Tên lửa Patriot đánh đâu thua đó, Saudi Arabia trả giá quá đắt vì tin Mỹ

Trà Khánh |

Nếu có quốc gia nào đó hiểu rõ nhất sự yếu kém của tên lửa Patriot thì đó chính là Saudi Arabia, bởi Riyadh đã nhiều lần phải trả giá đắt vì tin dùng hệ thống phòng không này.

Chiến tích đánh đâu thua đó của tên lửa Patriot

Ở thời điểm hiện tại có vẻ như lòng tin của Saudi Arabia dành cho tên lửa Patriot hay các hệ thống phòng không do Mỹ chế tạo gần như là con số "0" sau vụ nhà máy lọc dầu Abqaiq–Khurais bị tấn công bằng UAV và tên lửa hành trình hôm 14/9 vừa qua. Thậm chí phòng không Saudi Arabia còn không đánh chặn được bất cứ mục tiêu nào.

Việc Patriot "thất thủ" ở Abqaiq–Khurais xuất phát từ sự chủ quan của Saudi Arabia trong việc bố trí hệ thống phòng không tại cơ sở lọc dầu này, trong đó sai lầm lớn nhất là việc hướng hệ thống radar cảnh giới MPQ-53 của Patriot tại đây về phía Nam (phía Bắc Yemen) tạo lỗ hỏng cho UAV và tên lửa hành trình tấn công vào.

Thất bại của tên lửa Patriot ở Abqaiq–Khurais một lần nữa thể hiện rõ sự yếu kém của phòng không Saudi Arabia cũng như việc Riyadh quá phụ thuộc vào các hệ thống phòng không của Mỹ để bảo vệ các trung tâm kinh tế quan trọng. Và đây không phải là lần đầu tiên Saudi Arabia phải trả giá đắt vì quá tin vào vũ khí Mỹ.

Tên lửa Patriot đánh đâu thua đó, Saudi Arabia trả giá quá đắt vì tin Mỹ - Ảnh 1.

Được tin tưởng giao trọng trách bảo vệ nhà máy lọc dầu Abqaiq–Khurais thế nhưng tên lửa Patriot một lần nữa khiến Saudi Arabia thất vọng. Ảnh: @FieldMarshalPSO.

Điển hình như vào tháng 3/2018, khi tên lửa Houthi tấn công dồn dập vào thủ đô Riyadh, ngay sau đó phòng không Saudi Arabia tuyên bố đã phát hiện và đánh chặn thành công 7 tên lửa, tuy nhiên họ lại không thể đưa ra bằng chứng cho tuyên bố của mình.

Thế nhưng những hình ảnh xuất hiện trên mạng xã hội lại cho thấy, các hệ thống phòng thủ Patriot của Saudi Arabia dù đã phóng tên lửa đi nhưng lại không đánh chặn thành công. Một tên lửa nổ ngay sau khi rời bệ phóng còn quả kia quay vòng trên không, bay ngược trở lại Riyadh rồi phát nổ ngay dưới mặt đất.

Theo suy đoán của các chuyên gia quân sự, chính tên lửa Patriot đâm xuống đất là nguyên nhân khiến một dân thường thiệt mạng và hai người khác bị thương trong vụ tấn công trên, chứ không phải do tên lửa Houthi như Saudi Arabia tuyên bố.

Các vụ tấn công bằng tên lửa trước đó của Houthi vào cuối năm 2017, phía phòng không Saudi Arabia cũng tuyên bố đánh chặn được mục tiêu nhưng cũng không có bằng chứng nào để chứng minh.

Có lẽ ở thời điểm hiện tại nhiều người sẽ cho rằng thất bại liên tiếp của tên lửa Patriot tại Saudi Arabia là do sự yếu kém của lực lượng phòng không Saudi Arabia, tuy nhiên ngay chính Quân đội Mỹ khi sử dụng Patriot cũng dẫn đến nhiều tính huống tương tự, thậm chí là "quân ta bắn quân mình".

Theo đó trong chiến dịch "Tự do Iraq 2003", Lầu Năm Góc ghi nhận ít nhất ba trường hợp tên lửa Patriot gây thương vong cho lực lượng đồng minh. Trong đó hầu hết đều có liên quan đến việc nhận diện "địch – ta" giữa Patriot với các chiến đấu cơ đồng minh.

Đầu tiên có thể kể tới trường hợp cường kích Tornado của Không quân Hoàng gia Anh bị chính tên lửa Patriot bắn hạ khi đang thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ trên không vào ngày 23/3/2003, vụ tấn công khiến hai phi công Anh thiệt mạng tại chỗ.

Trường hợp thứ hai là vào ngày 2/4/2003 khi một chiếc tiêm kích trên hạm F/A-18 Hornet của Hải quân Mỹ bị đồng thời hai tên lửa Patriot bắn hạ, phi công F/A-18 cũng không thể sống sót.

Trên đây chỉ là một trong nhiều trường hợp các sự cố cũng như thất bại của tên lửa Patriot trên chiến trường, và hầu hết chúng đều bị Quân đội Mỹ cũng như Raytheon (tập đoàn chế tạo ra Patriot) giấu nhẹm. Và các hợp đồng xuất khẩu tên lửa Patriot cho các quốc gia đồng minh của Mỹ vẫn được tiến hành như không có chuyện gì xảy ra.

Cứng nhắc và thiếu kinh nghiệm phòng không Saudi Arabia phải trả giá đắt

Có một thực tế là trong suốt nhiều năm qua, Saudi Arabia thường xuyên bị tấn công bằng tên lửa và rocket, đôi khi là cả UAV. Tuy nhiên, số lần phòng không Saudi Arabia có thể đánh chặn được các vụ tấn công này là rất thấp trong khi đó "hung thủ" không ai khác chính là lực lượng Houthi.

Tên lửa Patriot đánh đâu thua đó, Saudi Arabia trả giá quá đắt vì tin Mỹ - Ảnh 3.

Mỗi quả tên lửa Patriot bắn ra mất khoảng 3 triệu USD nhưng kết quả Saudi Arabia thu lại chỉ là con số không. Ảnh: Sebastian Apel.

Dù biết rõ về đối tượng tác chiến cũng như hướng tấn công (từ phía Bắc Yemen), thế nhưng việc sử dụng hệ thống phòng không Patriot đánh chặn từ sớm các cuộc tấn công bằng tên lửa từ Yemen dường như là một nhiệm vụ quá sức đối với phòng không Saudi Arabia.

Chính sự "non nớt" của lực lượng phòng không Saudi Arabia trong việc bố trí một cách cứng nhắc các hệ thống Patriot cùng với đó là nhược điểm cố hữu của hệ thống radar cảnh giới MPQ-53 đã làm sụt giảm đáng kể khả năng tác chiến của hệ thống này.

Việc khai thác tốt các lỗ hỏng phòng không cũng như có chiến thuật di chuyển hợp lý (đi vòng qua phía sau radar MPQ-53) đã giúp UAV Delta Wing và tên lửa hành trình Quds 1 (theo như Houthi tuyên bố) dễ dàng vượt qua lưới phòng không ở Abqaiq–Khurais. Do đó thất bại này của phòng không Saudi Arabia là điều không thể tránh khỏi.

Toàn cảnh vụ Iran tấn công nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại