Mỹ nên "thư giãn" với S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga vì giờ đâu phải thời Chiến tranh Lạnh?

Quốc Vinh |

Mỹ cần thư giãn và gạt sang một bên nỗi sợ hãi rằng S-400 sẽ là cầu nối giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga trong việc chống lại mình. Hơn tất cả, cả Washington và Ankara không nên đánh mất nhau.

Với việc Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đầu tiên của NATO ký hợp đồng mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga , đây là bước đi cho thấy Ankara không chịu áp lực về chính sách đối ngoại từ các cường quốc đồng minh, người đứng đầu Rostec – Tập đoàn công nghiệp quốc phòng của Nga nói hôm 2/5.

Bất chấp áp lực chưa từng có liên quan đến thỏa thuận S-400, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục giữ một lập trường rất trực tiếp và nhất quán liên quan đến việc thực hiện tất cả các điều khoản trong hợp đồng, ông Serge Chemezov của Tập đoàn Rostec nói với hãng thông tấn Anadolu ở Moscow.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ không chịu áp lực từ các đối tác là điều thể hiện sự độc lập trong chính sách đối ngoại của mình, ông nói thêm.

"Chúng tôi đã ký hợp đồng S-400 vào năm 2017, và trong năm nay, chúng tôi có kế hoạch kết thúc tất cả các đợt giao hàng", ông Chemezov nói và cho biết thỏa thuận này có ý nghĩa đối với cả Moscow và Ankara.

Ông cũng cho biết Nga đã mời gọi triển vọng hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ trong việc phát triển hệ thống phòng không thế hệ tiếp theo - dự án S-500.

"S-500 hiện đang được phát triển và sẽ là một hệ thống phòng không tối tân của Nga mà không hệ thống nào sánh bằng trên toàn thế giới", ông nhấn mạnh cả hai nước đều có khả năng đóng góp cho dự án như vậy.

Nga sẵn sàng thay thế F-35 bằng Su-57

Ông Chemezov nhấn mạnh Nga "sẵn sàng hợp tác" để bán máy bay chiến đấu Su-57 nếu chương trình hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ về máy bay F-35 thất bại.

"Các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm này có những đặc tính nổi bật và rất hứa hẹn cho xuất khẩu", ông cũng tiết lộ thêm về việc các mẫu Su-57 của Nga đã sẵn sàng để bán.

Khi được hỏi về khả năng sản xuất S-400 và Su-57 ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông Chemezov cho biết, Nga sẽ "sẵn sàng đánh giá" bất kỳ đề xuất nào của Thổ Nhĩ Kỳ trong mong muốn nội địa hóa hoặc chuyển giao công nghệ.

Chemezov nói thêm: "Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ mong muốn của Thổ Nhĩ Kỳ để phát triển ngành công nghiệp quốc phòng của riêng mình".

S-400 có làm kết thúc liên minh Thổ Nhĩ Kỳ với NATO?

Mỹ nên thư giãn với S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga vì giờ đâu phải thời Chiến tranh Lạnh? - Ảnh 2.

Thổ Nhĩ Kỳ không muốn bị phụ thuộc vào Mỹ.

Trước những căng thẳng bùng nổ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ xoanh quay hợp đồng S-400, vốn có nguy cơ dẫn đến sự tan vỡ quan hệ liên minh giữa hai nước, Nagehan Alci, cây bút bình luận trên tờ Daily Sabah tin rằng cả hai nước "không nên để mất nhau".

"Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ là những đồng minh cũ. Họ cần nhau. Họ đã là đối tác chiến lược trong nhiều thập kỷ. Mỹ không thể mất Thổ Nhĩ Kỳ vì đây là cường quốc dân chủ duy nhất ở Trung Đông có mối quan hệ chặt chẽ với khối phương Tây", cây bút Alci nhận định.

"Mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ cũng không thể để mất Mỹ vì nước này được hưởng lợi từ chính sách đối ngoại đa chiều và mối quan hệ giữa cả hai vượt xa về ý nghĩa chiến lược hay chính trị".

Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ không nên để cuộc khủng hoảng S-400 làm lu mờ tình bạn và liên minh.

Mỹ đang cố gắng gây áp lực với Ankara bằng cách đe dọa loại trừ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi dự án F-35. Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan hôm 30/4 nói rằng dự án máy bay chiến đấu F-35 sẽ sụp đổ nếu Thổ Nhĩ Kỳ không tham gia.

Giống như các đồng minh NATO khác, Thổ Nhĩ Kỳ vừa là khách hàng tiềm năng vừa là đối tác trong việc sản xuất F-35 - vũ khí được đưa vào hoạt động tại Mỹ vào năm 2015. Ankara đã đề xuất thiết lập một nhóm làm việc với Mỹ để đánh giá tác động của S- 400 liên quan đến dự án nhưng chưa nhận được phản hồi từ các quan chức Mỹ.

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã phản ứng với các lời đe dọa loại trừ khỏi dự án F-35 do mua các hệ thống S-400 của Nga, nhấn mạnh rằng Ankara có các đối tác đa chiều và đưa ra quyết định theo lợi ích của mình.

"Tôi nghĩ điều quan trọng là phải nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ không xem việc mua S-400 là một bước đi để thay đổi chính sách đối ngoại của mình.

Họ đang coi Mỹ là đối tác chiến lược và không muốn đưa ra kế hoạch bất lợi nào như lo ngại về cái gọi là hệ thống tên lửa có thể là mối đe dọa đối với NATO", cây bút Alci nhận định.

Với quan điểm này, Thổ Nhĩ Kỳ đang và sẽ luôn là thành viên NATO. Đây là một quốc gia mạnh trong liên minh và không thể nghĩ đến một hành động chống lại lợi ích của NATO.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ không muốn bị phụ thuộc vào Mỹ. Ankara cho rằng mình là một quốc gia lớn và muốn tự do tham gia vào các mối quan hệ với càng nhiều cường quốc càng tốt.

"Mỹ cần thư giãn và gạt sang một bên nỗi sợ hãi rằng Thổ Nhĩ Kỳ quan hệ gần gũi với Nga sẽ là mối đe dọa đối với Mỹ. Đây là lối suy nghĩ mang âm hưởng Chiến tranh Lạnh, nhưng Chiến tranh Lạnh đã kết thúc.

Có thể có căng thẳng giữa Mỹ và Nga, nhưng thế giới không phải là lưỡng cực. Nó là đa cực, và Thổ Nhĩ Kỳ muốn có một vị trí trong thế giới đa cực này thông qua các mối quan hệ đa chiều", cây bút Alci bình luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại