Tại sao quân Đức khiếp sợ các “Phù thủy màn đêm”?

Lê Ngọc |

Chính những kẻ phát xít đã khiếp sợ và gọi các nữ phi công Hồng quân là "Phù thủy màn đêm".

Trung đoàn Không quân nữ

Năm 1941, tại thành phố Engels, Thượng úy thuộc Ủy ban Anh ninh Quốc gia Liên Xô Marina Raskova, lúc đó vừa tròn 29 tuổi, chịu trách nhiệm thành lập Trung đoàn Không quân Nữ số 46 thuộc Không quân Liên Xô theo lệnh của Ủy ban Quốc phòng Nhân dân.

Trung đoàn này do nữ phi công Evdokia Bocharova có 10 năm kinh nghiệm bay và Trung đoàn phó chính trị Maria Runt chỉ huy.

Khi đó, trong thành phần Hồng quân Liên Xô có ba trung đoàn không quân có phi công nữ: Trung đoàn không quân tiêm kích, Trung đoàn không quân ném bom hạng nặng và Trung đoàn không quân ném bom hạng nhẹ.

Hai trung đoàn đầu là các Trung đoàn hỗn hợp và chỉ có trung đoàn cuối cùng - Trung đoàn số 46, được biên chế chỉ một loại máy bay ném bom hạng nhẹ cánh đúp của Polikarpov, hoặc Po-2, gồm hoàn toàn nữ giới.

Tại sao quân Đức khiếp sợ các “Phù thủy màn đêm”? - Ảnh 1.

Marina Raskova - người tham gia sáng lập Trung đoàn Không quân Nữ số 46; Nguồn: pomnisvoih.ru

Từ chỉ huy, chính ủy, phi công, hoa tiêu, kỹ thuật viên máy bay, thợ điện, thư ký và nhân viên - tất cả là nữ, và những công việc từ nhẹ nhất đến khó khăn nhất đều được thực hiện bằng bàn tay chị em.

Vì thành phần hoàn toàn là nữ, cũng như tên của chỉ huy, các phi công nam đôi khi gọi Trung đoàn 46 là những người Dunkin. Với cái tên hài hước như vậy, các nữ phi công đã gây ra cho kẻ thù những nỗi kinh hoàng thực sự.

"Phù thủy màn đêm"

Các nữ phi công được đào tạo tại Arkhangelsk, sau lễ rửa tội hai tuần, vào ngày 27/5/1942, Trung đoàn Không quân Nữ số 46 gồm 115 cô gái độ tuổi 17-22 với biên chế đội hình chiến đấu đầy đủ đã được điều ra mặt trận.

Với những nhiệm vụ và chiến công mà những người phụ nữ mang ý chí thép này thực hiện, trung đoàn đã giành được danh hiệu "Cận vệ". Vì thuộc Sư đoàn Không quân Ném bom Đêm số 218 và chỉ thực hiện các nhiệm vụ vào ban đêm, các nữ phi công được chính bọn phát xít gọi là "Phù thủy màn đêm".

Tại sao quân Đức khiếp sợ các “Phù thủy màn đêm”? - Ảnh 2.

Trung đoàn Không quân Nữ số 46 được biên chế máy bay cánh đúp Po-2; Nguồn: pomnisvoih.ru

Chuyến bay đầu tiên được thực hiện tại khu vực thảo nguyên Salsky. Sau đó, các cô gái chiến đấu ở vùng sông Don, khu vực sông Mius và thành phố Stavropol. Cuối năm 1942, Trung đoàn 46 bảo vệ Vladikavkaz; các nữ phi công đã tham gia vào các trận không chiến với kẻ thù trên Bán đảo Taman, cùng Hồng quân và Không quân giải phóng Novorossiysk.

Các "Phù thủy màn đêm" đã đóng góp tích cực trong các trận chiến giành Kuban, bán đảo Crimea, Belorussia và các khu vực khác của Liên Xô.

Sau khi quân đội Liên Xô vượt qua biên giới, các phi công đã chiến đấu trên lãnh thổ Ba Lan - tham gia giải phóng các thành phố Warsaw, Augustow, Ostrolek khỏi quân phát xít. Đầu năm 1945, Trung đoàn Không quân Nữ số 46 chiến đấu trên lãnh thổ Phổ và trong những tháng cuối của Thế chiến II đã tham gia vào chiến dịch tấn công huyền thoại Wisla-Oder.

Tại sao quân Đức khiếp sợ các “Phù thủy màn đêm”? - Ảnh 3.

Các nữ phi công Trung đoàn Không quân Nữ số 46 được gọi là "Phù thủy màn đêm"; Nguồn: pomnisvoih.ru

Số lượng máy bay chiến đấu sau một vài năm tăng từ 20 lên đến 45 chiếc. Những chiếc máy bay này ban đầu được tạo ra không phải để chiến đấu, mà là để huấn luyện, có tốc độ tối đa 120km/h. Nó thậm chí không có khoang chứa bom; đạn pháo được treo dưới bụng của máy bay trên giá treo bom đặc biệt; mỗi chiếc Po-2 mang tải trọng bom 200kg mỗi lần.

Với vũ khí khiêm tốn như vậy, các cô gái Hồng quân đã lập nên chiến công hiển hách, làm kẻ thù kinh hoàng. Các cô gái không được trang bị dù trên máy bay (nơi dành riêng để dù dùng để trữ thêm bom) là những kẻ đánh bom tự sát theo nghĩa đen; trong trường hợp máy bay trúng đạn, họ chỉ có thể chết một cách anh hùng.

Vào ban đêm, do bay ở độ cao thấp radar của Đức không thể phát hiện. Máy bay chiến đấu Đức sợ tiếp cận quá gần mặt đất và thường đây là điều đã cứu mạng phi công. Nhưng nếu Po-2 rơi vào chùm đèn chiếu, không khó để hạ nó xuống.

Tại sao quân Đức khiếp sợ các “Phù thủy màn đêm”? - Ảnh 4.

Các "Phù thủy màn đêm" đã dũng cảm chiến đấu, lập nhiều chiến công hiển hách; Nguồn: pomnisvoih.ru

Trung đoàn được giao thực hiện các nhiệm vụ phức tạp nhất, nhiều khi các nữ phi công đã bay đến hoàn toàn kiệt sức về thể chất. Có những trường hợp khi hạ cánh xuống sân bay, phi hành đoàn vì mệt mỏi đã không thể ra khỏi máy bay, và phải cần trợ giúp.

Thành tích của các “Phù thủy màn đêm”

Các cuộc xuất kích của cô gái được thực hiện rất cấp tập, thời gian nghỉ giữa các chuyến bay thường chỉ 5-8 phút để trút một loạt bom xuống trận địa và doanh trại của kẻ thù. Trong một đêm, về mùa hè, mỗi chiếc Po-2 xuất kích đánh bom 5-8 lượt, vào mùa đông - 10-12 lượt.

Trong trận chiến giành Kavkaz, các cô gái đã thực hiện khoảng 3.000 lượt xuất kích, giành Kuban, Novorossiysk và Taman - hơn 4.600, giành Crimea - hơn 6.000, giành Belorussia - 400, giành Ba Lan - gần 5.500 lượt xuất kích.

Trong quá trình chiến đấu, các phi công của Trung đoàn Không quân Nữ số 46 đã thực hiện 23.672 lần xuất kích; tổng cộng, máy bay đã ở trên không trong 28.676 giờ (1.191 ngày), đã thả hơn 3 nghìn tấn bom, 26.000 quả đạn cháy, tạo 811 đám cháy và 1.092 vụ nổ công suất lớn; tiếp tế 155 kiện hàng vũ khí, lương thực thực phẩm cho các đơn vị Hồng quân bị bao vây.

Tại sao quân Đức khiếp sợ các “Phù thủy màn đêm”? - Ảnh 6.

Nhiều "Phù thủy màn đêm" đã trở thành Anh hùng Liên Xô hay được trao tặng huân, huy chương; Nguồn: pomnisvoih.ru

Các "Phù thủy màn đêm" đã thổi bay 17 trọng điểm, 46 kho đạn dược, 86 hỏa điểm của địch, 176 xe-máy quân sự, 12 téc nhiên liệu, 9 đoàn tàu hỏa, 11 đèn chiếu công suất cao, 2 ga đường sắt do địch chiếm giữ. Tuy nhiên, 32 nữ phi công đã anh dũng hy sinh trong các trận đánh, 28 máy bay bị bắn rơi.

Trung đoàn chịu tổn thất nặng nề nhất vào tháng 8/1943, khi bất ngờ bị tấn công bởi máy bay tiêm kích Messerschmitt Bf.110 hoạt động ban đêm - 3 máy bay cùng phi hành đoàn đã trúng đạn từ tiêm kích Đức và một máy bay bị trúng đạn pháo phòng không.

Tham gia giải phóng bán đảo Taman, Trung đoàn 46 đã được nhận tên thứ hai là Trung đoàn "Taman". Hơn 250 nữ phi công đã được trao nhiều phần thưởng, 23 nữ phi công của Trung đoàn đã trở thành Anh hùng Liên Xô, trong số đó, có Raisa Aronova, Vera Belik, Polina Gelman, Evgenia Zhigulenko, Tatyana Makarova, Evdokia Pasko và nhiều tên tuổi khác.

Cuối chiến tranh, Trung đoàn được biên chế về Sư đoàn số 325, sau đó là Sư đoàn 2 và ngày 15/10/1945, Trung đoàn bị giải thể và hầu hết các nữ phi công đều giải ngũ./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại