Tăng M24 - “nắm đấm thép” của Pháp đánh vào không khí

MINH TRÍ |

Một trong những thành công của Pháp trước khi quân đội Việt Minh tấn công Điện Biên Phủ là việc triển khai bố trí thành công xe tăng đến cụm cứ điểm, được coi như “nắm đấm thép” của quân Pháp trên bàn cờ chiến lược...

Các tướng lĩnh Pháp hiểu rõ đối thủ chỉ là lực lượng bộ binh nhẹ, thiếu thốn vũ khí và hoàn toàn không có phương tiện chiến đấu cơ giới. Họ tin rằng nếu đưa được lực lượng xe thiết giáp lên cụm cứ điểm, Việt Minh sẽ bị chặn đứng nếu dám tấn công vào các lô cốt vững chắc, sau đó sẽ bị quân Pháp tinh nhuệ có thiết giáp hỗ trợ đẩy lui.

Nhưng xe thiết giáp bánh lốp phổ biến trong biên chế quân viễn chinh Pháp khi đó gặp khó khăn khi di chuyển trên địa hình bùn lầy tại Điện Biên Phủ, đặc biệt trong mùa mưa. Chỉ có xe tăng bánh xích mới có đủ tính cơ động. Điều này khiến xe tăng hạng nhẹ M24 do Mỹ viện trợ trở thành lựa chọn tối ưu cho Pháp ở Mặt trận Điện Biên Phủ.

Ra đời vào cuối Chiến tranh thế giới thứ hai, xe tăng M24 “Chaffee” của Mỹ được ưa chuộng do cơ động tốt trên địa hình phức tạp, hỏa lực mạnh so với xe tăng hạng nhẹ khi mang pháo cỡ nòng 75mm, rất hiệu quả trong nhiệm vụ chi viện hỏa lực cho bộ binh.

Kíp lái của xe tăng M24 gồm 5 người. Khi chiến đấu, trưởng xe, pháo thủ và điện đài viên có thể tham gia chế áp bộ binh do xe mang đến 3 súng máy. Với hỏa lực mạnh như vậy, người Pháp cho rằng xe tăng M24 là đủ để đẩy lui các đợt tấn công xuống lòng chảo của quân đội Việt Minh.

Ngày 16-12-1953, chiến dịch “Rondelle II” được Pháp tiến hành, sử dụng không quân đưa 10 xe tăng M24 lên Điện Biên Phủ. Số xe tăng này chia thành 3 phân đội của đại đội 3, thuộc trung đoàn kỵ binh nhẹ số 1. Binh lính trong binh đoàn lê dương Pháp đặt tên cho những chiếc xe tăng này theo các địa danh ở châu Âu, như một cách để nhớ về quê nhà.

Do mỗi chiếc xe tăng nặng tới gần 20 tấn, không máy bay nào của Pháp lúc đó đủ không gian và tải trọng để mang nổi. Binh lính của đại đội 2 sửa chữa thiết giáp, thuộc binh đoàn lê dương phải tháo rời từng chiếc xe thành 180 bộ phận khác nhau tại xưởng dã chiến ngay trong sân bay Gia Lâm (Hà Nội).

Tuy nhiên, kể cả sau khi đã tháo rời, máy bay vận tải C-47 của không quân Pháp lúc đó không đủ chỗ để vận chuyển thân xe-phần có kích thước to lớn nhất. Người Pháp phải trưng dụng máy bay vận tải dân sự hạng nặng Bristol 170 Freighter, nhưng khối lượng thân xe vẫn vượt quá tải trọng tối đa của máy bay đến 150kg.

Để chở “kiện hàng” đặc biệt qua vùng rừng núi Tây Bắc, người Pháp phải tháo bỏ gần như toàn bộ những nội thất không cần thiết bên trong máy bay. Mỗi chiếc M24 cần tới 2 chuyến Freighter và 6 chuyến C-47 để đưa lên Điện Biên Phủ.

Tới cuối năm 1953, toàn bộ 10 chiếc M24 được vận chuyển thành công lên cụm cứ điểm. Chúng có nhiệm vụ dẫn đầu các đơn vị quân đội Pháp phản công hoặc bố trí trong công sự như lô cốt, dùng đạn pháo 75mm nổ mảnh và súng máy bắn yểm trợ.

Với việc bố trí thành công lực lượng xe thiết giáp có sức cơ động và hỏa lực cực mạnh này, người Pháp tin rằng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là bất khả xâm phạm và quân đội Việt Minh đã thua trước cả khi trận đánh diễn ra.

Trong suốt chiến dịch, 10 chiếc xe tăng M24 đã bắn tổng cộng hơn 15.000 phát đạn pháo. Do mỗi xe chỉ mang 48 viên đạn, binh lính Pháp tìm cách nhét đạn vào mọi vị trí có thể trên xe, thậm chí tháo bỏ cả súng máy.

Nhưng những nỗ lực phản công do xe tăng M24 dẫn đầu đã không đạt được bước tiến nào đáng kể do đánh giá thấp lượng pháo Việt Minh mang đến chiến trường.

Quân Pháp đối mặt với hệ thống hầm hào dày đặc, kiên cố. Những nỗ lực phản công của Pháp biến thành tấn công vào các vị trí được phòng thủ vững chắc, có vũ khí chống tăng uy hiếp những chiếc tăng M24. Thất bại trong việc phản công, lúc này “nắm đấm thép” của quân Pháp như chỉ còn đấm vào không khí.

Sau khi vòng vây siết chặt đến phân khu trung tâm Mường Thanh, số xe tăng M24 phần bị bắn hỏng, phần không còn nơi để cơ động, chỉ còn tác dụng làm ổ đề kháng cố định. Nhưng ngay cả khi trú ẩn trong công sự, pháo của Việt Minh vẫn bắn chính xác vào vị trí từng chiếc xe. Toàn bộ số xe tăng M24 bị loại khỏi vòng chiến đấu hoặc bị thu làm chiến lợi phẩm khi trận chiến kết thúc.

Sau chiến thắng, bộ đội ta tổ chức một chiến dịch khác, vận chuyển hai chiếc M24 còn hoạt động được về Hà Nội. Lần này, hai chiếc xe tăng lại được tháo rời, đưa về trên xe tải, sau đó được lắp ráp lại và tham gia diễu binh ngày 2-9-1955, kỷ niệm 10 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại