Báo chí Trung Quốc cho biết vào hôm 27/2, tàu sân bay đầu tiên của hải quân nước này - chiếc Liêu Ninh số hiệu CV-16 đã tiến ra biển để thử nghiệm lần đầu tiên sau khi hoàn thành quá trình nâng cấp, chiếc chiến hạm trở về Nhà máy đóng tàu Đại Liên sau đó 5 hôm, vào ngày 4/3.
Trong quá trình kiểm tra tại nhà máy, truyền thông Trung Quốc có ghi nhận sự xuất hiện trên boong tàu tiêm kích hạm J-15 cùng với trực thăng vận tải Z-8, cùng một số phương tiện hỗ trợ như xe kéo máy bay, xe cứu hỏa... dẫn tới nhận định rằng các bài tập cất hạ cánh sẽ được tiến hành.
Mặc dù vậy khi chiếc Liêu Ninh quay trở lại xưởng chế tạo thì trên sàn đáp của nó không ghi nhận có dấu vết của bánh xe và khá sạch sẽ, cho thấy chuyến đi biển vừa qua chỉ đơn giản là thử độ ổn định cùng các thiết bị điện tử mới trang bị, con tàu sẽ còn phải tiến hành một số bài đánh giá nữa trước khi chính thức quay lại phục vụ.
Tàu sân bay Liêu Ninh (CV-16) của Hải quân Trung Quốc trước và sau khi nâng cấp
Được biết quá trình hiện đại hóa dài ngày đã thay đổi khá nhiều chi tiết nguyên bản trên tàu sân bay Liêu Ninh, ví dụ như tháp chỉ huy được chỉnh sửa để trở nên gọn gàng hơn, đi kèm với việc lắp đặt thêm một số khí tài điện tử và radar thế hệ mới có năng lực cao.
Nhưng chi tiết được chú ý nhiều nhất lại nằm ở phần đuôi tàu (được đánh dấu bằng các ô chữ nhật màu đỏ), nếu quan sát kỹ sẽ dễ dàng nhận thấy sự thay đổi đáng kể so với nguyên bản khi con tàu mới đi vào phục vụ trong Hải quân Trung Quốc hồi năm 2012.
Căn cứ vào kết cấu cũ, đây chính là vị trí lắp đặt các bệ phóng thẳng đứng tương thích tên lửa phòng không tầm ngắn 9M331 thuộc tổ hợp SA-N-9, Trung Quốc đã tiến hành loại bỏ chi tiết này để mở rộng sàn tàu nhằm lấy không gian cho việc tập kết thêm máy bay trên boong.
Tên lửa đánh chặn tầm ngắn 9M331 thuộc tổ hợp phòng không SA-N-9 Gauntlet
Việc Hải quân Trung Quốc (PLAN) quyết định loại bỏ các ống phóng tên lửa SA-N-9 cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều, ban đầu có nhận định cho rằng việc sửa đổi sàn tàu là điều bắt buộc do Bắc Kinh không có đạn tên lửa để lắp vào.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng Gauntlet chỉ là bản hải quân của Tor-M1 trong khi Trung Quốc đã chế tạo bản sao của nó là HQ-17 dưới sự hỗ trợ công nghệ của Nga, bởi vậy nếu có nhu cầu thì họ thừa khả năng lấp đầy các ống phóng trên.
Giải thích được nhiều sự đồng tình hơn cả nằm ở tư duy sử dụng của PLAN, họ không thích các bệ phóng tên lửa nằm ngay trên boong tàu như cách mà Liên Xô/Nga vẫn thường làm, để phòng thủ tầm ngắn cho chiến hạm họ đã tin dùng tổ hợp HHQ-10 hơn (tính năng tương đương RIM-116 Rolling Airframe của Mỹ), cho nên thay đổi trên là điều không có gì khó hiểu.
Tàu chiến của Hạm đội Phương Bắc - Hải quân Nga bắn tên lửa phòng không tầm ngắn SA-N-9 trong diễn tập