Thời gian gần đây, trên mạng xã hội liên tục xuất hiện các video quảng cáo về thực phẩm hoặc tư vấn cách sử dụng thực phẩm, ăn uống để chữa bệnh. Diễn giả tự xưng mình là các "giáo sư", "bác sĩ" đã hoặc đang công tác tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội và TP HCM.
Tự phong "giáo sư", "bác sĩ"
Khi cơ quan chức năng vào cuộc thì phát hiện đây đều là các bác sĩ, dược sĩ mạo danh, ngang nhiên "diễn thuyết" để lôi kéo người dân nhằm thực hiện hành vi lừa đảo, trục lợi với thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Cách đây ít ngày, Công an tỉnh Bắc Giang đã tạm giữ cặp vợ chồng giả danh y - bác sĩ tư vấn, thổi giá thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh với hơn 80.000 đơn hàng khắp cả nước, thu lời 75 tỉ đồng. Nhóm này lợi dụng danh tiếng, tên tuổi của các y - bác sĩ giỏi, nổi tiếng công tác tại các bệnh viện, trung tâm y tế lớn để lừa đảo; quảng cáo, tư vấn không đúng sự thật về tình trạng bệnh tật của bệnh nhân để bán thuốc, thực phẩm chức năng với giá cao. Giá ban đầu của các loại thuốc, thực phẩm chức năng này chỉ từ 30.000 - 40.000 đồng/hộp song các đối tượng "thổi" lên gấp cả trăm lần với giá bán từ 1-3 triệu đồng/hộp.
Tại TP HCM mới đây, nổi đình nổi đám nhất là vụ "giáo sư - bác sĩ Hà Duy Thọ" trên Facebook bị cơ quan chức năng phạt cả trăm triệu đồng. Trước khi bị xử phạt, Thanh tra Sở Y tế TP HCM phối hợp với công an kiểm tra đột xuất nhà riêng của người này ở quận Phú Nhuận và lập biên bản vi phạm. Các hành vi được xác lập như sau: Cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động liên quan; khám chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ… Ngoài xử phạt, nơi này còn bị đình chỉ hoạt động khám chữa bệnh, buộc tháo dỡ, xóa các quảng cáo sai phạm và tịch thu tang vật vi phạm...
Theo ghi nhận của chúng tôi, ngày càng có nhiều "thần y" xuất hiện trên TikTok, Facebook để quảng cáo những bài thuốc hay, những cách trị bách bệnh, từ đái tháo đường, dạ dày, xương khớp, cao huyết áp cho đến đột quỵ, ung thư… Không chỉ nhằm "câu view", những "thần y" mạo danh còn là kênh phân phối các sản phẩm thực phẩm chức năng, bài thuốc đông y trôi nổi… khiến không ít người đã phải chịu cảnh "tiền mất, tật mang".
Trả giá vì "câu view"
Trước đó, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) cũng phát đi cảnh báo về đoạn clip được lan truyền nhanh chóng trên TikTok và Facebook. Trong đoạn clip này, một người đàn ông lớn tuổi mạo danh có gần 40 năm công tác tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và trước khi nghỉ hưu đã mắc các bệnh: Tăng huyết áp, đái tháo đường, thoái hóa cột sống, rối loạn thần kinh trung ương.
Người này chia sẻ rằng khi được tiếp cận với cuốn sách "Minh triết trong ăn uống của người phương Đông" và đã thực hành 4 tháng ăn chay, kết quả mọi bệnh đã hết. Ngoài việc chia sẻ về liệu pháp ăn chay chữa lành tự nhiên, clip này còn dẫn dắt người dân mua thực phẩm chức năng. Điều đó đã khiến nhiều người làm theo và gánh hậu quả.
Một trường hợp khác, một nữ bệnh nhân 40 tuổi, ở Hà Nội mắc ung thư vú nhưng không tuân thủ việc điều trị theo bác sĩ mà nghe hướng dẫn của "thần y" TikTok. Hậu quả là người này phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nghiêm trọng.
Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế từng không ít lần phát đi cảnh báo việc trên mạng xã hội xuất hiện một số clip có hình ảnh nhân vật tự xưng là nhân viên y tế các bệnh viện lớn để tư vấn bệnh, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm pháp luật.
Theo bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, theo quy định của Bộ Y tế, các bác sĩ, lương y, nhân viên y tế không được phép bán thuốc trên mạng xã hội. Việc doanh nghiệp sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm đều là vi phạm quy định.
"Chúng tôi cũng liên tục khuyến cáo người tiêu dùng cần cảnh giác với các clip giới thiệu là bác sĩ, lương y, tư vấn bệnh, dùng sản phẩm chữa bệnh. Việc tin theo các nội dung quảng cáo sai sự thật khiến người bệnh không đến ngay các cơ sở y tế để được khám chữa bệnh kịp thời sẽ bỏ qua giai đoạn điều trị khỏi bệnh, không những tổn thất về kinh tế mà còn tổn hại tới sức khỏe. Bộ Y tế đang tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm, có dấu hiệu lừa đảo người dân" - bà Nga nhấn mạnh.
Pháp luật quy định rất nghiêm
Theo luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP HCM), quảng cáo trên mạng xã hội để chữa bệnh nhưng không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và không có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là hành vi trái pháp luật. Nghị định 181/2013/NĐ-CP có nêu: Nội dung quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải phù hợp với giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh...
Trong khi đó, Nghị định 117/2020/NĐ-CP còn có quy định: Người thực hiện hành vi bán thuốc chưa có giấy phép nhập khẩu hoặc chưa có giấy đăng ký lưu hành còn buộc phải tiêu hủy toàn bộ số thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tùy thuộc vào mức độ và tính chất mà mức phạt tù có thể từ 2 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình...
Hải Yến