Hình minh họa.
Nhật Bản dự định tăng cường quan hệ với Australia, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á bằng cách cung cấp những vũ khí cho phép xây dựng thế trận phòng thủ vững chắc hơn. Các thay đổi về quy định cho phép xuất khẩu vũ khí dự kiến có thể trở thành hiện thực vào tháng 3 năm 2023.
Sau khi sửa đổi các chính sách liên quan, Nhật Bản đặt mục tiêu xuất khẩu tiêm kích và tên lửa đánh chặn phóng từ biển mới. Vậy cụ thể kho vũ khí của Tokyo có thứ gì để có thể phù hợp với mục tiêu xuất khẩu này?
Đầu tiên có thể kể tới tiêm kích chiếm ưu thế trên không F-15J/DJ Eagle - được Mitsubishi Heavy Industries sản xuất theo giấy phép của Mỹ.
Một chiếc F-15 cất cánh từ căn cứ của ở tỉnh Ibaraki (Nguồn: Nikkei).
Theo một bài viết cũng của Nikkei vào tháng 8/2018 - khi Washington cân nhắc việc cung cấp các tiêm kích loại này cho các nước Đông Nam Á - Tokyo cũng đã tính tới việc bán một số F-15 mà họ có cho Mỹ để "gây quỹ" mua tiêm kích tàng hình F-35.
Hiện Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản (JASDF) đang sở hữu 203 chiếc F-15J và 20 chiếc F-15DJ và chỉ mới ra quyết định nâng cấp 68 chiếc F-15J theo chương trình Siêu đánh chặn Nhật Bản (JSI) vào tháng 2/2022.
Thứ hai, cũng trong bài viết được Nikkei đăng tải hôm 27/5, tờ báo Nhật Bản cũng đưa ra giả thuyết về việc Tokyo dự kiến cung cấp tiêm kích đa năng Mitsubishi F-2 cho một số quốc gia nhất định.
Mitsubishi F-2 được coi là một biến thể của F-16 Fighting Falcon và được Mitsubishi Heavy Industries và Lockheed Martin sản xuất cho JASDF.
Tiêm kích Mitsubishi F-2A của Nhật Bản (Nguồn: Nikkei).
Được biết JASDF sở hữu 61 tiêm kích một chỗ ngồi F-2A và 21 máy bay huấn luyện hai chỗ ngồi F-2B - tính đến năm 2014.
Và cuối cùng liên quan tới cái gọi là "tên lửa đánh chặn phóng từ biển mới". Khó có thể bỏ qua suy luận rằng thứ được nhắc tới liên quan tới Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Đạn đạo Aegis được trang bị trên các khu trục hạm của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (JMSDF).
Aegis cung cấp cho các biến thể khu trục hạm lớp Aleigh Burke của JMSDF khả năng đánh chặn và tiêu diệt tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung.
Vào tháng 12/2020, Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi cho biết Nhật Bản sẽ đóng thêm hai tàu chiến được trang bị Aegis - với mục tiêu nâng số lượng tàu Aegis của JMSDF lên 10 chiếc.
Đồng thời ông Kishi lưu ý rằng sẽ mất 5 năm để Nhật Bản tự phát triển và sản xuất các tên lửa đánh chặn - thứ được Nikkei đề cập ở trên.
Tàu chiến của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (JMSDF).