Lời bình: Dù là dân kinh doanh, người lãnh đạo hay nhân viên làm công, không ai trong số chúng ta là không mong muốn làm nên những thành tựu đáng để ghi nhớ trong cuộc đời của mình. Thế nhưng con đường dẫn tới thành công chưa bao giờ bằng phẳng hay phủ đầy hoa hồng.
Muốn mở ra cánh cửa của thành công, ta cần hiểu rõ hơn ai hết mục tiêu của mình, từ đó hoạch định từng bước cho kế hoạch chinh phục mục tiêu ấy.
Và câu chuyện dưới đây sẽ trở thành cuốn cẩm nang nằm lòng giúp bạn tránh được những sai lầm không đáng có trên con đường tạo lập vinh quang mang tên mình.
Câu chuyện thứ nhất: Lựa chọn
Hình minh họa: Nguồn Internet.
Có một con thỏ đang loay hoay viết vài chữ trước cửa hang của mình. Chó sói đi ngang qua, thấy vậy thì lấy làm lạ, liền tiến tới hỏi:
"Ngươi đang viết gì vậy?".
Thỏ đáp:
"Tôi đang viết dòng chữ: ‘Bàn về chuyện thỏ làm thế nào để ăn thịt sói’."
Con sói một mực không tin. Vì vậy thỏ liền dẫn nó vào bên trong hang động của mình. Một lúc sau, chỉ có một mình con thỏ nhỏ trở ra ngoài hang, còn con sói vừa tiến vào lúc nãy đã không còn tăm tích.
Thỏ lại tiếp tục cúi người viết chữ. Heo rừng cũng thấy lạ, đi tới hỏi:
"Cậu đang viết gì thế?".
Thỏ trả lời:
"Mình đang viết dòng chữ: ‘Bàn về chuyện thỏ làm thế nào để ăn thịt heo rừng’."
Heo rừng cũng chẳng tin. Vì thế thỏ lại đem nó dẫn vào trong hang động của mình. Một lúc sau, vẫn chỉ có một mình con thỏ nhỏ ấy trở ra ngoài cửa hang.
Cùng lúc này, sâu trong hang động có một con sư tử đang nằm cạnh đống xương của chó sói và heo rừng, nó vừa xỉa răng, vừa thong thả đọc một tập tài liệu mà thỏ giao cho mình.
Phía trên tập tài liệu ấy có ghi dòng chữ lớn: "Muốn biết năng lực của nhân viên có thể phát huy tới đâu, mấu chốt phải xem họ cộng tác cùng những đối tượng nào".
Bài học rút ra: Một trong những thứ trọng yếu nhất trong đời người chính là sự lựa chọn. Nếu đã đưa ra lựa chọn sai lầm, dù bạn có cố gắng đến bao nhiêu thì vẫn sẽ có lúc uổng phí năng lực.
Ngược lại, nếu muốn có được lựa chọn đúng đắn, trước tiên bạn phải xác định được mục tiêu mà mình muốn chinh phục, sau đó mới cân nhắc đến những yếu tố mà cấp trên và đồng nghiệp có thể có thể cho mình.
Câu chuyện thứ hai: Áp lực
Hình minh họa: Nguồn Internet.
Lần nọ, thỏ vô tình kể cho một người bạn chân tướng câu chuyện mình giấu sư tử trong hang để ăn thịt sói và heo rừng. Rất nhanh sau đó, sự thật của lời đồn này đã lan truyền khắp cả khu rừng.
Sư tử biết được chuyện này, vô cùng tức giận mà đe dọa:
"Nếu như trong tuần này ngươi không đưa được thức ăn vào hang, ta sẽ ăn thịt ngươi".
Thỏ nghe xong liền tiếp tục quay ra cửa hang để viết chữ. Khi đó, nai con đi tới hỏi:
"Anh đang viết chữ gì vậy?".
Thỏ trả lời:
"Anh đang viết dòng chữ: ‘Bàn về chuyện thỏ làm thế nào để ăn thịt chó sói’."
Nai con lại nói:
"Chuyện này cả khu rừng đều đã biết chân tướng rồi, vì sao anh còn viết lại làm gì?"
Thỏ đáp:
"Cũng bởi vì cả khu rừng đều đã biết sự thật, nên anh chỉ còn cách thôi việc mà thôi. Vua sư tử đang muốn tìm một người thay thế vị trí anh, mà anh thấy cậu rất phù hợp với cương vị này. Chẳng nhẽ cậu không muốn thử một lần làm người phò tá cho chúa tể rừng xanh hay sao?"
Nai con bị lời đề nghị này cám dỗ, liền đi theo thỏ vào trong hang động. Một lát sau, chỉ có mình con thỏ nhỏ trở ra ngoài cửa hang.
Ngày kế tiếp, một con ngựa con cũng tò mò tìm tới chỗ con thỏ. Mọi chuyện lại diễn ra y như ngày hôm trước.
Về phần sư tử, nó tiếp tục hài lòng nằm xỉa răng trong hang động, đọc tài liệu mà thỏ giao cho mình, trên đó có nhan đề: "Làm thế nào để nhân viên tạo ra nhiều giá trị cho ông chủ?"
Bài học rút ra: Phàm là điều gì đã được xem như bí mật thì chớ dại tùy tiện tiết lộ ra nó dù vì bất cứ lý do gì hay trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Một khi đã quyết định phơi bày chân tướng của bí mật, hãy chắc chắn rằng bạn đã có biện pháp hữu hiệu để giải quyết những hệ lụy phía sau.
Sự tín nhiệm của lãnh đạo dành cho nhân viên phụ thuộc vào việc họ có thể cống hiến nhiều tới mức nào cho ông chủ. Một khi giá trị mà bạn đem lại ít hơn những thứ mà bạn được thụ hưởng, đó cũng là thời điểm bạn nên rời đi vị trí từ sớm đã không còn vững vàng đối với mình.
Câu chuyện thứ ba: Thay đổi
Hình minh họa: Nguồn Internet.
Vì thường xuyên được cung phụng đồ ăn, thân hình của sư tử càng lúc càng trở nên đồ sộ. Những con vật mà thỏ dẫn vào dần dần không thể làm nó đủ no bụng.
Vì vậy sư tử một lần nữa ra "tối hậu thư" đối với thỏ. Nó nói:
"Lượng thức ăn của ta bây giờ phải tăng gấp đôi. Lúc trước 4 ngày ngươi mới đưa thức ăn một lần, bây giờ đổi thành 2 ngày một lần. Nếu như trong vòng 1 tuần mà ngươi không thể đáp ứng được số lượng này, ta nhất định sẽ ăn thịt ngươi".
Thỏ nghe xong liền bỏ lại hang động, chạy sâu vào trong rừng rậm. Ở đó, nó vô tình gặp một con sơn dương lạ mặt.
Thỏ nói:
"Cậu có tin chuyện thỏ có thể ung dung ăn thịt cả một con chó sói không?"
Sơn dương lấy làm không tin. Vì vậy thỏ liền dẫn nó từ sâu trong rừng rậm về tới hang động của mình.
Một lúc sau, con thỏ nhỏ một mình trở ra ngoài. Nó lại tiếp tục tiến vào trong rừng rậm, tình cờ gặp được một con heo rừng, mọi việc lại tiếp tục diễn ra y như trước đó.
Hóa ra, sâu trong rừng rậm vẫn có rất nhiều động vật chẳng hề hay biết về chân tướng của câu chuyện thỏ ăn thịt chó sói.
Cuối cùng, sư tử nằm trong hang cũng hài lòng xỉa răng, tiếp tục nghiền ngẫm một cuốn tiểu luận mà thỏ đưa cho nó. Trang bìa của cuốn tiểu luận có ghi tiêu đề: "Làm thế nào để chuyển đổi từ bán hàng cố định sang bán hàng di động?"
Bài học rút ra: Không ngừng khai thác thị trường mới, không ngừng đổi mới khuôn mẫu tiếp cận khách hàng, đó mới là chìa khóa giải quyết bế tắc cho những người kinh doanh.
Câu chuyện thứ tư: Nắm quyền
Hình minh họa: Nguồn Internet.
Thời gian dần trôi đi, sau một thời gian dài chỉ ăn rồi ngủ, sư tử đã trở nên vô cùng mập mạp. Một ngày nọ, nó muốn ra ngoài đi dạo một chút, thế nhưng lại phát hiện ra cửa hang quá nhỏ, cơ thể đồ sộ của mình từ sớm đã chẳng thể chui qua.
