Tấm nhìn chiến lược
Được biết, theo Cơ sở dữ liệu Chuyển giao vũ khí quốc tế của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), 3 loại chiến đấu cơ xương sống của Không quân Việt Nam kể lần lượt được chuyển giao và đưa vào sử dụng trong biên chế như sau:
- Tiêm kích bom Su-22: bắt đầu được Liên Xô chuyển giao từ đầu những năm 1980. Ban đầu là các máy bay tiêm kích bom phiên bản Su-22M, kèm một số máy bay huấn luyện 2 chỗ ngồi Su-22UM và máy bay trinh sát Su-22M3R.
Cuối những năm 1980, có thêm một số máy bay Su-22M4 được Liên Xô chuyển giao và giữa những năm 2000, tiếp tục có hơn 10 chiếc Su-22M4 và Su-22UM3K đã qua sử dụng từ CH Séc và Ukraine được chuyển giao sau khi nâng cấp ở Ukraine. Như vậy, hầu hết các máy bay Su-22 này đều đã ở cuối vòng đời.
- Tiêm kích Su-27SK/UBK: bắt đầu được Nga chuyển giao từ năm 1995, đến nay cũng đã có gần 25 năm tuổi.
- Tiêm kích Su-30MK2: bắt đầu được Nga chuyển giao từ năm 2004.
Hai dòng máy bay chiến đấu chủ lực của Không quân Việt Nam là tiêm kích bom Su-22 và tiêm kích Su-27 đều đã qua nhiều năm sử dụng, dự trữ giờ bay không còn nhiều, bắt buộc phải đưa vào sửa chữa lớn, tăng tổng niên hạn sử dụng để tiếp tục sứ mệnh bảo vệ vùng trời Tổ quốc.
Tiêm kích bom Su-22M4 của Không quân Việt Nam. Ảnh: Báo PK-KQ
Bên cạnh đó tiêm kích Su-30MK2 dù còn tương đối mới, nhưng cũng đã bắt đầu phải sửa chữa cục bộ và tiến tới sửa chữa lớn.
Nếu phải đưa ra nước ngoài sửa chữa thì sẽ rất tốn kém. Nhưng kinh phí là một chuyện, chính thời gian kéo dài mới là yếu tố đáng để cân nhắc, bởi lẽ điều đó ảnh hưởng lớn tới việc huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị không quân.
Vì thế, với tầm nhìn chiến lược, ngay từ đầu những năm 2010, Dự án tự sửa chữa lớn và tăng tổng niên hạn tiêm kích Su-27 và sửa chữa cục bộ tiêm kích Su-30MK2 đã được Bộ Quốc phòng ưu tiên đầu tư, Quân chủng Phòng không - Không quân với chủ công là Nhà máy A32 là đầu mối thực hiện nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này.
Đến nay, Dự án được triển khai thành công và Nhà máy A32 tự hào thực hiện tốt nhiệm vụ sửa chữa lớn, tăng tổng niên hạn cho các loại máy bay chiến đấu phản lực Su-22M3/UM3K, Su-27SK/UBK và sửa chữa cục bộ tiêm kích Su-30MK2.
Tiêm kích Su-27SK số hiệu 6001 do Nhà máy A32 hoàn thành sửa chữa lớn, tăng tổng niên hạn sử dụng. Ảnh: Báo PK-KQ.
Tự bay trên đôi cánh của mình
Việc Dự án sửa chữa lớn và tăng tổng niên hạn sử dụng của tiêm kích Su-27 và sửa chữa cục bộ tiêm kích Su-30MK2 mà Nhà máy A32 thực hiện thành công là một bước tiến lớn trong việc tự chủ sửa chữa các loại máy bay tiêm kích hiện đại của Không quân Việt Nam.
Từ những cán bộ nòng cốt học tập ở nước ngoài, cùng sự tư vấn giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài, hiện nay A32 đã có trong tay một đội ngũ kỹ thuật viên và công nhân có trình độ cao, lành nghề, đáp ứng được mọi yêu cầu nhiệm vụ.
Bên cạnh nguồn lực con người, cơ sở vật chất và trang thiết bị cũng được đầu tư với quy mô lớn, xứng tầm với một cơ sở trung tu, đại tu sửa chữa lớn máy bay chiến đấu phản lực của toàn quân và sửa chữa xe đặc chủng cho khu vực miền Trung.
Tiêm kích Su-27SK số hiệu 6001 do Nhà máy A32 hoàn thành sửa chữa lớn, tăng tổng niên hạn sử dụng. Ảnh: QĐND.
Những kết quả rõ nhất sau khi kết thúc giai đoạn 2 của Dự án cho thấy:
Tháng 5-2016, chiếc máy bay Su-27 số hiệu 8526 đã được sửa chữa, tăng niên hạn và bàn giao cho Sư đoàn 372, qua sử dụng với hàng trăm giờ bay, tham gia thực hành bắn, ném trong diễn tập đảm bảo độ chính xác và không phát sinh hỏng hóc.
Tiếp đó, tháng 11-2017, chiếc Su-30MK2 số hiệu 8534 được Nhà máy tăng niên hạn sử dụng lên 1300 giờ/15 năm sử dụng và đã bàn giao cho Sư đoàn 370.
Nhà máy đã làm chủ được các công nghệ; sửa chữa tổng thể máy bay Su-27, gần 900 phụ tùng, thiết bị lẻ của máy bay Su-27, Su-30; hiện tại, Nhà máy đang tiếp tục sửa chữa máy bay Su-27, Su-30 để bàn giao cho đơn vị đưa vào huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.
Nhà xưởng hết sức hiện đại của A32.
Theo Đại tá Trương Minh Đức - Giám đốc Nhà máy A32, không chỉ trình độ của đội ngũ kỹ sư, công nhân ngày càng được nâng lên, mà đơn vị còn làm chủ được dây chuyền công nghệ sửa chữa các loại máy bay hiện đại và các máy móc đảm bảo.
Đồng thời, A32 giảm được sự phụ thuộc vào nước ngoài và là cơ sở để có thể mở rộng quy mô đầu tư, nâng cấp thực hiện những dự án mang tầm cỡ khu vực.
Thời gian qua, Nhà máy A32 đã sửa chữa thành công nhiều thiết bị công nghệ cao trên máy bay Su-27, Su-30, tên lửa S-300, tàu ngầm, radar… Đây là những thiết bị điện tử công nghệ mới đòi hỏi phải có trình độ tay nghề cao, linh kiện thay thế mới, phương tiện sửa chữa hiện đại.
Với trình độ và khả năng hiện có, lãnh đạo, Ban giám đốc Nhà máy A32 đã đề xuất với cấp trên 2 dự án: "Sửa chữa lớn, tăng tổng niên hạn sử dụng máy bay Su-27 và Su-30 giai đoạn 3" và "Trung tâm kỹ thuật điện tử công nghệ cao".
Đây là các dự án lớn, đòi hỏi kinh phí lớn và mang tính chiến lược lâu dài nên cần có sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, Quân đội và sự nỗ lực lớn của cán bộ, công nhân Nhà máy trong thời gian tiếp theo.