Quyết định cung cấp cho Syria hệ thống tên lửa S-300 của Nga đã được coi là một hành động gây áp lực mạnh mẽ đến Israel , nhưng các chuyên gia cho rằng động thái này sẽ không có nguy cơ khiến mối quan hệ Israel-Nga tan rã.
Bên cạnh đó, một số nhà phân tích cũng tỏ ra nghi ngờ về việc Nga có thực sự chuyển giao S-300 cho Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad hay không.
Hôm 24/9, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, nước này sẽ "chuyển giao hệ thống phòng không S-300 hiện đại cho lực lượng vũ trang Syria trong vòng hai tuần" - cùng ngày Điện Kremlin cáo buộc Không quân Israel đã "hành động có suy tính" trong vụ máy bay trinh sát Nga bị bắn nhầm, khiến 15 người thiệt mạng.
Các quan chức Nga đã mô tả cuộc không kích của chiến đấu cơ Israel trong vụ việc là "thù địch" và cáo buộc Israel vi phạm chủ quyền của Syria, vi phạm thỏa thuận giảm xung đột giữa Nga và Israel.
Trong nhiều năm, Israel và Nga đã duy trì một đường dây nóng đặc biệt để ngăn chặn lực lượng không quân hai nước đụng độ trên bầu trời Syria .
Vụ việc máy bay trinh sát Il-20 của Nga vô tình bị lực lượng phòng không Syria bắn nhầm trong cuộc không kích của Israel được coi là sự việc tồi tệ nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Nó cũng đặt ra một mối đe dọa cho quan hệ của hai nước, điều mà Moscow đã duy trì khá tốt kể từ khi bước vào can thiệp quân sự ở Syria ba năm trước.
Quân đội Syria hiện đang sở hữu một hệ thống phòng thủ kém tinh vi hơn so với S-300, vũ khí phòng không có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách hàng trăm cây số và có thể được sử dụng để bảo vệ các mục tiêu trên mặt đất.
Các nhà phân tích nói rằng, thông báo chuyển giao S-300 cho Syria của Moscow là một "sự phát triển nguy hiểm" trong khu vực, vì hệ thống tên lửa sẽ thách thức năng lực không quân của Israel.
Quan hệ Nga-Israel sẽ nguyên vẹn?
Israel trong 6 năm qua đã thực hiện hàng trăm cuộc tấn công bên trong Syria. Các cuộc tấn công bắt đầu được gia tăng về cường độ và tần suất kể từ năm 2012 - khi các chiến binh của Iran tiến vào Syria sau khi cuộc nội chiến nơi đây bắt đầu.
Đầu tháng này, Israel thừa nhận đã thực hiện 200 cuộc tấn công vào Syria kể từ năm ngoái.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đổ lỗi cho các đơn vị bán quân sự của Iran tại Syria vi phạm chủ quyền của mình bằng cách thực hiện các cuộc tấn công qua biên giới, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục hành động chống lại các mục tiêu của Iran tại Syria.
Nga từ trước đến nay vẫn nhắm mắt làm ngơ trước các cuộc tấn công của Israel, và điều này khiến các nhà phân tích tin rằng tranh cãi mới nhất sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ cả hai.
Nga có thể muốn dằn mặt Israel trước khi thực sự đưa ra các quyết định mạnh tay.
"Mối quan hệ giữa Israel và Nga mạnh hơn nhiều so với những gì mọi người nghĩ", Samer Abboud, chuyên gia nghiên cứu về liên ngành toàn cầu tại đại học Villanova cho biết.
"Sẽ có những lời chỉ trích từ phương Tây, nhưng đằng sau hậu trường, ranh giới giữa Nga và Israel sẽ vẫn còn nguyên vẹn do các thỏa thuận mà cả hai đang có với nhau", Abboud nói với Al Jazeera.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng tỏ ra hoài nghi về việc liệu Moscow có cung cấp cho Tehran hệ thống S-400 - phiên bản vũ khí phòng không hiện đại nhất của nước này – hay sẽ tiếp tục nể mặt Israel.
Nga có thực sự chuyển S-300 cho Syria?
Việc chuyển giao S-300 sang Syria là một "câu chuyện dài hạn", theo Aron Lund, một chuyên gia từ trung tâm phân tích The Century Foundation.
Lund cho biết, Nga đã nhiều lần ám chỉ rằng họ sẽ cung cấp hệ thống tên lửa này cho Damascus từ năm 2011, nhưng chưa bao giờ biến điều đó thành hiện thực.
Chuyên gia này mô tả tuyên bố chuyển giao S-300 chỉ trong vòng hai tuần của Nga nghe giống như một lời khẩu chiến nhằm hăm dọa nhiều hơn là một động thái thực tế.
"Về cơ bản đó là một phần trong chiến thuật gây áp lực của Nga. Họ đưa S-300 trở lại các phương tiện truyền thông bất cứ khi nào cảm thấy người Israel có vẻ như đã quên mất điều này", chuyên gia Lund nhận định.
Tương tự, Omar Kouch, một nhà phân tích chính trị Syria, lưu ý rằng dù cả Mỹ - vốn là đồng minh thân cận nhất của Israel - đang xem xét động thái chuyển hệ thống tên lửa này là "một sự leo thang đáng kể", nhưng điều đó không cho thấy S-300 đến Syria có thể là sự thật.
"Đây vẫn chỉ là một lời hứa ... vì vậy chúng tôi thực sự không chắc Moscow có thực hiện điều đó hay không", Kouch nói với Al Jazeera.
Tuy nhiên, chuyên gia Abboud đánh giá, động thái của Nga là đủ để gửi một thông điệp tới Israel, trong đó nhấn mạnh rằng, sự can thiệp của nước này vào Syria cần phải được hạn chế.
Khi được hỏi liệu cái chết của 15 binh sĩ Nga có trở thành sức nặng lớn để đưa quyết định của Moscow trở thành sự thực, chuyên gia Abboud cho biết thương vong là một "cơ hội để áp đặt các giới hạn". Động thái này cũng sẽ giúp tăng cường hơn nữa cho Iran và chính quyền Syria.
Sau một loạt các cuộc tấn công rải rác, Israel cuối cùng đã nhắm vào các cơ sở và căn cứ không quân ở gần Thủ đô Damascus, nơi Chính phủ của Tổng thống Assad đang hiện diện tại đây.
Nếu Nga quyết định đưa hệ thống tên lửa mới tới Syria, lực lượng phòng không nước này ít nhất có thể đảm bảo an toàn cho Damascus khỏi các cuộc tấn công sắp tới của Israel, ông Abboud lưu ý.