Thay đổi "kịch bản cuối" ở Syria: Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng "đá bay" ảnh hưởng của Nga, Iran?

Quốc Vinh |

Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Syria vì mục tiêu đẩy người Kurd ra khỏi biên giới. Tuy nhiên, mục tiêu sâu xa của Tổng thống Erdogan không chỉ có vậy.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã biện minh cho cuộc tiến công vào đông bắc Syria là để ngăn chặn mối đe dọa an ninh quốc gia mang tên người Kurd.

Lý do khác được ông Erdogan nói đến là Thổ Nhĩ Kỳ muốn giải tỏa số lượng lớn người tị nạn Syria đã bỏ chạy sang nước này kể từ khi cuộc chiến ở Syria bùng nổ.

Cả hai mối quan tâm này là có thật. Thổ Nhĩ Kỳ có một nỗi ám ảnh về việc sẽ có một khu tự trị người Kurd khác ở Syria tương tự như những gì đã xảy ra ở Iraq.

Mặc dù chính phủ tự trị người Kurd ở Iraq có quan hệ tốt và liên kết kinh tế sâu rộng với Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn lo ngại xu hướng quyền tự trị của người Kurd ở khu vực tăng cao có thể giúp cho dân số người Kurd phát triển mạnh mẽ.

Ankara cũng muốn giảm số người tị nạn Syria. Sự hiện diện của họ đang gây ra những rắc rối trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cả gánh nặng về tài chính.

Tuy nhiên, các yếu tố khác, bao gồm các cân nhắc về quyền lực chính trị khu vực, lợi ích và mục tiêu lâu dài của Thổ Nhĩ Kỳ cũng là những mục tiêu quan trọng trong quyết định của Ankara khi thực hiện chiến dịch Hòa bình Mùa xuân, theo LobeLog.

Tiếp tục đối đầu với Tổng thống Bashar al-Assad

Mặc dù Tổng thống Erdogan và Tổng thống Syria Bashar al-Assad từng có mối quan hệ khá yên ả, nhưng sự bùng nổ của cuộc chiến được phương Tây hậu thuẫn đã cho Thổ Nhĩ Kỳ cơ hội hỗ trợ phiến quân lật đổ chính quyền Damascus.

Tổng thống Erdogan cũng không hài lòng với người đồng cấp Assad vì từ chối những nỗ lực làm trung gian giữa Damascus và Israel về vấn đề Cao nguyên Golan hồi năm 2008.

Nhà lãnh đạo Ankara từng hy vọng rằng thành công trong nỗ lực này sẽ khiến ông trở thành nhà hòa giải tuyệt vời ở Trung Đông - trái ngược với Iran – quốc gia bị cáo buộc là luôn gây rắc rối.

Hơn nữa, Tổng thống Erdogan đã hy vọng việc loại bỏ chính quyền hiện tại sẽ dẫn đến việc thành lập một chính quyền Sunni mới, cùng với một Chính phủ tương tự ở Ai Cập, sẽ làm tăng ảnh hưởng của Ankara trong thế giới Ả Rập.

Nhưng Chính phủ của nhà lãnh đạo Mohamed Morsi ở Ai Cập đã không tồn tại được lâu. Tổng thống Assad với sự giúp đỡ từ Iran và đặc biệt là Nga cũng đang từng bước gây dựng lại quyền lực của mình, tạo ra một cái gai trong mắt Ankara.

Trong những năm đầu của cuộc chiến, Thổ Nhĩ Kỳ từng rất muốn loại bỏ chính quyền Assad đến nỗi còn cho phép các chiến binh IS trú ẩn và điều trị y tế ở nước này.

Cần phải lưu ý, IS lần đầu tiên xuất hiện ở Iraq và sau đó ở Syria từng được nhiều thế lực khu vực và quốc tế coi như một công cụ hữu ích để thách thức ảnh hưởng của Iran ở Iraq và Syria.

Chỉ sau khi IS bắt đầu thực hiện hành vi tàn ác chống lại dân thường, thái độ đối với nhóm này của các quốc gia mới thay đổi. Sau đó, Ankara cũng thay đổi lập trường của mình và tuyên bố chiến đấu với nhóm khủng bố tàn ác.

Do đó, lý do chính cho cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria là để báo hiệu cho Damascus rằng Ankara sẽ không ngồi yên nếu tình hình ở Syria phát triển theo những cách có thể gây bất lợi cho lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ.

Yếu tố này trở nên cấp thiết hơn khi rõ ràng Mỹ đang bắt đầu giảm đáng kể sự hiện diện của mình ở Syria và thậm chí có thể chuyển tất cả quân đội ra khỏi đất nước Trung Đông.

Trong trường hợp không có Mỹ, Ankara cảm thấy họ không thể cho phép Chính phủ Syria, được hậu thuẫn bởi Nga và điều tồi tệ hơn nữa là Iran được phép lấp đầy khoảng trống.

Nói tóm lại, một lý do chính cho sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ là mong muốn của nước này trong việc có tiếng nói ở cái kết cuối cùng của Syria.

Iran, Nga và các yếu tố Ả Rập

Thay đổi kịch bản cuối ở Syria: Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng đá bay ảnh hưởng của Nga, Iran? - Ảnh 3.

Mọi thế lực trong khu vực đều là cái gai trong mắt Thổ Nhĩ Kỳ.

Mặc dù có những dấu hiệu về tình bạn và sự hợp tác bên ngoài, Tổng thống Erdogan không có tình cảm thân mật đối với Iran. Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ coi Iran là đối thủ duy nhất của mình về ảnh hưởng ở Trung Đông, hay xa hơn là ở vùng Kavkaz và Trung Á.

Do đó, ý tưởng cho rằng Iran có thể củng cố ảnh hưởng ở Damascus sau việc quân đội Mỹ giảm sự hiện diện tại đây không thể chấp nhận được đối với Ankara.

Ít nhất, Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy rằng họ phải thiết lập sự hiện diện vững chắc ở Syria để cân bằng ảnh hưởng của Tehran.

Điều tương tự cũng có thể nhìn thấy đối với Nga. Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Nga ở nhiều khía cạnh cũng vậy, nếu không xung đột thì ít nhất là cạnh tranh. Do đó, Ankara cảm thấy rằng họ không thể để Syria hoàn toàn nằm trong tay Nga.

Hơn nữa, Ankara sẽ không vui nếu Syria tái hòa nhập vào thế giới Ả Rập. Quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với các quốc gia Ả Rập chủ chốt như Saudi Arabia, Ai Cập và UAE rất căng thẳng.

Khá rõ ràng, Ankara sẽ không muốn đối mặt với một mặt trận Ả Rập ngày càng vững chắc hơn bằng việc có sự tái hòa hợp của Syria.

Tham vọng Thổ Nhĩ Kỳ

Cách tiếp cận của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Syria và nhiều vấn đề khác ở Trung Đông không chỉ đơn giản như những gì chính quyền của Tổng thống Erdogan thể hiện.

Ông Erdogan coi các lãnh thổ của Đế chế Ottoman cũ là phạm vi ảnh hưởng tự nhiên của Thổ Nhĩ Kỳ. Các vùng lãnh thổ này trải dài từ Balkan đến Bắc Phi, cùng tất cả các khu vực mà Thổ Nhĩ Kỳ có liên quan.

Hơn nữa, ông tin vào sứ mệnh lịch sử của mình để khôi phục lại vinh quang của đế chế Ottoman cũ, trong đó cách gián tiếp hơn là thông qua việc mở rộng ảnh hưởng.

Nói tóm lại, hành động của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria nên được coi là những bước đầu tiên trong việc mở ra một kỷ nguyên mới của cạnh tranh khu vực và thậm chí có thể là xung đột.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại