Taliban đối mặt với hàng loạt đe dọa của khủng bố IS và lực lượng nổi dậy

Trung Hiếu |

Một báo cáo mới của Liên Hợp Quốc cho hay, với việc thời tiết tốt trở lại, bạo lực ở Afghanistan sẽ gia tăng trong bối cảnh các nhóm chống Taliban, bao gồm tổ chức khủng bố IS và các lực lượng của chế độ cũ, gia tăng hoạt động.

Chiến binh Taliban. Ảnh: BBC.

Chiến binh Taliban. Ảnh: BBC.

Kẻ thù chính của Taliban

Lực lượng Taliban cầm quyền tại Afghanistan đang phải duy trì quan hệ với al-Qaeda khi họ củng cố quyền kiểm soát trên khắp đất nước. Mối đe dọa chính của Taliban là nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các cuộc tấn công kiểu du kích do các nhóm tàn quân của chế độ cũ thực hiện, theo các chuyên gia của Liên Hợp Quốc.

Báo cáo - dùng để trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc - đánh giá rằng cả IS và al-Qaeda đều chưa có khả năng thực hiện các cuộc tấn công khủng bố quốc tế trước năm 2023.

Tuy nhiên, báo cáo cho biết sự hiện diện của IS, al-Qaeda, và "nhiều nhóm khủng bố khác và các chiến binh trên đất Afghanistan" đang gia tăng quan ngại tại các nước láng giềng và trong cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn.

Kể từ khi lên nắm quyền ở Afghanistan vào ngày 15/8/2021, Taliban đã có xu hướng "ưu ái lòng trung thành và tuổi tác hơn năng lực và quá trình ra quyết định của họ thường mập mờ, thiếu nhất quán".

Nhóm chuyên gia nói trên chuyên theo dõi các lệnh trừng phạt nhằm vào Taliban. Họ cho rằng giới thủ lĩnh Taliban đã bổ nhiệm vào Nội các và vị trí cấp cao 41 người trong danh sách đen trừng phạt của Mỹ. Họ ưa thích nhóm dân tộc Pashtun chiếm đa số, đẩy các nhóm thiểu số ra xa, bao gồm Tajikistan và Uzbekistan.

Mối quan tâm chính của Taliban là củng cố kiểm soát "trong khi tìm kiếm sự công nhận của quốc tế, để tương tác trở lại với hệ thống tài chính quốc tế và nhận viện trợ nhằm giải quyết khủng hoảng nhân đạo và tình hình kinh tế đang ngày càng xấu đi ở Afghanistan".

Nhóm chuyên gia nhận định: "Kể từ khi nắm quyền, đã có nhiều nhân tố tạo ra căng thẳng bên trong nội bộ phong trào này, dẫn tới cảm nhận rằng sự cai quản của Taliban là hỗn loạn, thiếu liên kết, và có xu hướng đảo ngược các chính sách rồi thất hứa".

Khi Taliban trong quá trình chuyển đổi từ một lực lượng nổi dậy thành một lực lượng cầm quyền, họ đã bị chia rẽ giữa nhóm thực dụng và và nhóm cứng rắn - những người đang nắm thế thượng phong và muốn quay ngược đồng hồ trở lại với gia đoạn Taliban cai trị hà khắc từ năm 1996 đến cuối năm 2001.

Đến nay, các nỗ lực của Taliban nhằm giành sự công nhận và viện trợ từ phương Tây vừa chưa mang lại kết quả, chủ yếu do họ chưa thành lập được một chính phủ có tính đại diện rộng hơn nữa. Đã vậy Taliban còn hạn chế quyền của các bé gái được tới trường học sau khi học xong tiểu học cũng như quyền của phụ nữ được đi làm và đi ra ngoài mà không cần một nam giới là người thân giám hộ.

Các chuyên gia cho rằng cái khó khăn ở đây là làm thế nào để một phong trào với hệ tư tưởng cứng nhắc có thể tương tác với một xã hội đã phát triển nhiều trong 20 năm qua. "Còn cả các căng thẳng xoay quanh quyền lực, nguồn lực, các chia rẽ về vùng miền và sắc tộc".

Taliban tiếp tục bị cô lập giữa lúc khó khăn chồng chất

Bất chấp các vấn đề nghiêm trọng này, giới chuyên tra trên cho rằng Taliban "có vẻ vẫn tự tin vào khả năng kiểm soát đất nước và "đợi chờ" cộng đồng quốc tế công nhận chính phủ của họ".

"Taliban đánh giá rằng nếu họ không nhượng bộ thêm thì cộng đồng quốc tế sẽ cuối cùng công nhận họ với tư cách là chính phủ Afghanistan, đặc biệt là khi thiếu vắng một chính phủ lưu vong hoặc một phong trào kháng chiến đáng kể".

Cho tới nay chưa có một đất nước nào chính thức công nhận Taliban và quốc tế ngày càng tức giận trước thực tế Taliban đối xử tệ hại với phụ nữ và trẻ em gái cũng như việc tổ chức này đã không giữ lời hứa về thành lập một chính phủ bao trùm. Cũng có các quan ngại về việc Taliban không có khả năng giữ lời hứa ngăn chặn các nhóm khủng bố hoạt động ở Afghanistan.

Giới chuyên gia cho biết, Mạng lưới Haqqani - một nhóm chiến binh Hồi giáo có mối liên hệ chặt chẽ với Taliban, đã hành động nhanh chóng và kiểm soát được các bộ trọng yếu trong chính quyền Taliban, bao gồm bộ nội vụ, bộ phận tình báo, bộ phận hộ chiếu và xuất nhập cảnh. Nhóm này giờ "kiểm soát phần lớn an ninh ở Afghanistan, bao gồm cả an ninh thủ đô Kabul".

Theo các chuyên gia, "Mạng lưới Haqqani vẫn bị coi là có mối liên hệ gần gũi với al-Qaeda" và mối quan hệ giữa Taliban và al-Qaeda vẫn thân thiết. Có thông tin về sự hiện diện của "ban lãnh đạo cốt lõi" của al-Qaeda ở miền Đông Afghanistan, trong đó có thủ lĩnh Ayman al-Zawahri.

Để chống lại IS, báo cáo trích dẫn một nước (không được xác định) tuyên bố rằng Taliban đã tạo ra 3 tiểu đoàn đặc nhiệm gọi là "các đơn vị đỏ".

Sự trỗi dậy của Mặt trận Kháng chiến Quốc gia và Mặt trận Tự do Afghanistan bao gồm các thành viên lực lượng an ninh, vũ trang của chính quyền Afghanistan cũ đã "khiến Taliban lựa chọn các giải pháp cứng rắn hơn đối với các nhóm dân ủng hộ các hoạt động chống Taliban.

Hồi tháng 4, các lực lượng của Mặt trận Kháng chiến Quốc gia đã đẩy mạnh hoạt động ở các tỉnh Badakhshan, Baghlan, Jowzjan, Kunduz, Panjshir, Takhar và Samangan.

Mặt trận Tự do Afghanistan mới nổi lên gần đây "cũng nhận trách nhiệm về một số vụ tấn công nhằm vào các căn cứ Taliban ở Badakhshan, Kandahar, Parwan và Samangan".

Do vậy, Taliban có thể rơi vào thế khó khi bị vài phong trào nổi dậy tấn công cùng một lúc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại