Nhu cầu tất yếu: Bắt kịp xu hướng thế giới
Trong môi trường chiến tranh hiện đại, muốn đánh thắng và thằng giòn giã thì yếu tố bí mật bất ngờ hết sức quan trọng, đó là chiến thuật mà Việt Nam thường áp dụng trong tác chiến phi đối xứng.
Muốn vậy, ta phải có trong tay loại hỏa lực phù hợp, có sức cơ động nhanh, thời gian triển khai thu hồi ngắn để vừa phòng tránh bảo toàn lực lượng, vừa đánh trả, giáng cho kẻ địch những sấm sét.
Đặc biệt, môi trường tác chiến phòng không tương lai, bên cạnh máy bay chiến đấu bay thấp, đột kích bất ngờ thì tên lửa hành trình, máy bay không người lái vũ trang (UACV) đã và sẽ lên ngôi là mối đe dọa chủ yếu đối với bất cứ lực lượng nào, trong đó có Quân đội Việt Nam. Do vậy, chúng ta cần sớm sở hữu những vũ khí đặc trị.
Từ vụ tên lửa hành trình và máy bay không người lái tập kích các cơ sở lọc hóa dầu trọng yếu của Saudi Arabia như chỗ không người, gây thiệt hại nặng nề cho thấy, nếu thiếu lưới lửa phòng không tầm thấp canh giữ yếu địa thì sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ đánh chặn các mục tiêu hết sức khó chịu này bởi các tổ hợp phòng thủ tên lửa hiện đại như Patriot cũng đã bó tay.
Khả năng của Việt Nam còn hạn chế, chưa thể nghiên cứu hoặc mua sắm ồ ạt các tổ hợp phòng không tầm thấp hiện đại như Pantsir-S1 hay Tor-M2 của Nga - những loại vũ khí đặc trị với tên lửa hành trình và UAV bay cực thấp, vì thế, "cách nghĩ, cách làm" của Việt Nam có nhiều khác biệt, nhưng hiệu quả rất đáng ghi nhận.
Việc đưa vào thử nghiệm tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp "Made in Vietnam" mới đây đã khiến giới yêu quân sự trong nước ngạc nhiên thích thú, còn truyền thông quốc tế, đặc biệt là truyền thông Nga cũng phải dành sự quan tâm đặc biệt.
Mới đây, trang tin quân sự Topwar.ru của Nga đã có một bài bình luận về tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp "Made in Vietnam" này và nhận định đây là thành công mới của CNQP Việt Nam. Sau khi thử nghiệm thành công, các đơn vị sẽ sớm được tiếp nhận một trong những loại vũ khí đặc trị các mục tiêu bay thấp.
Tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp "Made in Vietnam". Ảnh: Topwar.ru.
Tên lửa phòng không "Made in Vietnam": Đầy uy lực
Cách đây không lâu, Truyền hình QPVN đã có phóng sự giới thiệu khá chi tiết về tổ hợp phòng không mới này của CNQP Việt Nam. Đây là một trong những thành tựu mới nhất và đáng tự hào.
Chúng ta đã ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ mới để chế tạo thành công tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp A-72 (Strela-2M), cơ động nhanh có khả năng tác chiến bất kể ngày hay đêm, đáp ứng yêu cầu của tác chiến hiện đại, góp phần bẻ gãy các cuộc tấn công của đối phương.
Theo đó, tổ hợp gồm 4 quả tên lửa vác vai A-72 đặt trên 1 bệ phóng tích hợp với hệ thống quan sát quang điển tử và hệ thống điều khiển trung tâm, giúp trắc thủ điều khiển hoàn toàn làm chủ được mọi hoạt động tác chiến.
Đài quan sát gồm camera ảnh nhiệt hồng ngoại, camera ánh sáng ngày cùng với thiết bị đo xa lade tích hợp thêm hệ thống ổn định đường ngắm giúp cho hệ thống có thể tác chiến được trong quá trình cơ động và hành quân trong tương lai, đảm bảo quan sát, bắt bám và phóng đạn diệt mục tiêu trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày hay đêm.
Tên lửa và khí tài quang điện tử đáp ứng các yêu cầu về tự động hóa và công tác chuẩn bị tên lửa và đảm bảo hiệu suất hỏa lực cao hợp nhất thông tin mục tiêu từ đầu tự dẫn tên lửa và khí tài quang điện tử đáp ứng yêu cầu bám sát và chọn thời cơ bắn mục tiêu kích thước nhỏ bay thấp bám địa hình một cách chính xác.
Tên lửa phòng không "Made in Vietnam". Ảnh: QPVN
Về tính năng của tên lửa vác vai A-72 không có gì thay đổi so với thiết kế nguyên bản, vẫn có thể vác vai phóng bình thường, tuy nhiên khi đưa ra xe thì chỉ cần thay đổi phần chuẩn bị phóng. Có thể phóng được liên tiếp 4 quả với giãn cách phóng là nhỏ hơn 15 giây, tăng khả năng chống tập kích đường không ồ ạt.
Khi điều kiện cho phép, chúng ta hoàn toàn có thể tích hợp các loại tên lửa hiện đại hơn như Igla-S để nâng cao hơn nữa uy lực chiến đấu của tổ hợp này.
Do đây là tổ hợp phòng không cơ động nên chúng có khả năng tác chiến độc lập rất cao vì hệ thống có công chờ để liên tục đón nhận thông tin từ các phương tiện trinh sát khác về tình huống trên không. Với thành công này sẽ tạo tiền đề cho việc phát triển các hệ thống phòng không cơ động "Made in Vietnam" hiện đại hơn sau này.
Tuy nhiên để đạt được độ tinh xảo, chính xác và hiệu suất như tổ hợp Pantsir-S1 do Nga chế tạo thì các nhà khoa học Việt Nam sẽ còn phải phấn đấu nỗ lực và cần thêm thời gian nữa. Tuy nhiên, nếu không bắt đầu từ ngay ngày hôm nay thì chúng ta sẽ mãi đi sau so với thế giới.
Vì thế, chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào với sản phẩm tên lửa phòng không tầm thấp "Made in Vietnam" này.