Hình minh họa.
Khởi đầu từ số phận của Soái hạm Moskva
Tôi (Roman Skomorokhov) chỉ có vài từ về Soái hạm Moskva - đơn giản là số phận của con tàu đã trở thành một biểu tượng, không chỉ là biểu tượng về Hạm đội Biển Đen mà còn biểu tượng của những thứ thường xảy đến với các hạm đội Nga.
"Cái tát" mà Hải quân Nga nhận được sau việc Moskva chìm xuống đáy biển chỉ mới là khởi đầu - không có nghi ngờ gì về việc sẽ có "các tập tiếp theo".
Nguyên nhân là gì? Một "Недоракета" (khối u bị hoại tử) được đóng từ những năm 70 của thế kỷ trước? Một sự cố trong đường điện? Việc thiếu đào tạo trong thủy thủ đoàn?
Hình ảnh được cho là Soái hạm - Tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường Moskva bốc khói đen sau khi trúng tên lửa Neptune của Ukraine (Ảnh: Twitter/Osinttechnical).
Tất cả có thể góp phần dẫn đến kết quả đáng buồn - nhưng vấn đề quan trọng nhất lại nằm ở khía cạnh khác - Moskva là một con tàu cũ, han rỉ và người ta vẫn đang nghĩ rằng việc sửa chữa nó sẽ tiết kiệm hơn.
Hậu quả của tư duy này - bất chấp những lời hứa của công xưởng ở Sevastopol rằng Moskva sẽ tiếp tục phục vụ trong hơn chục năm nữa - con tàu đã nhanh chóng chìm xuống đáy biển.
Ai là người chịu trách nhiệm? Theo thông báo "chúng tôi sẽ tìm hiểu sau" của nhà chức trách thì lý do vẫn chưa và sẽ không được tìm ra. Tuy nhiên, vấn đề là tất cả các tàu chiến trên 20 năm tuổi của Hải quân Nga đều ở trong tình trạng "Moskva".
Điểm mặt các "ông lão" trong Hải quân Nga
Để nói về các "ông lão" của Hải quân Nga không thể không nhắc tới Tuần dương hạm mang máy bay Đô đốc Kuznetsov - Soái hạm của Hạm đội Phương Bắc. Câu chuyện sửa chữa Kuznetsov đã trở thành là một đề tài dường như là vĩnh cửu.
Không biết bao nhiêu lần về chủ đề tranh cãi về việc Hải quân Nga có cần một tàu sân bay luôn bốc khói (về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) hay không đã được đưa ra - nhưng trong lúc đó hàng tỷ rúp vẫn tiếp tục biến mất cùng con tàu này.
Khói bốc lên từ Tuần dương hạm mang máy bay Đô đốc Kuznetsov trong vụ cháy vào cuối năm 2019 khi con tàu đang cảng Murmansk (Ảnh: TASS).
Rõ ràng Đô đốc Kuznetsov vẫn chưa sẵn sàng cho bất cứ điều gì khác ngoại trừ làm "bốc hơi" số tiền khổng lồ.
Và theo sau nó sẽ cần kể đến tuần dương hạm hạt nhân hạng nặng mang tên lửa đạn đạo Đô đốc Nakhimov lớp Kirov.
Con tàu với cái tên dài ngoằng hiện đang được sửa chữa trong một thời gian cũng dài không kém. Cụ thể là Đô đốc Nakhimov đã đến đã đến Sevmash để sửa chữa vào năm 1999 và từ đó tới nay đã là 23 năm.
Dự kiến tuần dương hạm có thể được tái thử nghiệm vào cuối năm 2024 - đầu năm 2025. Tức là quá trình sửa chữa có thể đạt tới 1/4 thế kỷ.
Tuần dương hạm hạt nhân Đô đốc Nakhimov lớp Kirov (Nguồn: Topwar).
Tiếp theo, chúng ta có khu trục hạm Đô đốc Chabanenko.
Có thể nói con tàu không cũ như 2 ví dụ nói trên, nó được đặt đóng năm 1989, hạ thủy năm 1992 và bàn giao cho Hải quân Nga vào năm 1999. Cần lưu ý với điều kiện hiện tại việc chúng ta (Nga) đóng một con tàu trong 10 năm đã trở thành điều bình thường.
Cho tới nay Đô đốc Chabanenko là đại diện duy nhất của lớp Đề án 1155.1 (UdaloyII), một sửa đổi từ lớp Đề án 1155 (Udaloy).
Điểm đáng chú ý của con tàu là 8 bệ phóng cho tên lửa chống hạm Moskit, hệ thống phòng không Kinzhal, 2 hệ thống phòng không Tor, 2 hệ thống phóng lôi 5 ống 533 mm, 2 bệ phóng tên lửa chống ngầm RBU-12000, hải pháo AK-130 130 mm và trực thăng Ka-27PL.
Đô đốc Chabanenko đã trở thành lá cờ đầu của Hải quân Nga trong nhiều năm và hoạt động tại nhiều vùng nước trên thế giới, chống cướp biển ở Vịnh Aden và vùng Sừng Châu Phi... Nói chung là con tàu đã được sử dụng tối đa công suất và đã được đưa đi sửa chữa vào năm 2014.
