Báo Sức khoẻ và Đời sống (Bộ Y tế) đã liên tục có các bài phản ánh về sự nhộn nhạo trên thị trường máy SpO2, máy thở, máy tạo oxy trong tình hình diễn biến dịch căng thẳng. Phóng viên đã gặp những chuyên gia về kỹ thuật, về y tế, để thông tin rõ hơn về máy tạo oxy nhằm giúp người tiêu dùng chọn lựa đúng sản phẩm, tránh lãng phí tiền của mà không đáp ứng được nhu cầu điều trị cho người bệnh.
Thị trường "vàng thau lẫn lộn", đừng vội mua khi chưa tìm hiểu
Một số hãng máy oxy đã bán ở Việt Nam từ 5 – 10 năm nay. Tuy nhiên gần đây có dịch COVID-19, nhu cầu tăng cao đột biến khiến lượng máy dự trữ không đủ cung cấp. Rất nhiều cá nhân, công ty "tay ngang" cũng nhảy vào nhập máy về bán, nên không ít sản phẩm máy oxy tràn lan trên thị trường.
Ngoài giá bán, điều quan trọng nhất là mục đích sử dụng và lưu lượng oxy của máy thì nhiều người lại chưa hiểu sâu dẫn đến mua phải máy kém, không phù hợp sử dụng.
Một số máy oxy công suất nhỏ chỉ đủ cho người triệu chứng suy hô hấp nhẹ (ảnh minh hoạ).
Anh Nguyễn Anh Kiên, Giám đốc phụ trách kỹ thuật một hãng máy oxy phân tích: "Đáng tiếc là nhiều khách hàng hiểu nhầm về máy. Với những bệnh nhân nặng, thường phải cần tới lưu lượng 5l/phút đến 7l/phút, đồng thời nồng độ SpO2 phải đạt trên 90%. Kể cả những người ngoài ngành nhập máy về họ cũng không hiểu rõ về máy".
Theo anh Kiên, qua các mạng xã hội, trang bán hàng online, những người không có chuyên môn đang rao bán máy khá "bừa bãi". Họ rao bán máy công suất 7l, giá từ 8 – 10 triệu đồng. Nhưng bản chất chỉ là máy 1l – 2l mà thôi.
"Nhiều máy nhỏ vẫn đạt lưu lượng 5l/phút nhưng nồng độ oxy tinh khiết không đạt trên 90%. Bởi khi chỉnh mức công suất 1l/phút thì nồng độ oxy tinh khiết mới đạt trên 90%. Khi tăng lên 2l/phút thì chỉ còn 60%, khi tăng lên mức 5l – 6l/phút thì ngưỡng oxy tinh khiết chỉ đạt 25 – 26%, tức là bằng mức oxy bình thường trong không khí nên chẳng còn tác dụng gì cho người bệnh. Khách hàng nên thông qua các nhà phân phối chính hãng, được tư vấn rõ ràng để có sự tin cậy" – anh Kiên phân tích.
Những máy này trước đây hầu như không xuất hiện trên thị trường, nhưng giờ đây thì quá nhiều người nhập về gây nên sự hỗn loạn. Hiện nay rất nhiều người ham rẻ, mà không hiểu rõ công dụng, công suất của máy có ảnh hưởng như thế nào. Cho nên không ít người than phiền rằng họ mua máy về mà chẳng dùng được. Những máy này chỉ nặng từ 5 – 7kg, trong khi máy tạo oxy chuẩn loại nhẹ nhất phải nặng từ 10kg trở lên, loại 5l phải nặng đến hơn 15kg.
"Ví dụ loại máy oxy Philips của Mỹ là loại rất cao cấp nhưng nặng suýt soát 15 kg và công suất chỉ được 5l, bởi ngoài động cơ, còn phải có khoang chứa các hạt hoá chất khác, thì những máy nhỏ xíu kia lấy đâu ra không gian và sức nén để tạo đủ công suất như quảng cáo" - chuyên gia này chỉ rõ.
Cần có tư vấn từ bác sĩ
Dưới góc độ chuyên môn, bác sĩ Đàm Toạ, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật lồng ngực, Bệnh viện Phổi Trung ương phân tích: "Máy tạo oxy lấy không khí qua bộ phận tách chiết ra oxy cho người bệnh. Trong không khí thì oxy chiếm khoảng 21%. Máy trợ thở thì dùng nguyên liệu là nguồn oxy có sẵn, từ máy oxy hoặc bình oxy đưa vào hệ thống hỗ trợ oxy cho người bệnh bị suy hô hấp. Khi bệnh nhân khó thở, nồng độ oxy đo dưới 90%, thì buộc phải thở oxy. Tuy nhiên liều lượng là 2l/phút, 3l/phút, hay 5l/phút…".
