Ông Boris Pistorius. Ảnh: AP
Theo tờ The Guardian, ông Pistorius sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của mình vào ngày 20/1. Khi đó, các đồng minh phương Tây sẽ gặp nhau tại căn cứ Ramstein của quân đội Mỹ ở Tây Nam nước Đức để thảo luận về vấn đề cung cấp cho Ukraine nhiều vũ khí và thiết bị hơn.
Cho đến nay, Đức vẫn cực kỳ thận trọng trong vấn đề gửi xe tăng Leopard hạng nặng tới Ukraine, do lo ngại rằng quyết định này có thể dẫn đến leo thang xung đột. Các quốc gia khác có xe tăng Leopard do Đức chế tạo cần có sự cho phép của Đức thì mới được gửi xe tăng này đến một quốc gia khác.
Ông Pistorius là thành viên đảng Dân chủ Xã hội của Thủ tướng Olaf Scholz, nhưng việc Thủ tướng Scholz bổ nhiệm ông là một điều bất ngờ, nhất là vì ông ít được biết đến ở Đức và trên thế giới. Thủ tướng Scholz buộc phải thay thế bà Christine Lambrecht sau khi bà đã mắc một loạt sai lầm trong thời gian ngắn làm Bộ trưởng Quốc phòng.
Điều quan trọng đối với Thủ tướng Scholz là ông Pistorius đã lên tiếng ủng hộ hỗ trợ Ukraine tự vệ.
Ông Robert Habeck, Bộ trưởng kinh tế kiêm Phó thủ tướng Đức, cho biết quyết định đầu tiên và quan trọng của bộ trưởng quốc phòng mới sẽ liên quan đến vấn đề viện trợ xe tăng cho Ukraine. Vấn đề cấp bách là nên hỗ trợ Ukraine như thế nào để nước này có thể tự vệ. Đây sẽ là một quyết định quan trọng trước mắt mà bộ trưởng mới sẽ phải giải quyết.
Từ lâu, người ta đã suy đoán rằng ông Pistorius có tham vọng chính trị lớn hơn. Ông đã vận động để trở thành lãnh đạo của đảng Dân chủ Xã hội và từng là ứng viên tiềm năng cho chức bộ trưởng nội vụ khi Thủ tướng Scholz thành lập chính quyền mới vào cuối năm 2022.
Người ta kỳ vọng ông Pistorius sẽ thể hiện sự nhanh nhạy trong mua thiết bị mới và giải quyết các vấn đề kinh niên như thiếu đạn dược và lỗi trong thiết bị quân sự hiện nay của Đức. Ông cũng sẽ phải giám sát quá trình rút quân đội Đức khỏi Mali, dự kiến diễn ra vào năm tới.
Trong khi đó, việc Pháp đồng ý cung cấp xe thiết giáp AMX-10 RC cho Ukraine đã khiến Đức cảm thấy ngày càng áp lực. Thủ tướng Scholz luôn phải đối phó với những lời kêu gọi lặp đi lặp lại về việc cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Ukraine để giúp kết thúc cuộc xung đột nhanh hơn.
Sau khi Pháp có động thái trên, ngày 5/1, ông Guy Verhofstadt, cựu Thủ tướng Bỉ, đã ca ngợi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và nhắc tới Đức: “Tầm lãnh đạo mạnh mẽ của ông Emmanuel Macron. Bây giờ Chính phủ Đức không còn nơi nào để trốn”.
Xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 của lực lượng vũ trang Đức. Ảnh: AFP
Trong thực tế, Đức không muốn cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Ukraine khi không có sự ủng hộ từ đồng minh. Báo Mỹ Politico cho biết Thủ tướng Scholz sẽ nghe theo Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc có nên viện trợ Ukraine xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 trong cuộc xung đột với Nga hay không.
Thủ tướng Scholz giải thích rằng chưa có quốc gia nào trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gửi loại xe tăng này tới Ukraine và nhấn mạnh Đức không nên là nước đầu tiên. Ông nói thêm những bước đi như vậy nên được các đồng minh phối hợp.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba đã chỉ trích Đức vì lưỡng lự cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 cho Kiev. Ông cho biết Chính phủ Ukraine không thể hiểu tại sao Đức lại gửi pháo mà không phải xe tăng hạng nặng cho Ukraine. “Thành thật mà nói, chúng tôi không hiểu lập trường của họ”, ông Kubela nói, đồng thời cho biết thêm rằng việc thiếu vũ khí có nghĩa là cuộc xung đột sẽ kéo dài hơn, không phù hợp với lợi ích của cả Ukraine và những đồng minh phương Tây.
Nga đã nhiều lần cảnh báo các nước phương Tây không gửi vũ khí cho Ukraine do cho rằng điều đó sẽ chỉ kéo dài chiến sự. Ngày 10/2, Thư ký báo chí Điện Kremlin Dmitry Peskov cáo buộc NATO và Mỹ tham gia vào cuộc xung đột này dù chỉ là gián tiếp với hành động liên tục gửi vũ khí cho Ukraine.