Căn bệnh dễ nhầm với ung thư
Ông Nguyễn Văn Luận 43 tuổi, trú tại Duy Tiên, Hà Nam thường xuyên bị đau bụng, đi ngoài phân nhầy nhầy có máu kèm theo chán ăn.
Vì sợ ung thư, ông Luận cũng "sợ" đi khám luôn vì không muốn mang án tử ung thư mà phải sống chung với chứng kiết lị. Có ngày ông đi vệ sinh tới 5 – 7 lần mà chỉ có phân nhầy nhầy.
Đến khi vợ con giục mãi, ông Luận mới lên bệnh viện tỉnh khám, bác sĩ nội soi trực tràng thấy nhiều vết loét nên cũng nghi ngờ ung thư và khuyên ông lên tuyến trên kiểm tra lại.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, sau khi nội soi trực và đại tràng và xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ cho biết ông Luận chỉ bị chứng lị do vi khuẩn amip.
Không bị ung thư, ông Luận mừng vô cùng. Ông Luận có sở thích ăn các đồ ăn tái nên cũng không rõ nhiễm vi khuẩn amip từ đâu.
Hay như trường hợp anh Nguyễn Văn Cự (Diễn Châu, Nghệ An) bị đau hạ sườn phải, sốt cao kèm theo vùng gan to. Anh Cự nghĩ mình chắc bị ung thư gan nên vô vùng lo lắng. Siêu âm gan có nhiều ổ áp xe nhưng may mắn khi ra Bệnh viện tuyến trên kiểm tra, anh được làm xét nghiệm không thấy có dấu hiệu chỉ điểm ung thư.
Bác sĩ giới thiệu anh đi xét nghiệm Ether – formalin phát hiện thể bào nang của amip nên anh được điều trị dùng huốc diệt amip. Ngoài ra, hàng ngày anh Cự vẫn đang sử dụng thuốc Đông y để chữa amip.
Amip ăn thủng đại tràng.
Amip di chuyển thế nào trong cơ thể người?
Theo GS Nguyễn Văn Đề - Nguyên Chủ nhiệm Bộ mon Ký sinh trùng trường Đại học Y Hà Nội cho biết, người nhiễm amip Entanoeba histolytica chủ yếu do ăn phải bào nang amips từ thức ăn.Amips trong ruột người có thể gồm chu kỳ hoạt sinh và chu kỳ gây bệnh.
GS Đề cho biết, ở chu kỳ hoại sinh, các bào nang bị dịch tiêu hóa làm tan vỏ và 4 nhân tự phân chia cùng với nguyên sinh chất và tạo thành 8 amip nhỏ, đây là dạng amip nhiễm nhưng chưa gây bệnh. Các thể này có thể chuyển thành thể bào nang và đào thải ra ngoài môi trường theo phân.
Chu kỳ gây bệnh khi ở trong ruột amip có thể chuyển thể từ minuta thành thể hoạt động ăn hồng cầu hay còn gọi thể magna và gây bệnh. Thể ăn hồng cầu gây bệnh có khả năng gây hoại tử tạo những ổ áp xe hình cúc áo trong thành đại tràng. Tại đây amip phát triển rất mạnh và chúng có thể chuyển thành thể minuta để đào thải ra ngoài theo phân.
Các ổ áp xe bội nhiễm và tạo ra các tổn thương, tăng tiết dịch nhày, tăng co bóp, ăn mòn mạch máu và kích thích đám rối thần kinh. Kết quả, amip gây hội chứng lỵ khi đi đại tiện người bệnh thấy các hiện tượng phân nhầy kèm máu và có cơn đau thắt ruột. Sau điều trị, các ổ áp xe do amip gây ra tạo thành sẹo làm biến dạng đại tràng và gây ra bệnh đại tràng co thắt.
Ngoài ở ruột, amip còn có thể đi vào máu và di chuyển tới các cơ quan khác như gan gây áp xe gan, lên phổi gây áp xe phổi và một số trường hợp amip di chuyển lên não gây áp xe não.
Theo thống kê hiện nay, có khoảng 10% dân số thế giới bị nhiễm Amip, đặc biệt là những người sống ở Mexico, Ấn Độ, Trung Mỹ, Nam Mỹ, Châu Phi và các vùng nhiệt đới Châu Á. Nó cũng được tìm thấy trong những người đã đi du lịch đến các nước có tỷ lệ nhiễm bệnh cao hay những nam giới có sở thích quan hệ bằng cửa sau.
Khi bị amip ở ruột bệnh nhân có các triệu chứng chảy máu, bội nhiễm, biếng ăn, mất ngủ, dẫn đến sụt giảm cân, nếu amip nặng có thể gây thủng ruột.
GS Đề cho biết, có trường hợp bị amip mãn tính gây thủng ruột, lồng ruột, u hạt ở ruột. Nếu có các triệu chứng đau quặn bụng, thể trạng yếu, sờ thấy thừng ruột, soi trực tràng đại tràng thấy có các vết loét nhầy nhầy có thể là những áp xe do amip gây ra.
Còn một số trường hợp ở gan như đau vùng gan, gan to, sốt cao, siêu âm gan có ổ áp xe ở gan, có mủ màu socola ở gan.
Cách phòng bệnh tốt nhất đó là nên ăn chín, uống sôi và nên có thói quen vệ sinh tay sạch trước khi ăn để tránh nguy cơ nhiễm amip.