Khu trục hạm Đô đốc Chabanenko (Nguồn: Topwar).
Kể từ đó tới nay con tàu vẫn tiếp tục nằm lại tại nhà máy đóng tàu Nerpa - nơi người ta nói rằng công việc sẽ hoàn tất vào cuối năm 2022.
Được biết quá trình sửa chữa liên quan tới tất cả các thiết bị điện tử, nâng cấp bệ phóng tên lửa chống hạm từ Moskit sang Urani và bổ sung 2 cụm 8 ống phóng tên lửa 3C14 có thể khai hỏa Kalibr và Onyx ở mũi tàu.
Nếu các nâng cấp này được hoàn thiện, sức tấn công của tàu sẽ tăng lên 4 lần, có thể khai hỏa từ 8 lên 32 tên lửa trong một đợt bắn. Và nếu có đủ tiền họ sẽ thay thế Tor bằng Buk - một tổ hợp phòng không toàn diện và hiện đại hơn.
Ngay cả khi việc thay thế động cơ, các đường ống và hệ thống điện đã được hoàn thành thì việc thay thế số lượng lớn vũ khí và thiết bị điện tử nhanh chóng như vậy là điều đáng nghi ngờ và kịch bản lạc quan nhất có thể sẽ chỉ xảy đến sau năm 2024.
Con tàu thứ tư được nhắc tới sẽ là Khinh hạm Neustrashimyy.
Ngoại trừ tên lửa chống hạm Uran thực sự chưa sẵn sàng - Vũ khí trang bị của Neustrashimyy không thua kém gì Đô đốc Chabanenko và tương tự con tàu nói trên, khinh hạm đã được vận hành tích cực ở khắp các vùng nước trên thế giới kể từ năm 1990.
Khinh hạm Neustrashimyy (Nguồn: Topwar).
Khinh hạm này đã gặp sự cố trong lần hoạt động chống cướp biển thứ 2 ở Vịnh Aden - và được đưa đi đại tu (bao gồm việc thay thế 4 động cơ diesel, 2 tuabin và tất cả các hệ thống làm mát) vào năm 2009.
Con tàu sau đó đã một lần nữa được gửi tới Vịnh Aden, tuy nhiên vào thời điểm được đại tu nó đã thực hiện được hành trình lên tới 120.000 dặm trong 19 năm - dẫn đến thực tế là Hải quân Nga không còn tàu chiến nào có khả năng hoạt động ở vùng biển xa.
Neustrashimyy đã được đưa vào sửa chữa vào năm 2014 và được cho là sẽ một lần nữa trở lại biển cả vào năm 2017 - nhưng như thường lệ, thời hạn này đã được kéo dài ra.
Đầu tiên là một đám cháy trên tài xảy ra vào 2018 và một lần nữa lửa lại bốc lên gần kho vũ khí trên tàu vào năm 2020 - rất may thủy thủ đoàn đã kịp ứng phó và cứu con tàu.
Vào năm 2021, giám đốc của Nhà máy đóng tàu Yantar đã ra đảm bảo rằng con tàu sẽ được bàn giao cho hạm đội vào cuối năm 2022 nhưng hiện tại con tàu mới được thử nghiệm và cho đến nay vẫn chưa có thông báo về việc bàn giao nó cho Hải quân Nga.
Ở trên mặt nước đã như vậy thì dưới mặt nước sẽ ra sao? Thực tế là trong thế giới của tàu ngầm Nga, mọi thứ cũng không được coi là lạc quan. Ví dụ có thể là tàu ngầm K-132 Irkutsk lớp Đề án 949A. Số phận của "батона" (ổ bánh mì) huyền thoại hóa ra còn đáng buồn hơn.
SSGN K-132 Irkutsk lớp Đề án 949A (Nguồn: Topwar).
Những chiếc SSGN (Tàu ngầm tên lửa dẫn đường) lớp Đề án 949A thực sự là những gã khổng lồ với chiều dài 154 mét và chiều rộng 18 mét, lượng giãn nước gần 24.000 tấn, tốc độ 32 hải lý/giờ, lặn sâu tối đa 600 mét.
Chúng cũng được trang bị vũ khí phù hợp bao gồm 24 tên lửa hành trình siêu thanh Granit với đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường nặng 500 kg, 2 ống phóng lôi 650 mm và 4 ống 533 mm với tổng cơ số đạn là 24 ngư lôi và rocket phóng lôi.
K-132 gia nhập Hải quân Nga vào cuối năm 1988. Sau 9 năm phục vụ nó đã được đưa vào diện "niêm cất" vào năm 1997. Những gì xảy ra trong các khu vực niêm cất không đáng để nói với độc giả và không có gì ngạc nhiên khi con tàu đã được đưa đi sửa chữa vào năm 2001.
