Ngày 2/2, TS Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết, trung bình mỗi tháng trung tâm cần tiếp nhận khoảng 40.000 - 42.000 đơn vị máu và 5.000 đơn vị tiểu cầu.
Như vậy, riêng 2 tháng đầu năm 2024, trung tâm cần tối thiểu 80.000 đơn vị máu để cung cấp cho hơn 180 cơ sở y tế tại 31 tỉnh, thành phố, trong đó nhóm O cần khoảng 40.000 đơn vị. Mặc dù có sự chuẩn bị, lên kế hoạch tiếp nhận máu từ trước nhưng kết quả hiện tại đều đạt thấp hơn so với nhu cầu.
“Càng đến gần Tết, nhu cầu sử dụng máu cao hơn vì người bệnh nhập viện điều trị và được truyền máu để có đủ sức khỏe về ăn Tết với gia đình, nhu cầu ngay sau Tết cũng vậy. Để đáp ứng nhu cầu này trước Tết và dự trữ trong Tết, hiện chúng tôi vẫn còn thiếu khoảng 10.000 đơn vị máu”, TS Quế nói.
Theo TS Quế, nguyên nhân của tình hình này do những ngày gần đây thời tiết khắc nghiệt, rét đậm xảy ra ở nhiều nơi khiến nhiều điểm hiến máu không đạt được kết quả như dự kiến.
Trong khi đó, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương vẫn đang phải tiếp tục “chi viện” 1.000 đơn vị máu mỗi tuần cho Cần Thơ và các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Một số khu vực khác (như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) cũng không đạt kết quả tiếp nhận máu theo kế hoạch và xin hỗ trợ từ Trung tâm Máu quốc gia.
Thực trạng số người hiến máu giảm những ngày gần đây cũng xảy ra tại Bệnh viện Truyền máu – Huyết học TP.HCM – nơi đang cung cấp chế phẩm máu cho hơn 150 bệnh viện tại TP.HCM và hỗ trợ cho các tỉnh Tây Nam Bộ.
Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã và đang nỗ lực để có thêm các lịch hiến máu trước Tết. Đồng thời kịp thời chuyển vật tư để tiếp nhận máu tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và khu vực Tây Nam Bộ, sau đó chuyển máu ra Hà Nội để thực hiện xét nghiệm sàng lọc, điều chế máu và cung cấp ngược trở lại chế phẩm máu cho Tây Nam Bộ.
Dự kiến từ 30/1- 5/2, Viện sẽ phối hợp tiếp nhận hơn 2.200 đơn vị máu tại thành phố Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp.
Mỗi ngày, cả nước cần khoảng 5.500 người hiến máu, nhưng đến nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 80%. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng cần xây dựng lực lượng hiến máu tình nguyện thường xuyên để đảm bảo nguồn máu cấp cứu, điều trị người bệnh.
Theo quy định, người hiến máu tình nguyện có giấy chứng nhận nếu phải truyền máu tại các cơ sở y tế công lập sẽ được bồi hoàn miễn phí lượng máu bằng số lượng máu đã hiến. Vì vậy rất cần và duy trì người hiến máu thường xuyên, người hiến máu nhắc lại.