Thịt ếch bổ dưỡng như thế nào?
Thịt ếch.
Ếch còn có tên gọi là điền kê, thanh oa, cáp ngư, thạch kê, thủy kê …
Tên khoa học: Rana esculenta.
Mô tả: Loài ếch, sắc mình xanh nhạt, lưng có tuyến dọc sắc vàng, bụng trắng, trong miệng có lưỡi cùng răng, tính nhanh nhẹn, giỏi kêu.
Thành phần hóa học: Theo nghiên cứu có nhiều protein, chất béo, đường, canxi, photpho, kali, natri, sắt, đồng, magie, kẽm, vitamin A, vitamin nhóm B, D, E, biotin, caroten…
Bộ phận dùng: Cả con bỏ nội tạng, bỏ bàn chân tay, bỏ hạch vôi ở cổ.
Tính vị: Thịt ếch có vị ngọt, tính lạnh, không độc.
Qui kinh: Vào kinh can, tỳ.
Công dụng của thịt ếch: Hoạt huyết tiêu tích, lợi thủy tiêu sưng, giải độc bổ hư, chỉ khái.
Ứng dụng: Trẻ con cam tích, lười ăn chậm lớn , tác dụng này giống như thịt cóc vì có tác dụng kiện tỳ vị trị còi xương.
Một số món ăn, bài thuốc sử dụng thịt ếch
Sa nhân.
Bồi bổ khi yếu mệt, mới ốm dậy: Thịt ếch 100g, làm sạch ruột, bỏ bàn tay chân, bỏ hạch vôi ở cổ, băm nhỏ, đem xào với hành tây ăn trong ngày.
Thanh nhiệt giải độc, chữa mụn nhọt ở trẻ trong mùa hè: Thịt ếch 100g, bột sa nhân 5g, lá sen 1 cái, gạo tẻ 150g. Sa nhân cho vào đun lấy nước rồi lấy nước đó nấu cháo ếch, lấy lá sen đậy nồi. Hầm thêm 5 phút, để cháo nguội, bỏ lá sen, nêm gia vị. Cho trẻ ăn vào bữa sáng là chính.
Tang phiêu tiêu (tổ bọ ngựa).
Chữa trẻ em hay đầy bụng, ăn không tiêu: Thịt ếch 100g, gạo tẻ 100g. Thịt ếch lấy phần thịt đùi, chặt thành miếng, ướp gia vị, cho vào nồi nấu cháo ăn 7 ngày.
Bổ thận khí, chữa đi tiểu nhiều ban đêm: Ếch một con khoảng 100g lột da tẩm rượu nướng vàng, tang phiêu tiêu 9g, ba kích 9g, sơn thù nhục 30g, câu kỷ tử 15g. Nấu như thuốc bắc, ăn cả bã hoặc các vị thuốc trên đun lấy nước rồi làm nước nấu với thịt ếch trên mà ăn.
Ngoài ra dân gian còn rất nhiều món ăn từ ếch như chả ếch lá lốt, ếch cuốn lá lốt nướng, ếch ôm măng….
Tuy nhiên thịt ếch tính lạnh nên người trúng phong hàn hay mắc chứng cúm không nên ăn thịt ếch, hoặc người viêm đa khớp dạng thấp nên tránh xa vì khi ăn bệnh sẽ nặng hơn.