Theo nhà máy đóng tàu Vympel, công ty ABS Electro đã cung cấp hệ thống điều khiển kỹ thuật và tổng đài thứ cấp cho đơn vị này phục vụ việc chế tạo cặp tàu tên lửa Molniya đề án 1242.1.
Cặp tàu tên lửa Molniya Đề án 1242.1 mang số hiệu #09301 và 09302 được khởi đóng trong giai đoạn 1991-1992 ở Vympel phục vụ thị trường xuất khẩu.
Thế nhưng, Vympel cũng như Rosoboronexport không tìm thấy vị khách nào, kể từ giữa những năm 1990, việc chế tạo đình chỉ. Hai con tàu nằm tại xưởng đóng tàu Vympel tới tận ngày nay, thậm chí chúng còn chưa được hạ thủy.
Đích đến là Syria hay Việt Nam?
Hiện chưa rõ chính xác điểm đến của tàu tên lửa Molniya, nguồn tin chỉ cho biết sơ sơ cặp tàu được "hoàn thiện và hiện đại hóa cho Bộ Quốc phòng Nga".
Dù là khả năng cao nhất, nhưng chưa chắc Hải quân Nga sẽ là lực lượng tiếp nhận cặp tàu "tuổi đời" 27 năm "chưa một lần ra biển".
Không loại trừ khả năng, Bộ Quốc phòng Nga sẽ chuyển giao cho một quốc gia nào đó như một món hàng "cho tặng".
Việc này là bình thường, nhằm đạt được mục đích hoặc lợi ích nào đó ảnh hưởng tầm quốc gia, Moscow sẵn sàng cung cấp vũ khí đã qua sử dụng cho các quốc gia "thân thiện".
Mới đây nhất, họ đã "biếu" cho Kyrgyzstan một số xe thiết giáp trinh sát BRDM-2M và trực thăng Mi-8MT. Trước khi chuyển giao, Moscow đã đại tu nâng cấp các khí tài này khá hiện đại.
Do đó, cũng có thể cặp tàu Molniya sẽ được dùng như một món quà tới quốc gia nào đó, ví như Syria chẳng hạn. Hải quân Syria hiện rất lạc hậu, đang cần tàu tên lửa hiện đại để có thể đối chọi lại các thế lực bên ngoài.
Một kịch bản ít khả năng hơn, có thể Nga đã tìm được khách hàng xuất khẩu cặp tàu này, tất nhiên với giá cả phải chăng vì cặp tàu này vốn đã nằm ụ gần 30 năm.
Cặp tàu Molniya đang đóng dở tại Vympel.
Ví dụ như Việt Nam - một trong những quốc gia sử dụng nhiều tàu Molniya nhất hiện nay với số lượng đến 12 chiếc gồm 2 phiên bản: 4 chiếc đề án 1241RE và 8 chiếc đề án 1241.8.
Trong đó, đáng chú ý, Việt Nam chỉ mua nguyên 2 chiếc 1241.8 từ Vympel, 6 chiếc còn lại được chế tạo tại nhà máy Ba Son theo giấy phép chuyển giao công nghệ cũng như các thành phần linh kiện từ Liên bang Nga.
Hiện nhà máy Ba Son đã đóng xong và chuyển giao toàn bộ 3 cặp tàu 6 chiếc Molniya 1241.8, sau đó chưa triển khai thêm loạt đóng mới nào.
Trong khi nhu cầu của HQND Việt Nam trong giai đoạn này vẫn cần có thêm các tàu mới nhằm tăng cường lực lượng trên biển.
Thế nên, chẳng thể loại trừ phương án dù ít khả năng nhưng hoàn toàn khả thi rằng Việt Nam mua nốt hai tàu Molniya 1242.1 đang nằm ở Vympel.
Cơ hội vàng sở hữu tên lửa chống hạm siêu âm
Nhìn chung, so với đề án 1241.8, 1242.1 có kích thước tương đương không khác biệt nhiều vì chúng vốn là những phiên bản của lớp tàu tên lửa Molniya.
Dĩ nhiên vẫn có những sự khác biệt lớn, đó là ở hệ thống tên lửa hành trình chống hạm, trong khi đề án 1241.8 của Việt Nam hiện trang bị tên lửa Uran-E (tầm bắn 130km, tốc độ bay cận âm), thì 1242.1 sử dụng tên lửa hành trình Moskit.
Tàu tên lửa Molniya 1242.1 trang bị hai bệ phóng với 4 quả đạn tên lửa hành trình chống hạm 3M80E Moskit-E.
Phóng tên lửa Moskit từ tàu Molniya.
Đây là loại tên lửa chống hạm tốc độ hành trình siêu âm Mach 3 (tương đương 3.675km/h), tầm bắn của phiên bản xuất khẩu 3M80E đạt 120km.
Với tốc độ khủng khiếp, 3M80E Moskit chỉ cho các tàu chiến đối phương khoảng 25-30 giây để phát hiện, vận hành hệ thống phòng thủ của mình. Đó là khoảng thời gian sinh tử quá ngắn ngủi khó có thể làm được gì để xoay chuyển tình thế.
Đó là chưa kể độ cao đường bay tên lửa chỉ 20m, siêu thấp "loại khỏi vòng chiến" vô số các hệ thống phòng không trên hạm tầm trung, tầm xa hiện đại.
Trang bị đầu đạn thuốc nổ mạnh 320kg, 3M80E Moskit khiến bất cứ địch thủ nào trả giá đắt.
Vì có trọng lượng mỗi quả đạn rất lớn (4,1 tấn, dài hơn 9m) nên số lượng đạn mang trên các tàu tên lửa Molniya có lượng giãn nước toàn tải 550 tấn, dài 56,1m chỉ là 4 quả.
Thế nhưng, đó cũng là đủ để khiến bất cứ kẻ thù nào run sợ.
Trong khi đó, tàu 1241.8 nổi bật với số lượng khổng lồ các tên lửa Uran-E (16 quả), nhưng tốc độ bay chỉ đạt cận âm, tầm bắn chỉ ngang ngửa Moskit E.
Dẫu vậy, nhìn toàn cảnh thì các tàu chiến của Hải quân Nhân dân Việt Nam hiện nay chưa có các tên lửa chống hạm siêu âm như Moskit. Việc bổ sung một loại vũ khí như vậy khiến mọi kẻ thù có âm mưu thâm độc phải sợ hãi.
"Bầy sói" Uran-E, Moskit E sẽ là cặp "bài trùng" giúp chúng ta khuất phục mọi kẻ thù trên biển dù họ có tàu to, súng lớn tới đâu!
Tham số kỹ thuật tàu tên lửa Molniya đề án 1242.1:
Lượng giãn nước: Tiêu chuẩn 450 tấn, toàn tải 550 tấn
Kích thước (dài + rộng + mớn nước): 56,1x10,2x2,65
Động cơ: hai động cơ tuabin khí M-15E.1 công suốt 16.000 mã lực; hai chân vịt; tốc độ tối đa 38 hải ly/h (dự trữ hành trình 3.800km với tốc độ 12 hải lý/h)
Vũ khí:
- 4 tên lửa 3M80E Moskit E - đài điều khiển hỏa lực 3Ts-80E
- 12 tên lửa phòng không Igla hoặc Igla 1
- Pháo hạm AK-176M với 320 viên đạn - đài điều khiển hỏa lực MR-123-02 Vympel-AM
- Hai bệ pháo AK-630M với 2.000 viên đạn
- Hệ thống gây nhiễu PK-10 với hai bệ KT-216
Thủy thủ đoàn 44 người
Tàu Molniya 1242.1 phóng tên lửa Moskit hạ mục tiêu trong chớp mắt!