Tên lửa Mỹ có là yếu tố thay đổi cuộc chơi trong xung đột Nga-Ukraine?

Minh Đức |

Hệ thống tên lửa Mỹ cung cấp cho Ukraine có thể hoạt động ngoài tầm bắn của pháo binh Nga, thậm chí đe dọa các kho tiếp tế của đối phương.

Một hệ thống HIMARS trong cuộc tập trận đổ bộ tại sân bay Spilva ở Riga, Latvia, ngày 25/10/2021. Ảnh: The Guardian

Một hệ thống HIMARS trong cuộc tập trận đổ bộ tại sân bay Spilva ở Riga, Latvia, ngày 25/10/2021. Ảnh: The Guardian

Mỹ tuyên bố sẽ gửi các hệ thống tên lửa tiên tiến đến Ukraine. Nhưng câu hỏi đặt ra là không biết liệu loại vũ khí này có phải là "yếu tố thay đổi cuộc chơi" trong cuộc xung đột Ukraine – Nga hiện đã bước sang tháng thứ tư, AFP bình luận.

Theo AFP, vũ khí mới lần này là hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) hoặc pháo phản lực phóng loạt (MLRS) - một đơn vị cơ động có thể phóng đồng thời nhiều tên lửa dẫn đường chính xác.

Cả Ukraine và Nga đều đã vận hành các hệ thống MLRS, nhưng HIMARS có tầm bắn và độ chính xác vượt trội.

Tổng thống Joe Biden viết trên tờ The New York Times rằng các tên lửa tiên tiến sẽ cho phép người Ukraine “tấn công chính xác hơn các mục tiêu quan trọng trên chiến trường Ukraine”.

Tuy nhiên, Mỹ có kế hoạch hạn chế tầm bắn của các tên lửa mà họ cung cấp cho Ukraine để tránh tình huống chúng được sử dụng để tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga.

“Chúng tôi sẽ không gửi tới Ukraine các hệ thống tên lửa có thể tấn công vào Nga”, ông Biden tuyên bố hôm 30/5.

Hệ thống HIMARS M142

Hệ thống HIMARS (hệ thống tên lửa cơ động cao) M142 là phiên bản gắn trên bệ xe tải, hiện đại hóa, nhẹ hơn và nhanh nhẹn hơn, của M270 MLRS được phát triển vào những năm 1970 cho các lực lượng Mỹ và đồng minh, AFP cho biết.

Một quan chức Mỹ nói với các phóng viên rằng HIMARS mà Washington đang cung cấp cho Ukraine sẽ có tầm bắn khoảng 50 dặm (80 km).

HIMARS mang theo một ổ được nạp 6 tên lửa dẫn đường 227 mm (M270 mang hai ổ tên lửa), hoặc một ổ lớn được nạp một tên lửa chiến thuật ATACMS.

 Tên lửa Mỹ có là yếu tố thay đổi cuộc chơi trong xung đột Nga-Ukraine?  - Ảnh 2.

Một hệ thống HIMARS trong cuộc tập trận đổ bộ tại sân bay Spilva ở Riga, Latvia, ngày 25/10/2021. Ảnh: The Guardian


Chỉ cần một ê-kíp nhỏ để vận hành HIMARS. Ê-kíp này có thể bắn và nạp đầy ổ tên lửa trong vòng vài phút mà không cần các phương tiện khác hỗ trợ. Nhưng ê-kíp vận hành HIMARS sẽ cần được huấn luyện một chút.

Quân đội Mỹ đã triển khai các hệ thống HIMARS ở châu Âu, và các đồng minh NATO là Ba Lan và Romania cũng đã mua các hệ thống này.

Không rõ Mỹ sẽ gửi bao nhiêu hệ thống như vậy tới Ukraine.

Tầm quan trọng của HIMARS đối với Ukraine

Hệ thống MLRS của Mỹ sẽ mang lại cho các lực lượng Ukraine khả năng tấn công sâu hơn vào phía sau phòng tuyến của Nga mà không lo lắng bị đe dọa bởi vũ khí tầm xa của đối phương, theo AFP.

Các tên lửa được dẫn đường bằng GPS mà HIMARS bắn ra từ ổ gồm 6 quả có tầm bắn gấp đôi so với các hệ thống lựu pháo M777 mà Mỹ cung cấp gần đây cho các lực lượng Ukraine.

Với tầm bắn khoảng 80 km, nhìn chung HIMARS có thể hoạt động ngoài tầm bắn của pháo binh Nga, đồng thời có thể đánh tới các khẩu đội của Nga.

HIMARS cũng có thể đe dọa các kho tiếp tế của Nga, trong bối cảnh phương Tây tin rằng các lực lượng Nga đang gặp vấn đề về hậu cần.

Mỹ sẽ không cung cấp cho Ukraine các quả tên lửa chiến thuật ATACMS, có tầm bắn 300 km.

Một số nhà phân tích cho rằng HIMARS sẽ là “yếu tố thay đổi cuộc chơi” trong cuộc chiến vào thời điểm mà các lực lượng Ukraine dường như đang gặp khó khăn trước hỏa lực pháo binh của Nga.

Nhưng những chuyên gia khác cho rằng HIMARS sẽ không thể bất ngờ lật ngược thế cờ trong cuộc xung đột Nga – Ukraine vốn đã kéo dài sang tháng thứ tư.

 Tên lửa Mỹ có là yếu tố thay đổi cuộc chơi trong xung đột Nga-Ukraine?  - Ảnh 4.

Hệ thống HIMARS M142 của Quân đội Mỹ bắn một quả tên lửa chiến thuật ATACMS có tầm bắn 300 km. Ảnh: The Drive


Cẩn thận để tránh leo thang căng thẳng với Nga

Kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine hôm 24/2, Mỹ đã rất cẩn thận trong việc thực hiện những hoạt động hỗ trợ Kyiv mà có nguy cơ kích động Moscow tiến hành cuộc chiến vượt ra ngoài biên giới Ukraine, AFP cho biết.

Kể từ đầu tháng 4, khu vực giáp giới giữa Ukraine và Nga đã bị khuấy động bởi các vụ tập kích mà phía Nga cáo buộc do Ukraine thực hiện. Ukraine đã từ chối xác nhận bất kỳ sự liên quan nào trong những vụ việc bị cáo buộc đó. Mỹ cũng không bình luận.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov gần đây đã cảnh báo các cường quốc phương Tây không cung cấp cho Ukraine vũ khí có khả năng tấn công vào lãnh thổ Nga, đồng thời cảnh báo hành động như vậy sẽ là một “bước đi nghiêm trọng dẫn tới sự leo thang không thể chấp nhận được”.

Nếu Mỹ cung cấp ATACMS để Ukraine sử dụng trên HIMARS, về mặt lý thuyết, họ sẽ có khả năng tấn công các trung tâm đô thị và căn cứ quân sự lớn của Nga, bao gồm cả các sân bay nơi phát động các cuộc tấn công vào Ukraine.

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết: “Người Ukraine đã đảm bảo rằng họ sẽ không sử dụng các hệ thống này để tấn công vào lãnh thổ Nga”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại