QĐNDVN bách chiến bách thắng: Bất ngờ với cách Bộ đội đón Tết giữa khói lửa chiến tranh

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Trong những ngày Xuân về Tết đến, bộ máy Tâm lý chiến khổng lồ của quân đội Hoa kỳ và Việt Nam cộng hòa (VNCH) đã tăng cường hoạt động hết công suất.

Tết Nguyên đán - cái Têt quan trọng nhất trong năm đối với mỗi người dân Việt. Dù đi làm ăn ở rất xa, mỗi dịp Tết đến Xuân về người ta cũng cố gắng quay về quê hương để đoàn tụ, sum họp cùng gia đình, bày tỏ lòng hiếu kính với Trời Đất và các bậc bề trên, hy vọng vào một năm mới đầy may mắn, tốt đẹp.

Còn đồi với những ai không về ăn Tết cùng gia đình được thì dịp Tết là dịp mà người ta nhớ nhung nhất, thèm khát nhất sự ấm cúng của mái nhà thân yêu, thèm được sống trong cái không khí bảng lảng mưa Xuân và thơm thơm mùi hương trầm - nhất là những ai đã có gia đình riêng thì nỗi nhớ càng cồn cào, mãnh liệt.

Tết đến, Xuân về giữa chiến trường

Đối với các chiến sĩ Giải phóng quân (GPQ) đang tham gia cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, giành lại độc lập thống nhất cho Tổ quốc cũng không tránh khỏi tâm trạng ấy.

QĐNDVN bách chiến bách thắng: Bất ngờ với cách Bộ đội đón Tết giữa khói lửa chiến tranh - Ảnh 1.

Nắm được đặc điểm đó, trong những ngày Xuân về Tết đến, bộ máy Tâm lý chiến khổng lồ của quân đội Hoa kỳ và chính phủ Việt Nam cộng hòa (VNCH) đã tăng cường hoạt động hết công suất nhằm vào đối tượng này.

Về nội dung, ngoài các luận điệu tuyên truyền trắng, tuyên truyền đen hay tuyên truyền xám như thông thường còn một nội dung được tăng cường tập trung đánh trực tiếp vào tình cảm người lính, về nỗi nhớ nhà, về sự thèm khát tình yêu thương, trong đó nhấn mạnh hình ảnh người mẹ già tựa cửa trông con ngày giáp Tết.

Về phương tiện tuyên truyền những ngày giáp Tết cũng được tăng cường hơn. Trên làn sóng một loạt các đài phát thanh nhiều nhạc phẩm được phát thanh như "Xuân này con không về", "Đôi bóng", "Nếu hai đứa mình", "Nếu ai có hỏi", "Giấc ngủ cô đơn"... Đó đều là những bản nhạc có lời nhắn nhủ các chiến sĩ QGP quay về với gia đình.

Bên cạnh đó, với lợi thế về không quân, phía VNCH còn sử dụng loa truyền thanh lắp trên máy bay L-19 để kết hợp vừa phát thanh các nhạc phẩm vừa khuyến khích, hướng dẫn chiêu hồi. Suốt từ sáng sớm đến tận chiều tối, những phi vụ L19 luân phiên nhau ra rả suốt trên bầu trời các khu rừng nghi có QGP đóng quân.

QĐNDVN bách chiến bách thắng: Bất ngờ với cách Bộ đội đón Tết giữa khói lửa chiến tranh - Ảnh 2.

Báo tường- một "đặc sản" của Tết chiến trường

Một phương tiện nữa được tăng cường sử dụng cao độ trong dịp này là truyền đơn. Theo số liệu của Bộ Chiến tranh tâm lý VNCH, trong những dịp này hàng ngày sẽ có hàng triệu tờ truyền đơn được rải xuống khắp vùng giải phóng bằng máy bay C130 hoặc các loại máy bay vận tải khác. Có thể nói những ngày giáp Tết là những ngày mà truyền đơn nhiều như bươm bướm, bay trắng cả rừng.

Trên các tờ truyền đơn dịp này thường có in những hình ảnh gia đình đoàn tụ vui Xuân, cảnh nồi bánh chưng trên bếp lửa, cảnh mẹ già tựa cửa trông con... và kèm theo đó là những bài thơ khơi dậy nối nhớ gia đình nhằm đánh vào lòng người.

Nói cho công bằng, nhất thời những bài hát, lời thơ cũng có tác động nhất định đến tâm lý cán bộ chiến sĩ QGP. Tuy nhiên, với những người lính mà chất lý tưởng đã thấm đẫm trong tâm hồn thì như anh em nói vui, nó cũng chỉ như "muỗi đốt i-nox mà thôi!".

Trong điều kiện như vậy, những người lính QGP trên chiến trường vẫn biết cách tạo ra cho mình những cái Tết vui vẻ về tinh thần và tạm đủ về vật chất để chuẩn bị cho những trận đánh tiếp theo.

Giữa chiến trường những cái Tết vẫn đủ đầy và đậm phong vị lính

Đối với những người lính ở chiến trường thì nhiệm vụ vẫn là trên hết. Song không phải vậy mà họ không biết tổ chức cho mình những cái Tết vui tươi để quên đi nỗi nhớ nhà, quên đi những gian khổ, ác liệt và thắp sáng lên niềm tin chiến thắng.

Trong điều kiện tiếp tế từ hậu phương lớn vào rất khó khăn thì tiêu chuẩn Tết cho bộ đội thường rất "hẻo". Những đơn vị ở B5, B4 gần hậu phương thì có thể có gạo nếp, đỗ xanh và một vài loại nhu yếu phẩm khác như kẹo bánh, trà thuốc...

Các đơn vị ở sâu như B1, B3... tiêu chuẩn Tết thường chỉ là 1-2 điếu thuốc Tam Đảo và vài cái kẹo Hải Châu, thậm chí không có gì.

Tuy vậy, với tinh thần "khó khăn nào cũng vượt qua" cùng với sự sáng tạo, linh hoạt những người lính đã tìm mọi cách để làm cái Tết của mình thêm phong phú. Và nguồn cung cấp vật chất không bao giờ cạn cho người lính không ai khác mà chính là đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ cùng đồng bào các dân tộc thiểu số đang bám trụ ở đó.

QĐNDVN bách chiến bách thắng: Bất ngờ với cách Bộ đội đón Tết giữa khói lửa chiến tranh - Ảnh 3.

Những nụ cười làm nên chiến thắng.

Không chỉ cung cấp thịt thú rừng, đại ngàn Trường Sơn còn cung cấp cho những người lính rất nhiều thứ sản vật phục vụ cho cái Tết như: măng tre để sấy thành măng khô, hoa chuối để làm nộm, rau dớn để làm món xào, lá dong gói bánh, sâm cau nấu nước uống thay trà, cây hương bài hoặc trầm để làm hương v.v...

Còn gạo nếp nếu trên không cấp có thể đổi cho đồng bào. Gạo nếp nương tuy hạt không bụ bẫm và thơm như nếp cái hoa vàng song cũng đủ dẻo, đủ rền.

Nếu thiếu đậu xanh, bóp vụn lương khô rồi ngào với đường làm nhân cũng ổn cho những tấm bánh chưng ngày Tết. Và kẹo ư? Cũng đơn giản thôi! Cứ có đường, có vừng hoặc kê lính sẽ có cách làm ra kẹo.

Ngoài vật chất, đại ngàn Trường Sơn mỗi khi Xuân về cũng không thiếu các loại hoa rừng, hoa dại để tô điểm cho những căn hầm dã chiến. Còn khi không thể kiếm được hoa tươi thì chỉ với một cành cây khô, vài tờ giấy pơ- luya, chút thuốc đỏ và viên chống sốt rét qui-nin lính ta cũng sẽ tạo được cành đào, cành mai đón Tết.

Những ngày nghỉ Tết, với những thứ vật chất đã có, các đơn vị thường tổ chức thi nấu cỗ Tết và trong những cuộc thi này, rất nhiều món ăn mang bản sắc vùng miền đã được trình làng.

Ngoài ra, còn nhiều trò chơi khác được tổ chức như: cờ tướng, kéo co, đố vui có thưởng... làm cho người lính quên đi những vất vả, gian nan của cuộc sống hiện tại.

Còn trong trường hợp phải trực chiến ở tuyến đầu thì các đơn vị thường có bộ phận hậu cần ở tuyến sau đảm bảo cho các chiến sĩ trên tuyến 1 vẫn có đủ bánh chưng và những bữa ăn đậm đà hương vị quê hương- tất nhiên không được đủ đầy như hậu cứ.

QĐNDVN bách chiến bách thắng: Bất ngờ với cách Bộ đội đón Tết giữa khói lửa chiến tranh - Ảnh 4.

Phút nghỉ ngơi khi chiến trường im tiếng súng

Những buổi đón giao thừa trong lòng đất và trò chơi không tuổi

Trong dịp Tết, thời khắc thiêng liêng nhất là thời khắc giao thừa. Đó cũng là lúc mà tâm tưởng con người dễ bị lay động nhất. Bởi vậy, chỉ huy các đơn vị cũng hết sức quan tâm chăm lo sao cho lễ đón giao thừa ở đơn vị mình được đầm ấm, vui vẻ và có ý nghĩa nhất.

Để đảm bảo an toàn, thường các đơn vị phải chuẩn bị hội trường đón Tết bằng những ngôi nhà hầm ngập trong lòng đất. Tất cả cửa ra vào và lỗ thông hơi đều phải ngụy trang để ánh sáng tuyệt đối không lộ ra ngoài. Cũng không được tập trung quá đông tại một điểm và nhất là không được quên việc canh gác, cảnh giới.

Một trong những trò chơi đón giao thừa phổ biến nhất, đem lại nhiều thú vị bất ngờ và được bộ đội chờ đợi nhất là trò chơi "hái hoa dân chủ". Và dường như trò chơi này cũng có sức sống lâu bền nhất bởi cho đến tận bây giờ, nó vẫn được tổ chức ở nhiều đơn vị quân đội cũng như các cơ quan dân sự.

Trên một cành cây xum xuê lá đặt giữa dãy bàn dài thấp thoáng những cái quả giả, hoa giả được bọc bằng giấy mầu. Bên trong mỗi cái quả giả, hoa giả ấy chứa đựng một bí mật nho nhỏ. Đó có thể là một cái kẹo, một câu đố hóc búa hoặc một yêu cầu gì đó: giải một câu đố, hát một bài hát, đọc một đoạn thơ, hay kể một câu chuyện tiếu lâm…

Những bí mật chứa trong đó nhiều khi gây nên nững trận cười không dứt bởi sự thông minh của người đưa ra những câu đố vừa "hóc búa", vừa hóm hỉnh. Ở các đơn vị binh chủng kỹ thuật còn lồng các câu hỏi kiểm tra trình độ của người chơi nên càng thêm thú vị.

Nếu trả lời đúng và hay, người chơi sẽ được thưởng - một điếu thuốc, một cái kẹo... chẳng hạn. Còn nếu không trả lời được sẽ bị phạt. Nói là phạt nhưng cũng là những hình phạt vui vui như: không được ngồi xuống hoặc phải uống 1 "bát B-52" nước lạnh...

Tập trung vào trò chơi nên thời gian trôi nhanh lắm, chả mấy mà đã đến giao thừa. Giữa một tập thể quây quần ấm cúng, vui vẻ như thế dường như người ta quên đi mọi nỗi riêng tư, tình cảm đồng đội thế chỗ cho tình cảm gia đình và tất cả đều vững một niềm tin vào chiến thắng.

Không hiểu trò chơi này có xuất xứ từ đâu, từ bao giờ nhưng có thể nói rằng nó là một sinh hoạt văn hóa, văn nghệ rất hay, rất quần chúng và khá thích hợp với đời sống tập thể quân đội- nhất là trong những ngày Xuân về Tết đến.

Riêng với người viết bài này- những cái Tết chiến trường đã trở thành những kỷ niệm không bao giờ quên được. Còn Xuân nay, xin gửi đến các bạn mấy vần thơ:

Thế là Xuân mới đã lại sang

Tiễn chú Tuất đi đón Heo vàng

Chúc cho đất nước mình Xuân mãi

Nhà nhà hạnh phúc với an khang!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại