Thanh niên 22 tuổi mắc ung thư dạ dày giai đoạn muộn: BS nói làm 3 việc này chẳng trách nguy cơ tăng cao

Mộc Miên |

Nam thanh niên có tên Lưu Danh (22 tuổi, Trung Quốc) được chẩn đoán mắc bệnh ung thư dạ dày giai đoạn muộn, khối u đã di căn ở vùng bụng.

22 tuổi đã mắc ung thư dạ dày giai đoạn muộn

Bệnh nhân Lưu Danh sống cùng cha mẹ ở Kha Kiều, Thiệu Hưng, Chiết Giang, Trung Quốc. Anh Lưu chia sẻ, cách đây 1 tháng, cơ thể anh bắt đầu xuất hiện tình trạng đau bụng dữ dội, chán ăn. Cơn đau xuất hiện sau khi anh Lưu ăn uống.

Bệnh nhân Lưu chia sẻ khi xuất hiện tình trạng đau bụng, anh cũng từng đến khám tại cơ sở y tế ở địa phương. Kết quả khám tại cơ sở y tế cho thấy bệnh nhân bị đau bụng do nhiễm trùng và được chỉ định điều trị chống viêm. Tuy nhiên, tình trạng của bệnh nhân không hề thuyên giảm và ngày càng tiến triển nặng.

Thanh niên 22 tuổi mắc ung thư dạ dày giai đoạn muộn: BS nói làm 3 việc này chẳng trách nguy cơ tăng cao- Ảnh 1.

Bác sĩ Chung Cầm Quyên, phó trưởng khoa Tiêu hóa tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung Quốc ở quận Kha Kiều, Trung Quốc.

Thấy tình trạng của con trai tiến triển nặng nên cha mẹ đã cùng Lưu Danh đến khám ở Khoa Tiêu hóa của Bệnh viện Y học cổ truyền Trung Quốc ở quận Kha Kiều.

Bác sĩ Chung Cầm Quyên, phó trưởng khoa Tiêu hóa tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung Quốc ở quận Kha Kiều đã chỉ định bệnh nhân siêu âm và chụp CT ổ bụng. Kết quả cho thấy bệnh nhân có dịch tích tụ trong ổ bụng.

Bác sĩ Cầm Quyên cho biết: “Dựa theo tình trạng của Lưu Danh và kết quả kiểm tra, nguyên nhân không đơn thuần chỉ là do nhiễm trùng”.

Bác sĩ Cầm Quyên đã thực hiện chọc hút dịch màng bụng cho bệnh nhân để tìm nguyên nhân gây bệnh. Kết quả xét nghiệm dịch màng bụng cho thấy trong cơ thể bệnh nhân có khối u.

Bác sĩ Cầm Quyên đã hội chẩn cùng với bác sĩ Trần Cương, trưởng khoa Tiêu hóa của Bệnh viện Y học cổ truyền Trung Quốc ở Kha Kiều để xác định vị trí khối u.

Bác sĩ Trần Cương đã chỉ định bệnh nhân thực hiện nội soi. Kết quả nội soi phát hiện toàn bộ thành dạ dày của bệnh nhân cứng, nhu động kém, các nếp gấp của niêm mạc dạ dày dày, không giãn ra sau khi bơm hơi, khoang dạ dày hẹp, có vết loét lõm sâu khoảng 1-1,2cm.

Bác sĩ Trần Cương cho biết: “Bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày giai đoạn muộn, có di căn vùng bụng. Đây cũng là lý do khiến bệnh nhân bị đau bụng ngay cả khi ăn nhẹ và uống nước”.

Thanh niên 22 tuổi mắc ung thư dạ dày giai đoạn muộn: BS nói làm 3 việc này chẳng trách nguy cơ tăng cao- Ảnh 2.

Đau bụng có thể là một trong những dấu hiệu cảnh báo ung thư dạ dày. (Ảnh minh họa)

Bác sĩ Cầm Quyên giải thích: “Ung thư dạ dày là tình trạng tăng sinh mất kiểm soát của các tế bào biểu mô tuyến ở dạ dày, từ đó hình thành khối u ở dạ dày. Khối u có thể xâm lấn các cấu trúc xung quanh, thậm chí di căn sang các cơ quan khác của cơ thể”.

“Ở giai đoạn đầu, hầu hết bệnh nhân không có triệu chứng rõ ràng hoặc chỉ xuất hiện các triệu chứng tương tự như bệnh lý dạ dày thông thường chẳng hạn như chán ăn, đầy bụng dù chỉ ăn 1 lượng nhỏ thức ăn. Điều này khiến nhiều bệnh nhân lơ là, không đi khám, từ đó bỏ lỡ ‘thời gian vàng’ để điều trị bệnh”, bác sĩ Cầm Quyên chia sẻ.

Bác sĩ Cầm Quyên cho biết, hầu hết các trường hợp tới khám đều đã mắc ung thư ở giai đoạn muộn, khiến việc điều trị khó khăn hơn.

Yếu tố nguy cơ khiến bệnh nhân mắc ung thư dạ dày

Khi thăm khám kỹ hơn, bác sĩ nhận thấy gia đình bệnh nhân không có tiền sử mắc ung thư dạ dày. Tuy nhiên, bệnh nhân có thói quen sinh hoạt và ăn uống kém lành mạnh. Bệnh nhân thường xuyên ăn đồ chế biến sẵn chứa nhiều muối, ăn đồ cay nóng. Ngoài ra, bệnh nhân cũng sử dụng nước ngọt có ga hàng ngày. Về lối sống, bệnh nhân thường xuyên thức khuya, ngủ rất muộn.

Bác sĩ Cầm Quyên cho biết: “Các thói quen kém lành mạnh này góp phần làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày ở bệnh nhân”.

Thanh niên 22 tuổi mắc ung thư dạ dày giai đoạn muộn: BS nói làm 3 việc này chẳng trách nguy cơ tăng cao- Ảnh 3.

Thói quen ăn uống kém lành mạnh có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày. (Ảnh minh họa)


Phòng ngừa ung thư dạ dày

Chuyên gia Cầm Quyên khuyến cáo, để phòng ngừa ung thư dạ dày, mọi người nên:

- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Tăng cường ăn nhiều rau, củ, trái cây, hạn chế ăn đồ cay nóng, đồ chế biến sẵn chứa nhiều muối vì dễ gây kích ứng niêm mạc thực quản, dạ dày;

- Duy trì thói quen làm việc và nghỉ ngơi đều đặn: Mọi người nên duy trì thói quen tốt như ngủ đủ giấc, hạn chế thức khuya và tránh căng thẳng quá mức.

- Kiểm tra sức khỏe định kỳ và đi khám khi có các dấu hiệu bất thường: Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp mọi người phát hiện sớm các bất thường trong cơ thể. Ngoài ra, khi cơ thể có các dấu hiệu bất thường kéo dài chẳng hạn như: đau bụng dữ dội, ợ hơi, tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa, nôn ra máu, chán ăn, sụt cân, chướng bụng,... mọi người nên đi khám để tầm soát, phát hiện và điều trị bệnh kịp thời (nếu có).

Thanh niên 22 tuổi mắc ung thư dạ dày giai đoạn muộn: BS nói làm 3 việc này chẳng trách nguy cơ tăng cao- Ảnh 4.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại