Tàu Nguyên soái Krylov của hải quân Nga (Ảnh: Sputnik)
Tháng 9/2018 tàu "Nguyên soái Krylov" hiện đại hóa được tiếp nhận vào biên chế lữ đoàn 114 Hạm đội Thái Bình Dương, có căn cứ ở Kamchatka. Đây là một trong những con tàu được trang bị kỹ thuật hiện đại bậc nhất của Hải quân Nga.
Nó được người ta gọi là "Bộ tham mưu chiến tranh giữa các vì sao", ẩn dưới thuật ngữ ít người biết đến - tàu tổ hợp đo lường (SIC). Nhiệm vụ chính của nó là theo dõi quỹ đạo bay của các tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Lịch sử
"Nguyên soái Krylov" là tàu còn lại duy nhất đang được sử dụng trong số 3 tàu tổ hợp đo lường, được đóng theo dự án 1914 (theo phân lớp của NATO - Marshal Nedelin class).
Năm 1977, khi dự án được chuẩn bị xong, chính sách làm dịu căng thẳng trong quan hệ giữa Liên Xô và Mỹ đã suy yếu, cuộc chạy đua vũ trang dần chuyển sang chạy đua vũ trụ- sau 6 năm Tổng thống Mỹ Ronald Reagan tuyên bố về chương trình sáng kiến phòng thủ chiến lược quy mô với các thành phần căn cứ vũ trụ. Trong điều kiện này, việc Tổng cục thiết bị vũ trụ Liên Xô đặt đóng con tàu có khả năng điều khiển vệ tinh là hoàn toàn hợp lý.
Người giám sát và là nhà tư tưởng tích cực của dự án là German Titov, còn tổng công trình sư là Dmitri Socolov từ Phòng thiết kế trung tâm "Dự án tàu Baltic". "Nguyên soái Krylov" có vài điểm khác với tàu đầu tiên của dự án, vì thế nó được nhận biết theo lớp là 1914.1.
Tàu SIC được bắt đầu đóng từ năm 1982 ở nhà máy đóng tàu Leningrad và hạ thủy năm 1987, đến năm 1990 nó được đưa vào sử dụng. Đáng chú ý là từ biển Baltic đến Thái Bình Dương, tàu đã đi qua kênh đào Suez, chứ không theo lối Bắc Băng Dương.
Năm 1992 trong quá trình sứ mạng "Âu-Mỹ - 500" ở ngoài khơi gần bờ biển bang Washington của Mỹ, nhờ "Nguyên soái Krylov" mà người ta đã tìm thấy và trục vớt được capsule tàu vũ trụ "Resurs-500".
Các đặc tính kỹ thuật và sử dụng
Chiều dài vỏ thép của tàu là 211 m, chiều rộng 27,5 m, lượng choán nước 23,7 nghìn tấn. Thủy thủ đoàn gần 350 người. Tàu được trang bị các radar, tổ hợp thủy âm, vệ tinh và các tổ hợp khác. Chẳng hạn, trạm lưu ảnh "Diatel", mà thông số của nó gần với thông số của mắt người, là một trong những trạm tiên tiến nhất về mặt kỹ thuật.
Dù SIC không có chức năng thực hiện những nhiệm vụ chiến đấu, nhưng khi cần thiết, thủy thủ đoàn vẫn có khả năng tự bảo vệ mình: tàu được trang bị 6 cỗ pháo AK-630, TKB-12, cũng như tổ hợp tên lửa cao xạ "Strela 2M".
Điều kiện phục vụ trên tàu tổ hợp đo lường có thể coi là thoải mái nhất trong hạm đội. Trên tàu có tổ hợp y tế riêng, có các phòng thể thao, hòa nhạc, phòng tắm hơi, thư viện, phòng cắt tóc, cửa hàng và các dịch vụ cần thiết khác cho thủy thủ và sĩ quan của tàu.
Sau quá trình hiện đại hóa sâu bắt đầu từ năm 2014 và lắp đặt hệ thống vô tuyến điện mới nhất trên tàu, "Nguyên soái Krylov" không chỉ có khả năng điều khiển các lực lượng lục quân và hải quân, mà còn điều khiển các mục tiêu trong không gian vũ trụ.
Nhiệm vụ của nó là đưa vào quỹ đạo các phương tiện của lực lượng không gian vũ trụ Nga, các tên lửa đạn đạo và có cánh. Ngoài ra, tàu còn được lên kế hoạch sử dụng như một đài chỉ huy hạm đội ở Thái Bình Dương, từ đó có thể ra mệnh lệnh cho các đoàn tàu chiến ở nhiều phần khác nhau của thế giới. Tàu có khả năng vận hành tự chủ trong 120 ngày đêm.
Tàu không chỉ được sử dụng trong những mục đích quân sự. "Roscosmos" sử dụng SIC để quan sát các tên lửa cất cánh từ sân bay vũ trụ "Phương Đông" ở vùng Amur. Trước đây "Nguyên soái Krylov" cũng là công cụ liên lạc của trung tâm điều khiển các chuyến bay và các phi công vũ trụ trên quỹ đạo nhờ thiết bị "Avrora".
Với sự trợ giúp của SIC, quân đội Nga có thể tìm kiếm tàu ngầm, tàu thủy và các máy bay rơi xuống nước - với mục đích cứu nạn. Trên boong tàu có bãi đỗ cho hai trực thăng tìm kiếm Ka-27.