Kể từ đó con tàu đã không rời khỏi nhà máy Zvezda ở Bolshoy Kamen, Primorsky Krai. Có lẽ lý do K-132 Irkutsk nằm lại trong nhà máy là do các kế hoạch nâng cấp từ 24 ống phóng tên lửa Granit lên 70 rồi lại hạ xuống 48 ống phóng Kalibr, Onix hoặc Zircon (tên lửa siêu thanh).
Được biết nhà máy Zvezda đã nhiều lần đưa ra dự đoán về thời điểm con tàu rời khỏi cơ sở - gần nhất là việc nó sẽ quay lại trong trang bị của Hạm đội Thái Bình Dương vào năm 2002... nhưng hiện tại chúng ta có thể khẳng định rằng điều đó sẽ không xảy ra trong năm nay.
Thực tế khủng khiếp đó là trong 34 năm tồn tại, SSGN của Hải quân Nga đã trải qua 25 năm nằm trong xưởng - khó có hải quân quốc gia nào có thể tự hào về tốc độ sửa chữa tàu như vậy.
Tình hình với những SSN (tàu ngầm tấn công hạt nhân) khác thuộc lớp Đề án 945 (lớp Sierra), 971 (lớp Akula) cũng không khá hơn.
SSN B-276 Kostroma lớp Sierra (Nguồn: Topwar).
Cùng với 3 chiếc K-328 Leopard, K-295 Samara và K-461 Volk lớp Akula, 2 chiếc B-239 Karp và B-276 Kostroma lớp Sierra (hiện đang trong tình trạng tháo rời) vẫn nằm tại Nhà máy Zvyozdochka ở Severodvinsk.
K-391 Bratsk (lớp Akula) thì nằm tại Trung tâm sửa chữa Đông Bắc ở Vilyuchinsk, Kamchatka.
Tất cả các SSN nói trên đều đã nằm trong xưởng sửa chữa tối thiểu 8 năm.
Về các tàu ngầm diesel-điện, tàu ngầm tấn công B-871 Alrosa thuộc lớp Đề án 877 (lớp Kilo) được đưa vào trang bị năm 1990 đã nằm chờ sửa chữa tại nhà máy đóng tàu thứ 12 ở Sevastopol kể từ năm 2014. Tức là sau 20 năm phục vụ (tính từ 1992) con tàu đã nằm trong nhà máy 8 năm.
Tàu ngầm tấn công B-871 Alrosa lớp Đề án 877/lớp Kilo (Nguồn: Topwar).
Kết luận
Có thể thấy năm 2014 là dấu mốc kỳ lạ đối với Hải quân Nga. Như thể đã có một sự đổ vỡ nào đó và công tác sửa chữa của một loạt con tàu đã được kết luận là không thể.
Dựa trên các dữ liệu ở phần trên của bài viết, tôi (Roman Skomorokhov) nảy sinh một suy luận rằng ngành đóng tàu Nga đã có cơ hội được tồn tại lâu dài thông qua các hợp đồng sửa chữa trong nhiều năm.
Nhưng một số tiền khổng lồ từ ngân sách vẫn dai dẳng đổ vào các con tàu cũ - tất nhiên không phải chiếc nào cũng là một "máy hút bụi" cần tới hàng tỷ USD như Đô đốc Kuznetsov - và đây là điều đáng phải suy nghĩ.
Ngành công nghiệp đóng tàu của chúng ta vẫn có thể sản xuất những chiếc tàu mới và nhỏ, nhưng việc sửa chữa những chiếc tàu cũ và lớn rõ ràng là vượt quá năng lực.
Một thực tế kỳ lạ đang diễn ra tại các nhà máy đóng tàu Nga, đó là không có cách nào đóng tàu mới vì nhà xưởng đang được lấp đầy bởi các con tàu cũ cần được giữ nổi.
Nói về việc tháo gỡ các tàu hạt nhân mới chỉ phục vụ chưa tới 10 năm là điều đáng buồn, nhưng nếu nhìn vào thời gian mà Đô đốc Kuznetsov đã phải dành để sửa chữa (15 trên 31 năm hoạt động), bạn sẽ bắt đầu nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu cho nó "một mũi tiêm nhân đạo".
Khó ai có thể nêu chính xác số tiền mà Bộ Quốc phòng Nga đã phải bỏ ra cho công tác sửa chữa tàu cũ hay so sánh nó với việc đóng mới tàu chiến nhưng một điều có thể thấy rõ ràng là vụ việc tàu Moskva chỉ là khởi đầu - không sớm thì muộn các tàu của Hải quân Nga cũng phải sửa chữa.
Và chúng ta khó có thể đánh giá cao chất lượng công việc đang được thực hiện - thực tế rút ra ở đây là bất chấp việc bạn có thể tin tưởng như thế nào thì các con tàu cũ của Liên Xô đang nằm trong tay các thợ sửa chữa tàu mới của Nga.
Và nó cũng đồng thời là câu trả lời cho câu hỏi rằng điều gì sẽ tốt hơn - đóng tàu mới hay tiếp tục "vá víu" những con tàu cũ.
Phát biểu tại Lễ duyệt binh Hải quân ở St.Petersburg vào năm 2020, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cho biết một số lượng lớn tàu chiến sẽ được đưa vào trang bị (Ảnh: TASS).