Bấy giờ, con thỏ ung dung đứng ở cửa hang, đắc ý ra điều kiện:
"Sau này tất cả mọi chuyện ngươi đều phải nghe theo ta. Nếu không thì ta sẽ không đem đồ ăn tới cho ngươi nữa đâu".
Sư tử cũng đành bất đắc dĩ thỏa hiệp:
"Được được! Chỉ cần ngươi cho ta đồ ăn, tất cả mọi việc ta đều nghe theo ngươi".
Tới lúc này, thỏ mới giao cho sư tử một khóa luận được trình bày hết sức công phu và đồ sộ, trang bìa còn đề dòng chữ lớn: "Chiến lược quyết định thành bại: Bàn về việc thỏ làm thế nào để lợi dụng sư tử".
Bài học rút ra: Chú thỏ trong câu chuyện đã tạo ra cho sư tử một không gian được ví như thiên đường: Không có u sầu, không lo cơm áo.
Nó mượn danh sư tử để đề cao sức ảnh hưởng và tên tuổi của mình trong rừng rậm, lại nhiều lần nhẫn nhục trong những lúc khó khăn, cuối cùng thành công đem quyền khống chế nắm trong tay, trở thành người đứng sau điều khiển.
Chiêu bài cao tay của con thỏ đã chỉ ra cho chúng ta một đạo lý đáng để nghiền ngẫm: Sẽ có lúc, hết thảy những gì mà ta đã bỏ ra rồi cũng sẽ đem lại cho ta những điều đáng giá hơn gấp bội!
Câu chuyện thứ năm: Thất bại
Hình minh họa: Nguồn Internet.
Danh tiếng của thỏ trong rừng rậm càng lúc càng vang xa. Mọi loài đều biết nhân vật chống lưng cho nó vô cùng lợi hại, hơn nữa bản thân thỏ còn cao tay tới nỗi khiến ông chủ phải răm rắp nghe lời.
Cũng kể từ lúc này, thỏ trở nên càng lúc càng kiêu ngạo, hành sự chẳng hề kiêng nể một ai. Rốt cục có một ngày, thợ săn đi tới cái hang của nó, một tay bắt sống con thỏ rồi để lại ở đó một tờ giấy chỉ ghi vẻn vẹn mấy chữ: "Vỏ quýt dày có móng tay nhọn".
Bài học rút ra: Người xưa có câu "núi cao còn có núi cao hơn", người giỏi ắt sẽ còn có người giỏi hơn. Sống ở đời chớ nên vì chút tài mọn mà tự kiêu tự đại. Bởi thái độ này vốn là yếu tố đẩy chúng ta tới đường cùng nhanh nhất.
Câu chuyện thứ sáu: Sai lầm
Hình minh họa: Nguồn Internet.
Kể từ khi thỏ bị thợ săn bắt đi, rừng rậm lại trở về những ngày yên ả, câu chuyện thỏ ăn thịt chó sói dần dần chìm vào quên lãng.
Rất lâu sau đó, có một con hổ tình cờ nghe được chuyện này. Nó vô cùng hứng chí, liền đi bắt một con linh dương và nói:
"Nếu như ngươi có thể mang tới cho ta thức ăn giống như con thỏ trước kia, ta sẽ không ăn thịt ngươi".
Linh dương gật đầu đồng ý. Con hổ hết sức đắc ý đi vào trong hang động.
Thế nhưng đã 3 ngày trôi qua, nó không hề thấy con linh dương kia đem vào hang bất kỳ con vật nào. Lúc này, hổ vô cùng tức giận đi ra ngoài. Nào ngờ bước tới cửa hang, nó phát hiện con linh dương mà mình bắt đã bỏ chạy từ lâu, chỉ để lại một tờ giấy ghi dòng chữ:
"Muốn có được những người tận tâm tận lực làm việc cho mình, trước tiên phải biết làm thế nào để giữ chân nhân viên".
Bài học rút ra: Trên đời vốn không có khuôn mẫu nào phù hợp với tất cả mọi chuẩn mực. Thời thế thay đổi, vạn vật cũng đổi thay, mù quáng đem kinh nghiệm cũ để áp dụng rập khuôn vào trong hoàn cảnh mới chính là nguyên nhân thất bại ngốc nghếch nhất.
*Dịch từ báo nước ngoài