Tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya: Nhỏ mà có võ
Có lẽ trên thế giới ít có loại tàu tên lửa tấn công nhanh cỡ nhỏ nào lại có hỏa lực mạnh như lớp tàu tên lửa tấn công Molniya mà Việt Nam, Ấn Độ và một vài nước khác đang sở hữu.
Tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya 1241.8 mang trên mình những đặc điểm hết sức độc đáo, phù hợp với chiến tranh phi đối xứng, nhất là với các quốc gia có tiềm lực hạn chế nhưng có thể phải đương đầu với những quốc gia có nhiều "tàu to, súng lớn" để thực hiện chiến thuật "hit and run - đánh nhanh, rút nhanh".
Ưu thế vượt trội của Molniya thể hiện ở độ tin cậy, tốc độ cực cao, linh hoạt kết hợp với vũ khí mạnh, số lượng lớn, biến nó thành mối đe dọa nguy hiểm đối với bất kỳ lực lượng hải quân nào.
Molniya 1241.8 có kích thước nhỏ, gọn, nhưng lại có tốc độ cao (gần 80km/h) và hỏa lực mạnh (16 tên lửa diệt hạm Kh-35 Uran-E), được Văn phòng thiết kế Hải quân Trung ương Almaz (Nga) thuộc hàng đẳng cấp nhất Thế giới phát triển để tiêu diệt các tàu chiến, tàu vận tải cũng như các tàu đổ bộ của đối phương trên vùng biển mở.
Nếu để biên đội 2 chiếc tàu tên lửa tấn công Molniya của hải quân của một nước bất kỳ tiếp cận ở cự ly phóng hiệu quả thì nhóm tàu đối phương có thể sẽ phải hứng chịu cơn mưa tên lửa khủng khiếp.
Hàng chục quả tên lửa diệt hạm Kh-35 có diện tích phản xạ radar rất nhỏ lại bay cực thấp, bám đỉnh sóng, rất khó bị phát hiện như "bầy sói" lao đến tấn công cùng lúc từ nhiều hướng khiến các hệ thống phòng thủ tên lửa đối phương bị quá tải, đánh chặn không xuể và bị xuyên thủng.
Đó là chưa kể trong tương lai có thể lớp tàu này còn được trang bị phiên bản tên lửa diệt hạm Kh-35U hiện đại và tầm bắn xa hơn, càng khiến Molniya trở nên đáng sợ hơn.
Tinh hoa vũ khí Việt sắp được xuất khẩu
Nhờ bàn tay, khối óc tài hoa của các kỹ sư Tổng công ty Ba Son (Tổng cục CNQP), những con tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya 1241.8 lần lượt ra đời, được đưa vào biến chế đã tạo ra một bước ngoặt mới trong tiến trình hiện đại hóa của Hải quân Việt Nam.
Cả nước nức lòng với những tiến bộ không ngừng của đội ngũ kỹ sư, thợ kỹ thuật của Ba Son trong việc làm chủ những công nghệ mới, tích lũy được nhiều kinh nghiệm và có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước tới 300 tỷ đồng.
Quan trọng là Ba Son đã làm chủ được công nghệ, nhất là công nghệ đóng tổng đoạn và tự động hóa công nghệ hàn ti-tan, những công đoạn khó nhất, góp phần rút ngắn thời gian thi công và đảm bảo chất lượng cao nhất cho từng con tàu.
Trong bối cảnh "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", khi Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ công nghệ đóng tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya thì việc đem giới thiệu cùng bạn bè quốc tế nhằm tìm kiếm cơ hội xuất khẩu cũng đã đến lúc chín muồi.
Mô hình tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya với các bệ phóng tên lửa Kh-35 Uran-E đặc trưng được giới thiệu tại Triển lãm Indodefence 2018.
Thật vậy, mẫu tàu Molniya "Made in Vietnam" đã lần đầu tiên chính thức xuất ngoại tới chinh phục khách hàng quốc tế tại Triển lãm Indodefence 2018. Đây là tín hiệu hết sức vui mừng, đánh dấu một bước phát triển mới của công nghiệp đóng tàu quân sự Việt Nam mà trong đó Tcty Ba Son là một mũi nhọn.
Tất nhiên, từ khi bắt đầu xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng đến ký những hợp đồng xuất khẩu đầu tiên sẽ còn phải mất nhiều thời gian nữa.
Mọi việc chắc chắn sẽ không hề dễ dàng và chúng ta còn phải được sự chấp thuận của Nga trong việc đồng ý cho phép Việt Nam xuất khẩu loại tàu này đồng thời cung cấp những vũ khí, trang bị kèm theo tàu mà chúng ta chưa tự sản xuất được.
Tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya (Dự án 1241.8) mang được 16 quả tên lửa diệt hạm Kh-35. Ảnh: QĐND.
Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng các tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya - "tinh hoa vũ khí Việt" sẽ sớm chinh phục được khách hàng nhờ những thế mạnh độc nhất vô nhị:
Thứ nhất, bản thân tàu Molniya sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội về các đặc tính kỹ - chiến thuật như đã phân tích ở trên.
Thứ hai, Việt Nam đã làm chủ hoàn toàn công nghệ đóng mới loại tàu này cho phép sản xuất hàng loạt một cách nhanh chóng, nhất là khi cơ sở vật chất kỹ thuật của Tổng công ty Ba Son ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã được xây mới theo hướng hiện đại, sẵn sàng đáp ứng bất cứ đơn hàng xuất khẩu nào.
Đồng thời, nhờ làm chủ công nghệ, ứng dụng nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, cho phép tiết kiệm chi phí, giảm giá thành chế tạo, khiến sản phẩm trở nên hết sức cạnh tranh, phù hợp với những quốc gia có tiềm lực kinh tế hạn chế.
Hy vọng, trong tương lai không xa, những chiếc tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya "Made in Vietnam" sẽ có mặt trong biên chế hải quân của nhiều quốc gia khác, mở cánh cửa, đưa tinh hoa vũ khí Việt, trong đó có ngành công nghiệp đóng tàu quân sự đến với thế giới rộng lớn.