4 ngày có 159 người đăng ký hiến tặng mô, tạng
Chỉ trong 4 ngày, tính từ sáng 25/2 đến sáng ngày 1/3, số điện thoại hotline của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia luôn trong tình trạng đổ chuông liên tục, thậm chí có lúc tắc nghẽn bởi lượng người gọi tới quá nhiều.
Về phía Trung tâm, đây thực sự là những ngày lao động hết công suất nhưng ai cũng đều thấy phấn khởi, bởi họ được làm công việc gắn kết tình người với nhau. Các tư vấn viên lần lượt thay nhau thực hiện cả trăm cuộc gọi tư vấn về việc hiến tặng mô, tạng.
Theo Phó giám đốc trung tâm Nguyễn Hoàng Phúc, chỉ trong gần 4 ngày qua, đã có 159 người đăng ký hiến tặng mô, tạng thông qua tất cả các hình thức như qua website, email, hotline và đăng ký trực tiếp tại Trung tâm.
Chính hành động nhân văn của "thiên thần Hải An" hiến tặng giác mạc để trao ánh sáng cho những người khác là động lực lớn thôi thúc rất nhiều người đến đăng ký hiến tạng trong những ngày qua.
Từ hành động nhân văn chắc chắn tương lai sẽ nhiều những con người "thêm một lần được sinh ra".
Sức mạnh lan tỏa từ "thiên thần Hải An" đến hàng loạt hành động thực tế
Trong hàng trăm hành động tử tế nhân văn, đăng ký hiến tạng sau khi qua đời, có rất nhiều câu chuyện đặc biệt. Những câu chuyện này khiến không chỉ cán bộ nhân viên, tư vấn viên của Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia cảm động mà họ còn làm cho hàng trăm nghìn người ngoài xã hội nhìn nhận đúng hơn về vận động hiến mô, tạng hiện nay.
Ngày 24/2, sau khi biết đến câu chuyện bé gái 7 tuổi ra đi vì căn bệnh ung thư đã hiến giác mạc để đem ánh sáng cho người khác. Anh Tạ Tuấn Anh 27 tuổi đưa một người bạn thân từ Đà Nẵng đến Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép mô tạng ở Bệnh viện Việt Đức để làm thủ tục đăng ký hiến tạng.
Trước đó không lâu, cũng chính anh đến địa chỉ này để làm thủ tục đăng ký hiến tặng những bộ phận trên cơ thể mình sau khi qua đời. Bởi anh suy nghĩ: "Thay vì để thân xác mục rữa hay thành một đống tro khi chết đi, thì tôi sẽ lựa chọn hiến thân xác cho mọi người để họ có cơ hội sống".
Xuất phát từ suy nghĩ đó, hiện tại ngoài công việc chính của mình là một tài xế, anh còn là người tham gia nhiệt tình trong câu lạc bộ thiện nguyện thường xuyên vận động mọi người hãy hiến tạng.
Ngày 27/2, vợ chồng anh Võ Thanh Hải và Trần Thị Thu Hiền cùng đến Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, đặt tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), đăng ký hiến tạng.
Cả hai anh chị đều là quân nhân, anh Hải công tác tại Học viện Kỹ thuật quân sự, chị Hiền làm việc tại Học viện Quốc phòng. Hai vợ chồng cho biết câu chuyện bé gái Hải An 7 tuổi hiến giác mạc sau khi qua đời vì ung thư đã tạo động lực cho họ.
Ảnh minh họa.
Ngoài ra, câu chuyện về chàng thanh niên mới 24 tuổi mang bạo bệnh xin đăng ký hiến tạng sau khi chết não. Bạn này không có chứng minh thư, không có hộ chiếu và chỉ có duy nhất giấy khai sinh nhưng tha thiết muốn được các tư vấn viên hướng dẫn đăng ký từ xa.
Không giấu nổi cảm xúc, ông Nguyễn Hoàng Phúc - phó giám đốc trung tâm bày tỏ: "Sau nhiều năm hoạt động, lần đầu tiên, số lượng người đăng ký hiến tặng mô, tạng tại trung tâm lại đông tới mức như thế. Cháu bé Hải An thật sự là một thiên sứ để lại thông điệp đầy nhân văn về câu chuyện cho đi là mãi mãi".
Bất kỳ ai đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có quyền hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc đăng ký hiến tặng mô, tạng tiềm năng (hiến tặng sau khi chết, chết não).
Những người cao tuổi có thể hiến tặng một phần mô, tạng và giác mạc sau khi chết, chết não.
Hiện có 2 địa chỉ chính thức được phép đăng ký và phát hành thẻ hiến tạng tại Việt Nam để đáp ứng nguyện vọng đăng ký hiến tạng cứu người khi qua đời, là Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) và Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, đặt tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội).