Kênh truyền hình Zvezda, được nói là kênh chính thức của Bộ Quốc phòng Nga, đã công bố một video hoạt động tập luyện này. Trong đoạn clip, một máy bay Il-76 đang thực hiện tiếp dầu trên không cho một máy bay tiêm-cường kích Su-34.
Một đoạn video dài hơn một chút nhưng mô tả cùng một sự kiện xuất hiện trên YouTube, cho thấy cảnh đầu phễu của đường ống chuyển dầu máy bay Il-76 đã tiếp cận được đầu nhận dầu của máy bay Su-34.
Cuộc tập dượt lần này khác các hoạt động tập luyện tiếp dầu trước đó ở chỗ chiếc Su-34 không chỉ tiếp dầu trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, trong khi phải đối phó với tình trạng mất tín hiệu liên lạc do đối phương thực hiện gây nhiễu điện từ.
Cường kích Su-34 tập bài bay cực khó
Máy bay Su-34, NATO định danh là “Fullback”, được giới thiệu vào năm 2014 và tiếp tục trở thành máy bay được liên tục đặt hàng trong các lực lượng vũ trang Nga. Gần đây nhất, Quân khu Trung tâm của Nga đã bắt đầu xây dựng phi đội Su-34 thứ hai sau khi thành lập phi đội thứ nhất hồi đầu năm 2018.
“Hiện nay chúng tôi đã bắt đầu tiến trình thành lập phi đội Su-34 thứ hai trong trung đoàn không quân của chúng tôi. Chúng tôi đã nhận được 18 máy bay kể từ năm 2018 và sẽ tiếp nhận thêm 6 chiếc cho đến cuối năm 2019”, Quân khu Trung tâm của Nga cho biết.
Theo một số chuyên gia Mỹ, ý tưởng ra đời máy bay Su-34 là khá cũ kỹ. Việc phát triển nó được bắt đầu từ đầu những năm 1980, nhưng mọi việc đình trệ do thiếu ngân sách, hậu quả của việc Liên Xô sụp đổ đầu những năm 1990.
Chương trình Su-34 mãi đến năm 2005 mới được làm sống lại, khi nhiều bộ phận hợp thành chưa hoàn tất nhưng đã đứng trên bờ vực lạc hậu (tất nhiên đây mới chỉ là ý kiến của phía Mỹ).
Nhưng thay vì từ bỏ chương trình Su-34, các nhà thiết kế Nga chọn con đường hiện đại hóa nó với các nâng cấp điện tử hàng không tương tự với trường hợp các máy bay ra đời từ thời Xô-viết: số hóa các bảng táp lô, đồng hồ, cải thiện hệ thống định vị và nâng cấp năng lực đối phó điện tử (ECM).
Riêng phần ECM là một bước tiến rất đáng kể của Su-34: các kỹ sư Nga nói một chiếc Su-34 với phần ECM chuyên biệt có thể tạo ra một bức màn hiệu quả giúp nhiều máy bay chiến đấu khác “biến mất khỏi màn hình radar đối phương”.
Năng lực tấn công của Su-34 được xem là kết hợp của nhiều tiến bộ khoa học hàng không Nga, với 12 mấu cứng mang vũ khí được thiết kế để có thể mang rất nhiều loại tên lửa từ chống hạm, đối không đến đối đất.
Trừ hoạt động thử nghiệm giới hạn, ngắn ngủi dòng tiêm kích tàng hình Su-57 trên chiến trường Syria giai đoạn sau, máy bay Su-34 được đa số công nhận là dòng chiến đấu cơ tiên tiến nhất về công nghệ của Nga được không quân nước này triển khai ở Syria.
Các máy bay Su-34 được trang bị tên lửa không đối không bắt đầu tác chiến ở Syria, biện pháp đối phó của Nga để đáp trả vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một cường kích Su-24 vào tháng 11/2015.
Không quân Nga được cho là sẽ duy trì các phi đội Su-34 như là xương sống của lực lượng ném bom chiến thuật trong nhiều thập kỷ tới, trong khi các máy bay Su-24, Su-25 đang dần trở nên già nua và dần dần bị loại biên.