Người bệnh vẫn nên có tư vấn từ bác sĩ trước khi sử dụng máy oxy.
Theo bác sĩ Toạ, 2 loại máy chủ yếu trên thị trường là máy giá rẻ, đa phần máy Trung Quốc, chỉ vài triệu đồng. Máy của Mỹ, châu Âu có thể lên đến vài chục triệu, thậm chí là 50-70 triệu đồng. Xét về tác dụng đều như nhau nhưng công suất, chất lượng và độ bền… chênh lệch.
Đối với việc sử dụng, máy có hướng dẫn để điều chỉnh nồng độ oxy theo tuỳ mức cần thiết: như thở oxy hỗ trợ là 2l - 3l/phút, hoặc 4l – 5l/phút.
Hầu hết người phải dùng máy oxy đều là người mắc bệnh tim mạch , phổi tắc nghẽn mạn tính, nên ít nhất người bệnh cần được bác sĩ kiểm tra ít nhất một lần. Vì những người mắc triệu chứng suy hô hấp có nhiều thể, đôi khi còn phải đo kết hợp các chỉ số khác như tim mạch… để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.
Cho nên một số người do chủ quan hoặc không nắm rõ, chỉ dựa vào máy oxy, máy trợ thở cho thân nhân, khi đưa vào viện chỉ số SpO2 (độ bão hoà oxy trong máu) chỉ còn 45 – 50% thì rất nặng, phải cấp cứu tích cực. Thông thường mức SpO2 phải trên 90%, dưới mức đó là người bệnh phải được theo dõi sát sao, liên tục.
Ở tình trạng nặng hơn, việc đánh giá cụ thể, phải có bác sĩ chẩn đoán lâm sàng. Họ sẽ quan sát độ tím tái, nhịp thở bao nhiêu lần/phút để phối hợp thêm. Ở tình trạng nguy kịch cần dùng máy thở, phải có nhân viên y tế xử lý tại bệnh viện.
Về vấn đề dùng máy tạo oxy và trợ thở để phòng bị cho người bệnh COVID-19 đang tạo nên cơn sốt máy thời gian này, bác sĩ Toạ cho biết thêm: "Virus SARS-CoV-2 có ái lực rất mạnh với niêm mạc phế quản, gây viêm đường hô hấp cấp tính.
Tuy nhiên không phải ai cũng bị tổn thương phổi, suy hô hấp. Chỉ lo ngại nhất là trường hợp mắc COVID-19 có bệnh nền tim mạch, phổi, béo phì…. Những bệnh nhân có dấu hiệu suy hô hấp cần mau chóng được cung cấp thêm oxy.
Máy oxy gia đình chỉ có thể tạo mức oxy đến 5l/phút, tuỳ công suất, đủ cung cấp oxy cho bệnh nhân ở thể vừa phải, thể nhẹ. Còn bệnh nhân ở thể nặng, mức SpO2 quá thấp thì phải đưa vào cơ sở y tế để xử trí bằng thở oxy cao áp, nguồn oxy mới đáp ứng được lên đến 8l – 10l/phút".
Trước tình hình nhiều người mua tích trữ máy thở, máy tạo oxy khiến thị trường "loạn giá" và con buôn thao túng, Bộ Y tế đã khẳng định không để bệnh nhân thiếu máy thở, không để thiếu trang thiết bị, do đó người dân hoàn toàn có thể yên tâm.
Về vấn đề nguồn cung khí oxy, Bộ Y tế đã tiến hành khảo sát và đánh giá năng lực sản xuất oxy tại nước ta, kết quả cho thấy khả năng cung ứng oxy từ các đơn vị sản xuất trong nước cao gấp 30 lần so với nhu cầu hiện nay tại các bệnh viện, do đó nguồn cung cấp khí oxy cho cả nước nói chung hay tại TP.HCM nói riêng đều không thiếu.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên mua tích trữ máy thở vì vừa gây lãng phí do không thể tự dùng được, mà còn tạo sự khan hiếm nguồn cung gây khó khăn cho bệnh nhân mãn tính cần máy.