Nói đến "lộn" xích chắc chắn các bạn đọc ở độ tuổi 40 trở xuống ít người biết đến. Thực ra, đó là một động tác khá phổ biến thời bao cấp nhằm "làm mới" cho sợi xích xe đạp, xe máy nhằm kéo dài thời gian sử dụng cho nó.
Chúng ta đều biết một dải xích được cấu tạo nên bởi nhiều mắt xích nối với nhau bằng các chốt xích. Mỗi mắt xích gồm có má trong và má ngoài, liên kết với nhau bởi ống lót. Bọc ngoài ống lót là con lăn. Các mắt xích nối với nhau bằng chốt xích.
Qua quá trình sử dụng, nhìn chung các bộ phận của dải xích đều bị mài mòn, trong đó con lăn và chốt xích là bị mòn nhiều nhất. Có điều, các chi tiết này bị mòn không đều: chỉ những mặt chịu lực mới bị mài mòn mà thôi!
Sự mài mòn đó dẫn đến xích bị "rão" và không thực hiện được chức năng của mình, đồng thời rất hay bị tuột. Muốn kéo dài thời gian sử dụng của dải xích bị "rão", người ta tiến hành "lộn" xích.
Để "lộn" xích người ta tháo rời tất cả chi tiết của dải xích ra, sau đó xoay bề mặt chịu lực của các chi tiết đi 180 rồi lắp lại. Nhờ động tác này, các bề mặt chịu lực của dải xích lại "gần như mới" và cho phép sử dụng lại bình thường.
Với ý nghĩa đó, có thể nói xích xe tăng cũng có thể "lộn" được một phần.
Cán bộ Phòng Kỹ thuật, Lữ đoàn Xe tăng 203 kiểm tra, hướng dẫn. Ảnh: Báo Bắc Giang.
Xích xe tăng - bộ phận chịu lực khắc nghiệt nhất
Với chức năng chịu tải trọng xe tăng, định hướng cho xe đồng thời có nhiệm vụ truyền lực của động cơ kéo xe tăng chuyển động, xích xe tăng chịu sự tác động của nhiều yếu tố, nhiều ngoại lực và có thể nói là bộ phận chịu tác động nghiệt ngã nhất.
Trước hết, đó là lực kéo của động cơ thông qua bánh chủ động truyền đến dải xích kết hợp với lực kéo bám giữa mắt xích với mặt đường làm cho xe chạy được.
Khi xe chạy, mắt xích lại chịu sự va đập liên tục với mặt đường. Bản thân nó lúc nào cũng chịu một trọng lượng lớn đè lên...
Những tác động trên kéo dài thường dẫn đến tình trạng mắt xích bị nứt, vỡ, gãy vú xích; chốt xích thì cũng bị mòn, gãy... Đối với các loại xe tăng bơi nước, do yêu cầu giảm trọng lượng nên xích thường mỏng, yếu hơn và cũng hay hư hỏng hơn.
Đặc biệt, khi hành quân trên các con đường quân sự làm gấp như đường Trường Sơn của ta trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước thì mức độ khắc nghiệt càng cao và tốc độ hư hỏng của dải xích càng nhanh.
Theo thống kê, trong cuộc hành quân vào chiến trường của Tiểu đoàn xe tăng 198 (trang bị xe tăng bơi PT-76) tháng 10 năm 1967 thì: sau khi vượt qua 931 km, Đại đội xe tăng 3 đã bị hỏng 44% số mắt xích và 80% số bánh chịu nặng. Còn Đại đội xe tăng 9 sau khi vượt qua 1350 km các con số tương ứng là 88 và 95%.
Đối với các loại xe tăng khác thì tốc độ hư hỏng không cao bằng song chất lượng dải xích vẫn luôn là một mối quan tâm thường xuyên của cán bộ, chiến sĩ.
Xe tăng PT-76 của lực lượng Tăng-Thiết giáp Việt Nam.
Cái khó ló cái khôn- Thiếu thì lộn lại xích mà dùng
Cũng như mọi loại khí tài khác, khi đã bị hư hỏng, gãy vỡ đều buộc phải thay thế nên với số lượng hư hỏng của xích và bánh chịu nặng như kể trên đã ảnh hưởng rất lớn tới khả năng chiến đấu của đơn vị.
Cụ thể như đối với Đại đội xe tăng 9, sau khi từ Bắc Sông Bạc quay ra Đường 9 để chuẩn bị đánh Làng Vây, khi đến Mường Noòng thì gần như không thể cơ động được nữa vì toàn bộ xích và bánh chịu nặng dự phòng đem theo đã sử dụng hết.
Trước tình hình đó, một mặt đơn vị điện xin cấp trên chi viện, một mặt động viên bộ đội lục tìm trong số mắt xích cũ đã thay ra chọn lấy những mắt nào còn dùng được thì thay tạm vào cho xe chạy.
Trong quá trình tìm kiếm, anh em phát hiện ra một vấn đề mang tính quy luật: đó là các mắt xích thường chỉ bị gãy một bên vú xích. Đây là chi tiết có tác dụng định vị giữa dải xích với bánh chịu nặng. Khi vú xích bị gãy, tác dụng định vị không còn, bánh chịu nặng sẽ bị trật khỏi dải xích gây ra "trật xích".
Nguyên nhân của tình trạng trên là do lòng đường lúc đó rất hẹp, chủ yếu phục vụ xe ô tô. Khi ô tô chạy nhiều hình thành hai rãnh trũng theo hai vệt bánh xe, còn hai bên mép đường cao hơn nên mặt dưới dải xích thường bị nghiêng khi tiếp xúc với mặt đường.
Vì vậy, bánh chịu nặng đè lên các vú xích phía trong mắt xích làm gãy vú xích đồng thời làm bong tróc cao su bánh chịu nặng.
Phát hiện ra nguyên nhân rồi, anh em đề xuất: có thể sử dụng lại các mắt xích đã bị gãy một bên vú xích bằng cách quay bên vú bị gãy đó ra phía ngoài. Thấy hợp lý, cán bộ kỹ thuật đồng ý cho thử nghiệm. Kết quả thử nghiệm cho thấy, đề xuất trên hoàn toàn chấp nhận được.
Và thế là một cuộc "lộn xích" xe tăng quy mô đại đội bắt đầu. Các dải xích được tháo rời ra. Những mắt xích gãy vú phía trong ở hai băng xích bên phải và bên trái được đổi vị trí cho nhau xen kẽ với những mắt xích mới vừa được cấp trên chi viện.
Sau khi kết nối lại các dải xích đều đạt yêu cầu kỹ thuật đề ra, hàng vú xích bên trong coi như mới thực hiện tốt chức năng định vị cho dải xích.
Nhờ có sáng kiến này, sức cơ động của Đại đội xe tăng 9 được hồi phục và đơn vị đã có mặt tại vị trí tập kết trước thời gian quy định, kịp thời tham gia trận đánh Làng Vây ngày 7 tháng 2 năm 1968.
Tổng kết trận đánh khiến thế giới thán phục này, có 10 lính Mỹ chết (hoặc mất tích), 14 tên còn lại thoát chết nhưng hầu hết bị thương và chỉ thoát ra được vào chiều hôm sau (07.02.1968 ) - sau khi cứ điểm bị QGP làm chủ 12 giờ đồng hồ.
Nói chung, có thể coi việc thoát chết của một số lính Mỹ trong trận đánh này là một điều hy hữu.
Chính nhờ sự kiên cố của căn hầm ngầm này mà lính Mỹ mới dám gọi pháo binh, máy bay đến đánh phá ngay trên đầu họ. Và đó chính là cơ sở cho chúng thực hiện chiến thuật "nằm im giả chết..." để rồi đào thoát khi có thời cơ.