lập kế hoạch điều trị xạ phẫu bằng dao gamma.

-Chụp PET/CT trước điều trị để chẩn đoán u nguyên phát, chẩn đoán giai đoạn bệnh; chụp sau điều trị để theo dõi đáp ứng điều trị, đánh giá tái phát và di căn; mô phỏng lập kế hoạch xạ trị.

-Xạ hình thận chức năng để đánh giá chức năng thận trước điều trị và sau điều trị.

‎ -Tế bào học nhằm tìm tế bào ung thư trong đờm, dịch rửa khí phế quản, tế bào hạch thượng đòn nếu có.

-Sinh thiết tổn thương, chẩn đoán mô bệnh học đối với ung thư khí quản, sinh thiết thường được tiến hành qua nội soi khí phế quản. Về mô bệnh học, ung thư biểu mô vảy chiếm đa số, sau đó tiếp đến ung thư biểu mô tuyến.

Chẩn đoán phân biệt ung thư khí quản với các bệnh lao khí quản, áp xe vùng khí quản, u thanh quản, ung thư phế quản gốc.

Thở khò khè, ho cảnh giác với ung thư khí quản - Ảnh 3.

Chụp PET/CT trước điều trị để chẩn đoán u nguyên phát, chẩn đoán giai đoạn bệnh ung thư khí quản

6. Điều trị ung thư khí quản

Tùy theo giai đoạn bệnh, thể mô bệnh học mà phương pháp điều trị khác nhau.

‎Phương thức điều trị có thể đơn thuần hoặc phối hợp nhiều phương pháp. Việc điều trị ung thư khí quản phải đòi hỏi hết sức khẩn trương vì có thể gặp biến chứng cấp tính là suy hô hấp cấp do u làm tắc đường thở bất cứ lúc nào.

Ở giai đoạn I, II, III phẫu thuật cắt u khí quản, vét hạch vùng và tạo hình khí quản. Sau phẫu thuật ‎triệt căn chỉ định hóa xạ trị bổ trợ nếu có ít nhất một trong các yếu tố: diện cắt dương ‎tính, hạch phá vỡ vỏ.

- Đặt stent khí quản

- Đốt laser u khí quản

- Đốt đông lạnh u khí quản (Cryotherapy).

Xạ trị hậu phẫu: cho giai đoạn II, IIIA và các trường hợp phẫu thuật cắt bỏ ‎không hoàn toàn để lại tổ chức ung thư sau phẫu thuật, u xâm lấn vỏ thần kinh hoặc ‎mạch bạch huyết. Xạ trị đơn thuần hoặc hóa xạ trị đồng thời triệt căn: cho giai đoạn I, II, IIIA có ‎chống chỉ định hoặc bệnh nhân từ chối phẫu thuật. Xạ trị triệu chứng: xạ trị giảm đau, xạ trị chống chèn ép.

Hóa chất thường được phối hợp đồng thời với xạ trị hậu phẫu, hoặc hóa xạ trị ‎triệt căn. Với giai đoạn di căn điều trị toàn thân với phác đồ có platinum đối với ung thư biểu mô tế bào vảy.

Điều trị đích và miễn dịch.Tùy vào tình trạng đột biến gen và bộc lộ các dấu ấn miễn dịch, các thuốc đích và miễn dịch được điều trị như ung thư phổi không tế bào nhỏ.

Tóm lại: Ung thư khí quản nguyên phát rất hiếm gặp, trên thực tế tại cơ sở y tế chủ yếu gặp những trường hợp ung thư từ bên ngoài xâm lấn vào khí quản như ung thư từ phổi, ung thư từ thực quản hoặc các ung thư từ các bộ phận khác di căn đến.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại