Tên lửa Nga gây hoảng sợ, NATO quyết liệt đòi đáp trả

Kiệt Linh |

NATO “vẫn sẽ cam kết đầy đủ đối với mục tiêu kiểm soát và giải trừ vũ khí” dù đang chuẩn bị đáp trả việc Nga được cho là triển khai các tên lửa 9M729 (SSC-8), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg mới đây đã cho biết như vậy khi khai mạc cuộc họp lần thứ hai của Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên NATO.

Vậy tên lửa 9M729 có sức mạnh như thế nào mà khiến NATO phải lo ngại đến vậy?

"Chúng tôi sẽ thảo luận biện pháp đối phó với việc Nga tiếp tục tăng cường sức mạnh tên lửa, cả thông thường và hạt nhân. NATO nhất trí quan điểm với nhau về việc Nga vi phạm Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF).

Chúng tôi đã tham vấn chặt chẽ với nhau trong nhiều năm và đã nhất trí với nhau về mọi bước đi. Tháng Sáu năm ngoái, chúng tôi đã nhất trí với nhau về một gói biện pháp cân bằng và phòng thủ nhằm đáp trả các tên lửa SSC-8 của Nga.

Hiện tại, chúng tôi có cái nhìn rộng hơn về năng lực đầy đủ của các tên lửa tầm trung và tầm ngắn của Nga trong khi vẫn cam kết đầy đủ với các mục tiêu kiểm soát và giải trừ vũ khí", Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho hay đồng thời nói thêm rằng các bộ trưởng cũng sẽ thảo luận về việc tăng chi tiêu quân sự.

Trước đó, hôm 11/2, Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho rằng sự sụp đổ của INF chứng tỏ "sức mạnh của NATO".

"Tôi cho rằng sự sụp đổ của hiệp ước INF – một thỏa thuận tồi và tiêu cực, đã cho thấy tầm quan trọng và sức mạnh của NATO", ông Stoltenberg cho hay. "Chúng tôi (NATO) đã nhất trí với nhau về tất cả các bước đi. Trước hết, chúng tôi đều đồng ý rằng Nga đang vi phạm hiệp ước…

Và sau đó chúng tôi đã kêu gọi Nga quay trở lại thực hiện nghiêm chỉnh hiệp ước. Nga không quay trở lại thực hiện hiệp ước. Chúng tôi đã đưa ra khung thời gian và Nga vẫn không quay lại tuân thủ hiệp ước.

Sau đó, chúng tôi tất cả đều đồng ý với quyết định rút khỏi hiệp ước INF của Mỹ bởi hiệp ước này chỉ được một bên thực hiện và như vậy nó không có tác dụng. Sau những cuộc tham vấn kín, chúng tôi đồng ý đi theo con đường đó."

Theo Mỹ và NATO, tên lửa 9M729 của Nga vi phạm hiệp ước INF.

Tên lửa 9M729 là phiên bản mới hơn của tên lửa 9M728 – một loại tên lửa được trang bị cho hệ thống Iskander-M. 9M728 được phát triển bởi Cục Thiết kế Novator ở Yekaterinburg.

Tên lửa 9M729 mang đầu đạn có sức công phá lớn hơn và một hệ thống điều khiển giúp nó đạt độ chính xác cao hơn. Hầu hết các bộ phận trong tên lửa 9M728 đều giống hệt phiên bản cũ 9M729.

Tên lửa 9M729 gây lo ngại rất lớn cho Mỹ và Mỹ tin rằng, Nga đã tiến hành thử nghiệm tên lửa loại này ở các tầm bắn vi phạm Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF). Tên lửa 9M729 có tầm bắn tối thiểu là 50km – giống với phiên bản trước đó 9М728 của nó.

Tầm bắn tối đa của tên lửa 9M729 là 480km, ngắn hơn 10km so với tầm bắn của tên lửa 9М728 – loại tên lửa vi phạm hiệp ước INF. Trong khi Mỹ tin rằng, tên lửa 9M729 của Nga có tầm bắn vượt phạm vi 500km được quy định trong hiệp ước INF thì Nga bác bỏ điều này.

Mỹ muốn Nga phải hủy bỏ toàn bộ tên lửa 9M728 nhưng Nga kiên quyết không chấp nhận.

Vào tháng 1 năm 2019, Bộ Quốc phòng Nga đã lần đầu tiên cho "trình làng" tên lửa 9M729 để các tùy viên quân sự nước ngoài có thể trực tiếp nhìn thấy loại vũ khí mới này của Nga trong một nỗ lực nhằm giải tỏa nỗi quan ngại của phương Tây và mở đường cho các cuộc đối thoại nhằm giữ lại hiệp ước INF.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là các đại diện của Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Liên minh Châu Âu (EU) và NATO đều không đến tham dự sự kiện giới thiệu tên lửa của Nga.

Diễn biến này khiến người ta lo ngại Nga và Mỹ sẽ không thể tháo gỡ được cuộc đối đầu xung quanh tên lửa 9M729 và hiệp ước INF, từ đó hiệp ước INF sẽ bị xé bỏ và châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang đáng sợ.

INF được ký kết là để giải quyết một cuộc khủng hoảng tên lửa hạt nhân thời Xô-viết nhằm vào các thủ đô phương Tây.

Hiệp ước INF được ông Mikhail Gorbachev và ông Ronald Reagan ký năm 1987 cấm Nga và Mỹ phát triển, triển khai và thử nghiệm các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo được phóng đi từ mặt đất với tầm bắn từ khoảng 300 đến 3.400 dặm (tương đương từ 482km đến 5470km).

Hiệp ước này được coi là một thành tựu lớn đạt được trong nỗ lực nhằm "tháo ngòi" căng thẳng trong Chiến tranh Lạnh và giúp hóa giải nỗi lo sợ về vũ khí hạt nhân ở Châu Âu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại