Thai phụ bức xúc vì triệt sản mà vẫn có thai
Chị S (40 tuổi, ngụ phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, chị sinh con thứ 3 vào tháng 2/2016 tại khoa Sản, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và trong khi sinh vợ chồng chị xin triệt sản luôn vì lý do sức khoẻ và tuổi cao.
Sau đó, chị được bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Dư Dậu tư vấn nên mổ và triệt sản để tránh có thai ngoài ý muốn. Trước ca mổ đẻ, chồng chị đã ký giấy yêu cầu được triệt sản. Bác sĩ Dậu cũng là người thực hiện ca mổ đẻ kết hợp triệt sản cho chị S.
Khi ra viện, chị S cho biết, trong hồ sơ ra viện của chị chỉ nói cụ thể ca mổ là VOS và VMC cùng với cách thức mổ như thế nào, chứ tuyệt nhiên không thấy nhắc tới triệt sản.
Chị S cẩn thận gọi điện cho y tá của ca mổ đó xác nhận lại chị đã triệt sản chưa, y tá quả quyết rằng bác sĩ nói đã triệt sản luôn nên vợ chồng chị yên tâm với biện pháp tránh thai này.
Ảnh hồ sơ của chị S.
Sau đó, chu kỳ kinh nguyệt của chị S hàng tháng khá đều nên khi bị chậm vài ngày chị chỉ nghĩ chắc nhiều tuổi nên rối loạn kinh nguyệt. Tuy nhiên, chị S có linh tính các triệu chứng giống mang thai, chị S mua que thử thai về tự thử thì thấy 2 vạch. Để chính xác hơn, hai vợ chồng chị đến phòng khám kiểm tra lại, bác sĩ siêu âm phát hiện thai đã 7 tuần 3 ngày có tim thai.
Chị S có liên hệ với bác sĩ Dậu để nhờ tư vấn và trong tâm lý có phần hơi lo lắng, chị hỏi lại bác sĩ: "Có thực là bác sĩ đã thắt triệt sản cho em chưa? Sao trong hồ sơ không thấy ghi đã triệt sản?".
Theo như chị S kể lại, BS Dậu có trả lời chị S rằng đã làm rồi, còn không ghi vào hồ sơ là người ta không ghi. Bác sĩ Dậu còn nói rằng, nếu muốn xác nhận lại xem có đúng không thì đến bệnh viện mổ bụng ra để kiểm tra. Thậm chí, khi chị hỏi về trường hợp của mình giờ phải như thế nào thì bác sĩ ngắt máy luôn khi đang nói chuyện.
Sau đó, chị S tìm đến phòng khám của bác sĩ Dậu ở Phương Mai để tư vấn trường hợp của chị có nên để sinh tiếp không vì chị đã nhiều tuổi và từng mổ đẻ hai lần, nhưng bác sĩ Dậu không nhận khám.
Sau đó, chị S tự vào bệnh viện xin xem lại hồ sơ của mình, trong hồ sơ của chị được lưu tại viện không có từ nào là triệt sản mà chỉ là mổ lấy thai trên vết mổ cũ, vỡ ối sớm.
Chị S đã gửi kết quả này tới bác sĩ Dậu nhưng vẫn không nhận được hồi âm. Chị S bức xúc cho biết: "Tôi không cần bác sĩ phải bồi thường vì tôi nghĩ có thể do mình rơi vào trường hợp 1/1000 kia, rủi ro thì mình chịu nhưng bác sĩ phải có trách nhiệm giải thích để bệnh nhân hiểu chứ không phải phủi ngang trách nhiệm như thế".
Hiện tại, chị S cho biết chị vừa phải đình chỉ thai nghén vì tình trạng sức khoẻ rất kém. Nghiêm trọng hơn, chị bị ám ảnh vì phải bỏ đi đứa con đã hình thành tim thai của mình.
Theo nguồn tin, Bệnh viện Bạch Mai đang xác minh thông tin và yêu cầu bác sĩ Dậu giải trình về trường hợp này. Đại diện bệnh viện cho biết, khi có thông tin chính thức BV sẽ trả lời bệnh nhân và báo chí để rõ ràng hơn.
Còn về phía bác sĩ Dậu, trả lời báo chí bác sĩ Dậu cho biết: "Tôi không nhớ sự việc cụ thể, không biết mình có triệt sản được hay không và có thông báo với bệnh nhân hay không".
Có khả năng chưa triệt sản
Khi được hỏi về trường hợp này, bác sĩ sản khoa đang công tác tại TP.HCM cho biết, khi BS xem qua hồ sơ của sản phụ S và theo kinh nghiệm của chính mình, bác sĩ T nghi rằng trường hợp của chị S có khả năng chưa được triệt sản.
Vì nếu triệt sản thì hồ sơ phải ghi rõ ràng chứ không thể quên. Một số ít ca bị dính quá nhiều do sẹo cũ, không triệt sản được bác sĩ sẽ thông báo cho sản phụ sau ca mổ.
(Ảnh minh họa)
Phương pháp triệt sản được áp dụng cho những người đã có đủ con, nhất quyết không muốn có thêm con nữa; hoặc người phụ nữ đã nhiều lần sinh mổ mang thai nữa sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Bác sĩ T cho biết, triệt sản chỉ được tiến hành khi hai vợ chồng đã ký giấy cam kết xin triệt sản theo yêu cầu.
Theo bác sĩ T, một số trường hợp bệnh nhân không muốn triệt sản, tuy nhiên bác sĩ nhận thấy bệnh nhân có thể bị nguy hiểm tính mạng nếu có thai lại, bác sĩ sẽ tư vấn bệnh nhân triệt sản. Chẳng hạn như các trường hợp bệnh nhân mổ nhiều lần, vết mổ cổ tử cung quá mỏng có nguy cơ vỡ cổ tử cung nếu có thai lại và bệnh nhân không thể áp dụng các biện pháp tránh thai khác.
Ngoài ra, những bệnh nhân bị tâm thần, không làm chủ được mình, không có khả năng làm cha mẹ, khi được người giám hộ yêu cầu thì bác sĩ sẽ thực hiện triệt sản.
Khi triệt sản, bác sĩ sẽ cột và cắt một phần ống dẫn trứng; đốt điện ống dẫn trứng; dùng kẹp bằng kim loại để kẹp ống dẫn trứng...
Trong đó, cột - cắt ống dẫn trứng là kỹ thuật được áp dụng rộng rãi nhất hiện nay. Các bác sĩ sẽ làm một tiểu phẫu để kéo vòi trứng lên, cột lại thành dạng cái quai dài độ 1,5 - 2 cm, rồi buộc gốc của quai lại bằng chỉ, và cắt bỏ quai ngay gần sát chỗ cột.
Thao tác này khi mổ đẻ bác sĩ chỉ mất khoảng 5 – 10 phút là xong và bệnh nhân không mất máu thêm. Một số trường hợp dính quá nhiều vết mổ cũ thì không triệt sản được. Tuy nhiên, các bác sĩ cũng cho biết, khi triệt sản rồi vẫn có nguy cơ mang thai bởi vì không biện pháp tránh thai nào là an toàn 100%.