Thi thể chất chồng lò hỏa táng, bệnh viện cạn oxy: Ấn Độ thất thủ trước đại dịch Covid-19

Hồng Anh (biên dịch) |

VOV.VN - Ấn Độ tiếp tục lập kỷ lục toàn cầu về số ca mắc Covid-19 theo ngày; tang thương bao trùm khắp mọi nơi, trong khi hệ thống y tế của nước này đứng trước nguy cơ sụp đổ.

“Bất lực và vô vọng”

Hiện giờ, Ấn Độ đang trở thành tâm chấn của đại dịch. Số ca mắc Covid-19 trung bình tính theo ngày đã tăng hơn 20 lần trong 2 tháng qua. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ đã ghi nhận gần 333.000 ca mắc mới, tự phá vỡ kỷ lục mà nước này ghi nhận 1 ngày trước đó với 314.835 ca mắc. Đây đều là những mức tăng cao nhất thế giới trong 1 ngày kể từ khi đại dịch bùng phát.

Thi thể chất chồng lò hỏa táng, bệnh viện cạn oxy: Ấn Độ thất thủ trước đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Các nhân viên y tế khiêng xác một bệnh nhân Covid-19 từ xe cấp cứu tại Nigambodh Ghat ở Delhi, Ấn Độ. Ảnh: AFP

Số ca tử vong tại Ấn Độ cũng tăng hơn 17 lần trong 2 tháng qua. Theo các phương tiện truyền thông, bệnh nhân xếp hàng dài tại các bệnh viện, tình trạng thiếu máy thở và oxy trở nên nghiêm trọng hơn, thi thể người chết do Covid-19 chất chồng tại các lò hỏa táng.

Làn sóng Covid-19 thứ 2 đang tấn công Ấn Độ với mức độ kinh hoàng. Các bệnh viện đang cạn kiệt oxy, giường bệnh và thuốc kháng virus. Nhiều bệnh nhân phải quay trở về vì bệnh viện quá tải. Những tiếng còi xe cứu thương gầm rít suốt cả ngày trên các con đường vắng vẻ ở thủ đô New Dehli – một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Ấn Độ. Hiện New Dehli đã ban bố lệnh phong tỏa để hạn chế sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2.

Chính quyền thành phố New Dehli cho biết, 6 bệnh viện ở khu vực này đã hết oxy để cung cấp cho bệnh nhân. Trong khi các bang lân cận bảo vệ chặt chẽ nguồn cung của họ bằng nhiều biện pháp, kể cả bố trí cảnh sát vũ trang tại các cơ sở sản xuất.

“Bất lực và vô vọng”, cựu Ngoại trưởng Ấn Độ Nirupama Menon Rao đăng tải dòng Tweet cho biết. “Ấn Độ đang rơi nước mắt”.

Kiran Mazumdar Shaw, chủ tịch điều hành của công ty chăm sóc sức khỏe Biocon, viết trong một bài bình luận đăng trên tờ Economic Times rằng: “Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng một làn sóng thứ hai sẽ ập đến một cách kinh hoàng như vậy”.

Sự xuất hiện của biến thể nguy hiểm

Các chuyên gia về sức khỏe cộng đồng cho biết, thủ phạm chính khiến đợt bùng phát dịch bệnh thứ 2 nhanh chóng vượt ra ngoài tầm kiểm soát là một loại biến thể nguy hiểm của virus SARS-CoV-2. Biến thể B.1.617 chứa đột biến kép E484Q và L452R, có khả năng lây lan dễ dàng hơn và giảm hiệu quả vaccine. Theo các nhà khoa học, biến thể này cũng cho thấy dấu hiệu dễ lây nhiễm hơn so với chủng ban đầu.

Các nhà khoa học ở bang Maharashtra của Ấn Độ lần đầu tiên xác định được chủng B.1.617 tại bang này vào tháng 3/2021. Vào thời điểm đó, họ cho biết biến thể mới chiếm 15% đến 20% số ca mắc tại Maharashtra. Theo dữ liệu từ GISAID, một cơ sở dữ liệu toàn cầu thu thập bộ gen virus corona, đến tháng 4, B.1.617 đã chiếm hơn một nửa số ca mắc Covid-19 mới ở Ấn Độ.

Prabhat Jha, một nhà dịch tễ học tại Đại học Toronto cho biết: “Biến thể mới này dễ lây lan hơn, phổ biến hơn ở những người trẻ, và dường như đã khiến số ca mắc tăng vọt”.

Ngoài B.1.617, các chủng virus SARS-CoV-2 khác cũng có thể thúc đẩy sự lây lan của virus. Các nhà khoa học gần đây đã xác định được một biến thể có ba đột biến, B.1.618, ở Tây Bengal. Và một biến thể ở Bangalore là B.1.36, mang đột biến có liên quan đến việc tái nhiễm virus.

Ấn Độ đã quá chủ quan

Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, làn sóng Covid-19 mới tại Ấn Độ sẽ không trở nên quá tồi tệ nếu nước này không nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm chống dịch hoặc chậm phân phối vaccine cho người dân.

Theo CNN, giới lãnh đạo Ấn Độ đang đối mặt với sự chỉ trích gia tăng của công chúng về điều mà họ mô tả là "lơ là trong khâu chống dịch" - dù đã được giới chuyên gia cảnh báo về làn sóng lây nhiễm thứ 2 nghiêm trọng trong nhiều tháng qua. Chính phủ của Thủ tướng Modi đã ban hành lệnh phong tỏa rộng rãi trong giai đoạn đầu của đại dịch nhưng sau đó nhanh chóng nới lỏng biện pháp này do do tác động tiêu cực của nó đối với nền kinh tế. Trong thời gian gần đây, chính phủ đã bị chỉ trích vì cho phép tổ chức các lễ hội lớn của người Hindu cũng như các cuộc vận động tranh cử để chuẩn bị cho bầu cử địa phương.

Ông Ramanan Laxminarayan, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Dịch bệnh tại New Delhi cho biết: “Làn sóng thứ 2 là hệ quả của sự chủ quan, tự mãn và tụ tập đông người. Biến thể không phải là lý do duy nhất để giải thích cho điều này”.

Chưa kể, việc triển khai tiêm phòng vaccine tại Ấn Độ cũng diễn ra tương đối chậm chạp. Ấn Độ mới chỉ tiêm phòng cho hơn 8% dân số kể từ khi phát động chương trình tiêm chủng quốc gia cách đây 3 tháng. Ấn Độ đã phê duyệt vaccine Covaxin do nước này sản xuất trước khi kết thúc đợt thử nghiệm trên người. Nhà sản xuất Bharat Biotech và Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ, cho biết loại vacicne này có hiệu quả ít nhất 78% đối với bệnh nhân mắc Covid-19 từ nhẹ đến nặng.

Trong tuần này, Thủ tướng Modi kêu gọi chính quyền các bang ban hành lệnh phong tỏa như một phương sách cuối cùng. Ông yêu cầu mọi người ở trong nhà và cho biết chính phủ đang nỗ lực mở rộng nguồn cung cấp ôxy và vaccine. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng các biện pháp này đã được triển khai quá muộn./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại