Tank Biathlon 2020: Lộ diện đối thủ của Việt Nam - Chọn đấu pháp gì để chiến thắng ở đường đua nghẹt thở?

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Xếp thứ Nhì tại Bảng 2 năm 2019, Đội tuyển Việt Nam vẫn được xếp vào Bảng 2 tại Tank Biathlon 2020. Vậy cơ hội đổi màu huy chương của chúng ta thế nào?

Việc nhận diện, đánh giá đúng đối thủ sẽ giúp đội tuyển Việt Nam có đấu pháp thích hợp trong từng vòng đấu, đợt đấu.

Tình hình chung toàn giải và bảng 2

Có lẽ do đại dịch Covid-19 ngăn trở nên một số nước không tham gia Giải đấu Tank Biathlon 2020 tại Nga hoặc đã đăng ký rồi lại xin rút. Bởi vậy, cho đến phút chót chỉ còn có 16 đội tham gia.

Đó là các đội đến từ: Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Trung Quốc, Serbia, Uzbekistan, Azerbaijan, Việt Nam, Lào, Myanmar, Tajikistan, Abkhazia, Nam Ossetia, Cộng hòa (CH) Congo và Qatar.

Tank Biathlon 2020: Lộ diện đối thủ của Việt Nam - Chọn đấu pháp gì để chiến thắng ở đường đua nghẹt thở? - Ảnh 1.

Đội tuyển Việt Nam tiếp nhận xe tăng T-72B3, sẵn sàng xung trận tại Tank Biathlon 2020.

Theo quy chế giải, các đội tuyển được chia thành 2 bảng:

Bảng 1 gồm 8 đội: Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Trung Quốc, Serbia, Uzbekistan, Azerbaijan

Bảng 2 gồm 8 đội: Việt Nam, Lào, Myanmar, Tajikistan, Abkhazia, Nam Ossetia, CH Congo và Qatar.

Như vậy, các đối thủ của Việt Nam ngoài những "người quen cũ" là Lào, Myanmar, Tajikistan thì còn có tới 4 đội mới tham gia lần đầu là Abkhazia, Nam Ossetia, CH Congo và Qatar.

Bởi mỗi bảng chỉ có 8 đội nên cả 8 đội này đều tham gia thi vòng loại và vòng bán kết. Từ kết quả bán kết sẽ chọn ra 4 đội có kết quả cao nhất vào thi vòng chung kết. Theo kết quả bốc thăm ngày 17/08/2020, Việt Nam sẽ thi đấu vòng loại trong nhóm cùng các đội: Myanmar, Abkhazia và Qatar.

Nhận diện đối thủ

Đối với những "người quen cũ", chúng ta đã được xem họ thi đấu và cũng đã sơ bộ nắm được sở trường sở đoản của họ. Mặc dù họ đang xếp sau Việt Nam song khoảng cách không quá xa và không thể coi thường.

Có lẽ đối thủ nặng ký nhất ở bảng này là Tajikistan. Vốn là một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, đã sở hữu xe tăng T-72 từ lâu và cũng đã tham gia thi từ năm 2015 nhưng có điều thành tích của họ không mấy tiến bộ qua các giải đấu.

Tank Biathlon 2020: Lộ diện đối thủ của Việt Nam - Chọn đấu pháp gì để chiến thắng ở đường đua nghẹt thở? - Ảnh 3.

Tank Biathlon 2020 hứa hẹn những trận đấu nảy lửa.

Thứ bậc của họ lần lượt qua các năm là: 2015-7/13, 2016-14/17, 2017-13/19, 2018-14/22 và 2019-19/23. Điểm yếu của họ là trình độ kỹ thuật và sự nhanh nhẹn của các tuyển thủ còn nhiều hạn chế. Nếu có sự đầu tư chỉn chu hơn nữa họ sẽ có cơ thay đổi thành tích.

Cũng đã sở hữu T-72 và thạm gia giải đấu mấy năm, song đội tuyển Lào vẫn chưa thấy sự khác biệt. Năm 2018 họ đứng thứ 18/22 đội; sang năm 2019 họ đứng thứ 8/11 đội ở Bảng 2, chỉ xếp trên mấy đội bỏ cuộc hoặc phạm quy.

Bước sang năm 2020, mặc dù cũng đã thành lập đội tuyển từ tháng 4 song mãi đến gần đây- trước thời hạn chót của Ban tổ chức họ mới đăng ký tham gia. Điều đó chứng tỏ quá trình chuẩn bị cũng có nhiều vấn đề làm bản thân họ rất thiếu tự tin. Và tất nhiên, trong điều kiện như vậy thì không hy vọng gì ở một kết quả cao.

Tương tự là đội tuyển Myanmar. Đến từ Đông Nam Á, có nhiều hạn chế về thể hình, thể lực cũng như các điều kiện khác nên thứ hạng của họ trong năm 2018 là 18/22 (xếp ngay sau VN), năm 2019 là 17/22 (sau VN 3 bậc). Dự kiến năm nay, Myanmar cũng khó có sự bứt phá vượt trội.

Trong Bảng 2 còn 4 đội tuyển nữa đến từ Abkhazia, Nam Ossetia, Congo và Qatar. Đây là 4 đội mới lần đầu tiên tham dự Tank Biathlon cho nên khả năng của họ hoàn toàn còn là ẩn số.

Abkhazia là một lãnh thổ tự trị nằm ở vùng Kapkaz với diện tích 8.660 km2, dân số khoảng 244.000 người.

Thời Liên Xô, Abkhazia là nước cộng hòa tự trị trong thành phần Cộng hòa Gruzia. Khi Liên Xô tan rã, Abkhazia cũng ly khai khỏi Gruzia và đã có tranh chấp quân sự nổ ra, đến mức Nga phải can thiệp. Hiện tại, Abkhazia chỉ có một số ít nước trên thế giới công nhận độc lập.

Abkhazia cũng có quân đội nhưng quy mô khá nhỏ. Về trang bị tăng thiết giáp của Abkhazia chỉ có vỏn vẹn 9 chiếc T-72 và 53 chiếc T-55. Tuy nhiên, do sở hữu T-72 từ khá lâu rồi nên chắc cũng có nhiều kinh nghiệm vận hành.

Còn về Nam Oxetia có nhiều nét tương đồng với Abkhazia. Đây cũng là một lãnh thổ tự trị nằm ở vùng Nam Kapkaz có diện tích 3.900 km2, dân số khoảng 72.000 người. Quy mô quân đội cũng như trang bị cơ bản tương tự Abkhazia.

Với tiềm năng quân sự như vậy, việc đầu tư cho đội tuyển của hai đội này chắc sẽ không có gì đặc biệt. Tuy nhiên, vì là hai vùng lãnh thổ tự trị được sự bảo trợ của LB Nga nên không loại trừ họ sẽ nhận được sự giúp đỡ của nước chủ nhà trong quá trình chuẩn bị. Nhưng dù sao cũng là lần đầu tham gia dự thi nên khó có thể có thành tích cao.

Tank Biathlon 2020: Lộ diện đối thủ của Việt Nam - Chọn đấu pháp gì để chiến thắng ở đường đua nghẹt thở? - Ảnh 5.

Đội tuyển xe tăng Việt Nam đã lập được nhiều kỳ tích tại Tank Biathlon 2019.

Hai đội còn lại đến từ hai châu lục khác nhau.

Qatar là một quốc gia ở Trung Đông, diện tích 11,581 km2, tổng dân số của Qatar là 2,6 triệu người: 313.000 công dân Qatar và 2,3 triệu người nước ngoài (!). Là nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới. Qatar được coi là quốc gia Ả Rập tiên tiến nhất để phát triển con người.

Qatar duy trì lực lượng quân sự khiêm tốn gồm khoảng 11.800 người, trong đó có lục quân (8.500), hải quân (1.800) và không quân (1.500). Tuy nhiên, gần đây Qatar đã tăng tốc các kế hoạch nhằm chuyển đổi và mở rộng đáng kể lực lượng vũ trang. Năm 2015, Qatar là nhà nhập khẩu vũ khí lớn thứ 16 trên thế giới và năm 2016, xếp thứ 11.

Còn CH Congo là một quốc gia ở Trung Phi, có diện tích 342.000 km2, dân số khoảng 4.700.000 người, thu nhập bình quân đầu người 2.190 USD (2016). Sau thời kỳ nội chiến những năm 1990, hiện nay tình hình tương đối ổn định.

Theo những công bố chính thức thì quân đội Qatar và Congo chưa có xe tăng T-72B3 trong trang bị. Đồng thời, họ cũng lần đầu tiên tham dự giải đấu nên mặc dù khả năng của họ còn là ẩn số nhưng cũng không quá khó để hóa giải các bài toán này.

Truyền thống quân sự nghìn đời của tổ tiên ta đã dạy: "Biết địch, biết ta- trăm trận trăm thắng". Việc nhận diện chính xác các đối thủ sẽ cho phép đội tuyển Việt Nam tìm ra chiến thuật, đấu pháp phù hợp và đạt hiệu quả thi đấu cao hơn.

Tuy vậy, một vấn đề mang tính nguyên tắc mà các tuyển thủ cần phải ghi nhớ nằm lòng là: Biết mình biết người song tuyệt đối không được coi thường bất cứ đối thủ nào dù đó là ai!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại