Tàu sân bay Trung Quốc lột xác với máy phóng từ trường?

Anh Minh |

Trung Quốc đang cân nhắc việc trang bị cho hàng không mẫu hạm duy nhất đang phục vụ trong hải quân, tàu Liêu Ninh, một hệ thống phóng máy bay công nghệ cao, tạo ra một nền tảng mới phục vụ huấn luyện phi công với những kỹ năng bay biển mới nhất.

Một sỹ quan Hải quân Trung Quốc về hưu nói với SCMP rằng bệ phóng máy bay kiểu “nhảy cầu” (sky jump) với độ dốc 14 độ trên con tàu do Liên Xô đóng mấy chục năm về trước có thể được lắp đặt các máy phóng máy bay điện từ.

“Việc này sẽ giúp biến tàu Liêu Ninh thành một bãi tập cho máy bay chiến đấu sẽ hoạt động trên tàu sân bay thế hệ mới của Trung Quốc, tàu Type 002,” viên sỹ quan này nói.

“Nhưng đây mới chỉ là đề xuất bởi vì tàu Type 001A sẽ đi vào phục vụ trong năm nay”, ông nói thêm. Type 001A là tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc, tuy vẫn dựa vào thiết kế của lớp tàu Kuznetsov (Liên Xô). Tàu Liêu Ninh cũng thuộc lớp tàu này.

Sử dụng những kinh nghiệm thu hái được trong quá trìn tái trang bị cho tàu Liêu Ninh, Trung Quốc đã hạ thủy tàu Type 001A vào tháng 4/2017. Theo nhà phân tích hải quân Lý Khiết ở Bắc Kinh, tàu này có thể mang tên Sơn Đông khi được chính thức đưa vào biên chế, có thể là ngày thành lập hải quân Trung Quốc (cuối tháng Tư).

Trong khi đó, tàu Type 002, sẽ được lắp đặt máy phóng kiểu “súng cao su” như tàu sân bay hạt nhân USS Gerald Ford, với hệ thống phóng máy bay điện từ hiện đại nhất thế giới.

Hệ thống này sẽ cho phép hải quân Trung Quốc xuất kích máy bay chiến đấu với lượng vũ khí lớn hơn, mang nhiều nhiên liệu hơn, mở rộng phạm vi hoạt động.

Chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh Chu Trần Minh nói khả năng tái trang bị cho tàu Liêu Ninh với hệ thống phóng máy bay điện từ được nêu ra khi các nhà đóng tàu phát hiện ra tàu Liêu Ninh có thể tương thích với hệ thống này.

Tàu Liêu Ninh vừa kết thúc một chuyến đi biển thử nghiệm kéo dài một tuần trên biển Hoàng Hải vào tuần trước sau 9 tháng được tái trang bị, đợt nâng cấp lớn đầu tiên kể từ khi tàu được đưa vào biên chế từ năm 2012.

Cần phải nhắc lại rằng trên thế giới hiện nay tồn tại chủ yếu là hai cách phóng máy bay: Thứ nhất là kiểu nhảy cầu, máy bay chạy lên một dốc và cất cánh (tàu Kuznetsov). Kiều này chỉ mang được số lượng vũ khí và nhiên liệu hạn chế.

Kiểu thứ hai phổ biến trong hải quân Mỹ là phóng máy bay kiểu “súng cao su” (catapult) nhưng lực đẩy được tạo ra nhờ khí nén. Kiểu thứ ba được coi là thiết kế của tương lai, sử dụng điện từ.

Thiết kế ban đầu của tàu Liêu Ninh phí phạm quá nhiều không gian do các chuyên gia Liên Xô hồi đó còn ít kinh nghiệm trong việc đóng tàu sân bay”, ông Chu nói, thêm rằng Trung Quốc đã tháo bỏ một số hệ thống vũ khí ban đầu của tàu, bao gồm các tên lửa chống hạm Granit.

“Trung Quốc cần huấn luyện các phi công chuyên hoạt động trên tàu sân bay kỹ năng cất cánh từ máy phóng điện từ và hạ cánh trên một đường băng di động và lắc lư khi tàu sân bay đang chạy hết tốc lực”, gần với điều kiện chiến đấu thực tế”.

Cả tàu Liêu Ninh lẫn tàu chị em của nó là Type 001A, kể cả tàu mới Type 002, vẫn sử dụng hệ thống lực đẩy thông thường, do đó năng lực chiến đấu vẫn thua các tàu sân bay hạt nhân của Mỹ. Việc đóng tàu Type 002 bắt đầu từ năm 2018 và dự kiến hoàn tất vào năm 2025.

Tuy nhiên, nhà phân tích quân sự Tống Trung Bình ở Hong Kong nói, khả năng tàu Liêu Ninh được trang bị máy phóng điện từ là thấp bởi vì vấn đề chi phí. “Công việc này quá rộng và quá phức tạp. Tôi không nghĩ cần phải thực hiện một dự án khó khăn đến thế”, ông nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại