Với tiêu đề "Châu Âu: Phản ứng với xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra", tài liệu ở dạng biểu đồ liệt kê các "quan điểm được đánh giá" của chính phủ 38 nước châu Âu trước yêu cầu hỗ trợ quân sự của Ukraine.
Binh sỹ Ukraine trong chiến hào gần thành phố Bakhmut ngày 10/4/2023. Ảnh: Reuters
Biểu đồ cho thấy Serbia từ chối huấn luyện cho các lực lượng Ukraine nhưng đã cam kết gửi viện trợ vũ khí sát thương hoặc đã cung cấp viện trợ vũ khí sát thương cho Kiev. Tài liệu cũng cho biết Serbia có ý chí chính trị và khả năng quân sự để cung cấp vũ khí cho Ukraine trong tương lai.
Tài liệu được đề ngày 2/3 và đóng dấu của Văn phòng Tham mưu trưởng Liên quân. Tất cả đều có dấu "Mật" và "NOFORN", theo đó cấm phân phát cho các cơ quan tình báo và quân đội nước ngoài.
Văn phòng của Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic và Đại sứ quán Ukraine hiện chưa phản hồi đề nghị bình luận.
Lầu Năm Góc cũng chưa lên tiếng về tài liệu liên quan đến Serbia cũng như các tài liệu bị rò rỉ khác.
Chính phủ của Tổng thống Vucic bày tỏ quan điểm trung lập về xung đột Nga-Ukraine, bất chấp mối quan hệ lịch sử, kinh tế và văn hóa sâu sắc với Nga.
"Nếu tài liệu này là chính xác, nó cho thấy chính quyền ông Vucic đã nói dối Nga hoặc Serbia đang chịu áp lực rất lớn từ Mỹ trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine", ông Janusz Bugajski, chuyên gia về Đông Âu tại Quỹ Jamestown nhận định.
Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra vụ rò rỉ, trong khi Lầu Năm Góc đang đánh giá thiệt hại của vụ việc này đối với an ninh quốc gia.
Biểu đồ trong bản tài liệu nêu trên chia câu trả lời đối với đề nghị viện trợ của Ukraine thành 4 mục: những nước đã cam kết huấn luyện và viện trợ vũ khí sát thương, những nước đã huấn luyện, viện trợ vũ khí sát thương hoặc cả hai, những nước có khả năng quân sự và ý chí chính trị trong việc cung cấp viện trợ sát thương trong tương lai.
Áo và Malta là 2 quốc gia được đánh dấu "Không" trong cả bốn mục.
Biểu đồ liên quan đến Serbia được tiết lộ hơn 1 tháng sau khi tài liệu đăng tải trên Telegram cho thấy chuyến hàng của một nhà sản xuất vũ khí Serbia gồm tên lửa Grad 122mm tới Kiev vào tháng 11/2022. Các tài liệu cũng bao gồm bản kê khai lô hàng và chứng nhận người dùng cuối của chính phủ Ukraine.
Hãng thông tấn TASS dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, hồi tháng 3 Moscow đã yêu cầu Belgrade giải thích về các hoạt động giao vũ khí mà kênh Telegram đề cập.
Nhà sản xuất vũ khí Krusik của Serbia từ phủ nhận việc cung cấp tên lửa hay bất cứ vũ khí nào khác cho Ukraine. Ông Vucic cũng khẳng định đó là thông tin "dối trá".
"Chúng tôi không xuất khẩu bất kỳ loại vũ khí hay đạn dược nào sang Nga hay Ukraine", ông Vucic nhấn mạnh trong chuyến thăm Qatar ngày 5/3.
Kể từ khi xung đột Nga Ukraine bùng phát hồi tháng 2/2022, Tổng thống Vucic đã cố gắng cân bằng giữa mối quan hệ chặt chẽ với Moscow và mục tiêu gia nhập Liên minh châu Âu.
Dù vậy, Serbia là quốc gia duy nhất trong số 44 quốc gia châu Âu kiên quyết không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.