Giáo sư thần kinh học Christopher Gibbons từ Trường Đại học Havard (Mỹ) cho biết trong hầu hết các trường hợp, cảm thấy chóng mặt hoặc choáng váng mỗi khi đứng dậy đều không thật sự nguy hiểm.
Khi bạn đứng dậy một cách đột ngột, một lực hấp dẫn kéo máu về phía bàn chân khiến huyết áp bị hạ tạm thời. Để bù lại, hệ thần kinh phải thích ứng ngay bằng cách tim đập nhanh và các mạch máu thắt chặt.
Nếu cơ thể trở về huyết áp bình thường đủ nhanh, bạn sẽ không thấy mệt. Nhưng nếu mạch máu giãn nhiều, quá trình trên sẽ bị trì hoãn. Kết quả là lưu lượng máu tới não giảm, khiến bạn bị xây xẩm mặt mày trong vài giây.
Không có gì đáng ngại khi bạn thường xuyên rơi vào tình huống này nếu bị huyết áp thấp hoặc dùng thuốc huyết áp làm giãn mạch máu.
Ngoài ra, chóng mặt khi đứng dậy có thể do nằm quá lâu hoặc mất nước. Đó là lí do tại sao bạn cảm thấy choáng váng trong lúc tập thể thao hoặc vừa mới ốm dậy, tiến sĩ Gibbons giải thích.
Thông thường, cơn chóng mặt chỉ kéo dài trong một vài giây và dần trở lại bình thường và không có gì phải lo lắng. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn còn chóng mặt khi đứng một lúc, có thể đã có vấn đề nghiêm trọng xảy ra.
"Điều này cho thấy huyết áp của bạn giảm và không kịp phục hồi", giáo sư Gibbons nói.
Hiện tượng huyết áp tâm thu bị giảm ít nhất 20 mm Hg sau khi đứng 3 phút được gọi là hạ huyết áp tư thế đứng. Thông thường chỉ người cao tuổi mới bị bệnh này nhưng ước tính có 5% người dưới 50 tuổi cũng mắc phải.
Và đó là lúc bạn phải đi khám bác sĩ ngay lập tức bởi nguy cơ tử vong trong 10 năm tiếp theo của bạn sẽ tăng cao hơn so với người bình thường.
Hạ huyết áp tư thế đứng có thể gây ra triệu chứng ngất xỉu, té ngã dẫn đến chấn thương.
Tiến sĩ Gibbons cho biết tình trạng này cũng cảnh báo rằng chức năng của một bộ phận trong cơ thể đang trục trặc. Có thể, bạn đang mắc tiểu đường hay bệnh Parkinson.
* Theo Menshealth